Có câu chuyện kể rằng: một người cha đưa đứa con học lớp 10 vô trường thi lại. Vừa vào đến cổng, gặp cô giáo chủ nhiệm của em. Thay vì có vài lời động viên, xốc lại tinh thần cho em trước khi vào phòng thi lại thì cô giáo đã dội ngay “gáo nước lạnh” vào phụ huynh: “Cháu học kém lắm anh ạ. Thi lại cả hai môn toán và Anh văn! Chắc cũng không làm bài được đâu, thi làm gì mất công. Cho cháu về đi, ở lại một năm nữa học cho chắc!”.
Thật không thể hiểu một “mẹ hiền” mà lại có thành kiến với học trò học yếu, phải thi lại như vậy. Có thể em đã làm mất điểm thi đua cuối năm của lớp cô chủ nhiệm nên cô mới có những lời lẽ thiếu tính sư phạm như vậy. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, học trò có em học giỏi, có em học yếu là chuyện bình thường trong nhà trường. Điều quan trọng là giáo viên chủ nhiệm có sâu sát ngay từ đầu để có những biệp pháp thích hợp nhằm động viên, tạo điều kiện cho em học vươn lên. Lỗi để em phải thi lại một phần thuộc về giáo viên chủ nhiệm.
Hơn nữa, trước mặt phụ huynh đưa con vào thi lại (với một tâm lý mặc cảm, mắc cỡ và buồn) mà cô chủ nhiệm vô tư “mắng vốn” thì thử đặt mình vào vị trí đó xem sao? Rõ ràng cô chủ nhiệm có những điều gì còn ấm ức trong lòng; đến khi gặp “đối tượng” thì cô tuôn ra ngay những lời cay nghiệt, làm tiêu tan mọi nỗ lực, cố gắng chuẩn bị làm bài thi lại của em.
Nghề dạy học là dạy bằng cả trái tim, bằng cả lòng yêu thương học trò. Lòng bao dung, độ lượng, biết tha thứ là những phẩm chất cần có của người dạy học. Dù các em có những sai lầm, dù các em vì thi lại mà làm mất danh hiệu thi đua của lớp thì người thầy phải tìm hiểu cặn kẽ, xử phạt có lý có tình để học sinh thấy được cái sai và quyết tâm sửa lỗi. Em đã vào trường thi lại, đã có quyết tâm khắc phục thì tiếc gì một lời an ủi, động viên em hãy tự tin làm bài thi mà cô chủ nhiệmlại làm ngược lại!
Thế mới biết, để tự hoàn thiện mình; để mình trở thành “tấm gương sáng cho học sinh noi theo” thì người thầy không những giỏi về chuyên môn mà còn phải rèn luyện cách cư xử, cách giao tiếp lịch sự và luôn phải có lòng độ lượng, bao dung, biết sẻ chia, thông cảm, thấu hiểu với học trò…
Lê Trường Sa
Bình luận (0)