Ban C dần biến mất, điểm thi đại học các môn văn, sử, địa thấp đến không ngờ, các ngành khoa học xã hội (KHXH) ngày càng lay lắt… Theo ý kiến của nhiều nhà giáo, nếu việc dạy và học không chấn chỉnh kịp thời thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn.
Chết từ trong trứng nước
Nhìn chung, điểm thi ĐH ở tất cả các khối thi năm nay đều thấp, nhưng đến 98% điểm thi dưới trung bình thì chỉ có ở môn lịch sử. Không chỉ những thầy – cô giáo “nặng tình” với môn sử mới hoảng hốt mà cả xã hội phải nhìn lại, lỗi này không phải chỉ ở học sinh. Chị Nguyễn Thị Vân – cựu thủ khoa báo chí – chia sẻ: Chính thái độ xem những người học khối C là những người không thông minh, không biết suy luận, chỉ cần học thuộc lòng hoặc những người học giỏi văn, sử, địa cũng không được coi trọng như những người giỏi toán, lý nên dù có yêu thích, những người học khối C cũng ngại theo.
Bạn Nguyễn Trà Mi – TS thi ĐH khối C, ĐH Sư phạm TPHCM – chia sẻ: “Chương trình học môn sử, địa chỉ có 1 tiết trên lớp, thầy cô gần như chỉ tóm tắt lại nội dung sách giáo khoa, kiểm tra bài cũ chỉ cần đọc đúng nội dung đó là đạt điểm 8 – 9, còn khi thi ĐH thì không thể làm bài theo kiểu học thuộc ý chính”.
Cô Hà Thu Thúy – giáo viên môn sử Trường THPT quận Tân Bình – cho biết: “1 tiết học chỉ có 45 phút, hết 15 phút kiểm tra đầu giờ còn lại 30 phút cho cả một sự kiện lịch sử, ví dụ cả chiến dịch Điện Biên Phủ cũng chỉ học trong 1 tiết thì giáo viên cố gắng giúp học sinh tóm tắt nội dung đã khó, nói chi đến mở rộng, tổng hợp… Muốn sáng tạo cho tiết học cũng đâu phải dễ, liên quan đến kinh phí, thời gian…, thế nên nhiều giáo viên vẫn chọn giải pháp an toàn là tóm tắt nội dung trong sách giáo khoa và cho học sinh học thuộc. Chỉ tội những học sinh chọn khối C thi ĐH, năm nào không thi TN môn lịch sử thì y như rằng năm đó môn sử bị lãng quên, học sinh tự học lấy”.
Khối C: vừa dài vừa buồn! Ảnh: G.H
Hệ lụy của bệnh thành tích!
Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Hà Minh Hồng – Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM – cho rằng, đây là lỗi của cả một hệ thống quản lý, từ cách thức thi cử, chỉ tiêu thi đua hằng năm mà sở, phòng giáo dục, các trường của tỉnh, huyện đặt ra và cả sách giáo khoa. Giáo viên, học sinh chỉ là những người thụ hưởng và họ hoàn toàn bị động trong việc dạy và học, là nạn nhân của bệnh chạy theo thành tích trong giáo dục hiện nay. Tình trạng chỉ được cải thiện khi tư tưởng của cả xã hội đối với ban C và các ngành khoa học xã hội thay đổi.
Theo ông Hà Minh Hồng, các môn học đối với học sinh lớp 12 khá bất cập. Thường chỉ có các môn toán, văn, Anh, hóa, lý là được đầu tư kỹ, còn các môn sử, địa thì lại lơ là vì nó thuộc dạng “không biết có thi tốt nghiệp hay không”, chỉ đến tháng 3 khi Bộ GDĐT công bố các môn thi TN chính thức thì lúc đó mới… chạy.
Sách giáo khoa sau khi cải cách vẫn không tạo được hứng thú cho người học, nhiều giáo viên tâm huyết muốn thay đổi nhưng vấn đề kinh phí, thời gian đã “bó cái khôn” của người đi dạy. Sự nhàm chán đã làm cho người ta chán ghét các môn xã hội, trong khi đó từ lớp nhỏ đến lớp lớn vẫn cứ quanh đi quẩn lại học những sự kiện, giai đoạn, chiến dịch lịch sử đó.
Theo ông Hồng: “Đối với những lớp như bậc tiểu học, đầu trung học cơ sở chỉ nên dạy về các giai thoại lịch sử, thần thoại lịch sử nhằm giáo dục tình yêu nước cho học sinh chứ không phải là nhồi nhét những mốc lịch sử, sự kiện nặng tính chính trị trong khi học sinh còn quá bé, trước khi chúng ta làm cho học trò thích sử, chúng ta đã làm chúng sợ lịch sử mất rồi”.
Theo PSG-TS Hà Minh Hồng, chính sự mở trường ào ạt, các ngành KHXH ra đời dễ dàng, sự cạnh tranh về đầu vào không cao, nên chất lượng đào tạo các ngành KHXH ngày càng đi xuống. “Theo tôi, ngoài kỳ thi tuyển sinh 3 chung chỉ cần thi chung 1 khối gồm toán, văn, Anh làm kiến thức nền và là bắt buộc, TS thi thêm một môn thi mà ngành đó cần. Như vậy chúng ta sẽ không quá coi trọng khối nào và không có môn nào bị xem thường, tạo ra sự cân bằng trong việc dạy và học”.
Bộ GDĐT phản hồi về việc điểm thi môn lịch sử thấp: Thực tế không thể xem nhẹ
Tin từ Bộ GDĐT ngày 2.8 cho biết, bộ vừa có công văn tiếp thu những ý kiến về điểm thi môn lịch sử trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua. Công văn nêu rõ: Bộ GDĐT nhận thấy, kết quả nhiều bài thi môn lịch sử của các em học sinh đã tốt nghiệp THPT tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ không đạt yêu cầu, thậm chí chỉ được điểm 0, là một thực tế không thể xem nhẹ.
Thực tế này cần được quan tâm tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, từ đó có những giải pháp phù hợp. Bộ GDĐT xin chân thành cảm ơn và tiếp thu những ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với việc dạy – học lịch sử ở trường phổ thông. Bộ GDĐT tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo khắc phục, đồng thời sẽ tiếp thu ý kiến công luận qua các hội thảo. H.Ng
Lê Tuyết
Theo Lao Động
Bình luận (0)