Theo các nhà chuyên môn, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 không có sự đột phá đủ sức tác động đến diện mạo sân khấu hiện nay
Thu hút được khán giả
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng thành công lớn nhất của Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 chính là khán giả. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) gần như đông kín khán giả trong những ngày diễn ra liên hoan. Bảng thông báo không còn chỗ ngồi thường xuyên treo trước cửa nhà hát. Hình ảnh khán giả phải xem kịch qua màn hình phía trước nhà hát và những tràng pháo tay hưởng ứng đã giúp cho liên hoan thêm phần sinh động.
Cảnh trong vở “Hai người mẹ” của Sân khấu Trịnh Kim Chi (TP HCM) – vở diễn được trao huy chương bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024. Ảnh: Sân khấu Trịnh Kim Chi
Một điểm sáng khác của liên hoan kỳ này là sự góp mặt của không ít gương mặt nghệ sĩ lớn tuổi nhưng vẫn đam mê, miệt mài với sàn diễn. Đã có những vở diễn làm bùng nổ cảm xúc của người xem như "Đêm trắng" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Vòng tròn bội bạc" (Nhà hát Kịch Hà Nội), "Bắt quỷ" (Đoàn Kịch nói Hải Phòng)…
Còn nhiều trăn trở
Tuy nhiên, liên hoan vẫn còn nhiều vấn đề cần "mổ xẻ", từ kịch bản cho đến hình thức dàn dựng. Liên hoan quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập nhưng dư luận đặt vấn đề vì sao liên hoan sân khấu kịch nói lại để cho diễn viên cải lương tham gia? Sự lỏng lẻo này phải chăng nhằm để diễn viên ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể "săn" huy chương trong việc xét duyệt danh hiệu?
Mục đích của liên hoan là nhằm phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật kịch nói; là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật kịch nói phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, quá trình đầu tư, chuẩn bị cho vở diễn lại bị xem nhẹ, khiến quá ít kịch bản mới, gần như vắng bóng những kịch bản về đời sống đương đại.
Những người trong cuộc cho rằng sân khấu kịch đang thiếu hẳn hiện thực đời sống, những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Thực trạng này phải chăng do đội ngũ sáng tác thiếu hụt, đội ngũ sáng tạo né tránh những vấn đề đương đại… Sân khấu kịch đang mất dần chức năng phản ánh hiện thực và dự báo.
Với quy mô liên hoan cấp toàn quốc nhưng hầu hết kịch bản tham gia liên hoan quá cũ, có kịch bản viết từ thập niên 1980, không có kịch bản nào xuất xứ từ các trại sáng tác kịch bản, kịch bản của tác giả trẻ càng khan hiếm; ít kịch bản khai thác những vấn đề nóng bỏng của xã hội hôm nay; thiếu vắng sự sáng tạo trong thiết kế sân khấu của một số vở diễn; nhiều vở chưa chú trọng đầu tư cho yếu tố âm nhạc trong vở diễn…
Giới chuyên môn mong mỏi các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần sớm đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật kịch nói, kịp thời đưa ra những phương thức hoạt động mới, giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật kịch nói phát triển phù hợp thực tế đời sống xã hội. |
Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Bình luận (0)