Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Bão” game ngày hè

Tạp Chí Giáo Dục

Những “trận chiến” game online ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều HS, SV. Ảnh: V.M

Vào thời điểm này đi đến đâu cũng nghe những học sinh, sinh viên (HS, SV) bàn tán về game online (trò chơi trực tuyến); trong quán internet thì chật ních các game thủ đua nhau hò hét, hóa thân thành những “hảo hán” để “cứu nhân độ thế”, ngoài đường thì tụm năm tụm ba bàn tán sôi nổi.
“Cơn lốc” mang tên Game oline 
Trên đường 61, KP.5 (P. Phước Long B, Q.9), chỉ dài khoảng 500 mét, thế nhưng có tới 5 quán internet luôn trong tình trạng chật kín người chơi. Lứa tuổi đến đây phần lớn là HS, SV. 8 giờ sáng, tôi có mặt tại quán Q.H, một không khí thật náo nhiệt, tiếng hò hét làm ồn ào cả một khu vực. Tiếng chửi thề phát ra liên tục từ những em đang khoác trên mình chiếc áo thể dục có logo tên Trường THCS Phước Long, Tiểu học Phước Bình… “Tiền ở đâu ra mà em đánh game cả ngày như thế?”, tôi hỏi. Một em chừng 12 tuổi, thản nhiên: “Tiền mẹ cho ăn sáng và tiền tiêu vặt đó”. “Em chơi game nhiều thế ba mẹ không cấm sao?”. “Hè em nghỉ học rồi cấm gì chứ”. Thấy tôi lắc đầu, chủ quán chừng 45 tuổi, phân bua: “Nhiều bữa đông quá bảo chúng nghỉ chơi nhưng chúng không chịu. Phần vì đang “máu” phần vì chỉ cần 20 ngàn đồng là chơi được cả ngày”.
9 giờ tối, trên đường Võ Văn Ngân (Q. Thủ Đức) ở đây không khí còn có phần “nóng” hơn vì các game thủ toàn là dân “anh chị” có “thâm niên” trong “làng game”. Những người chơi ở khu vực này phần lớn là SV, tuy chưa nghỉ hè nhưng nhiều trường đã không còn học trên lớp nhiều như trước. Vì thế bao nhiêu thời gian, tiền bạc từ “hậu phương” gửi lên, các game thủ đều để dành sắm “đồ” cho những “trận chiến” ở các sa mạc, núi cao, rừng sâu trong thế giới ảo… Vừa nghỉ tay sau “cuộc chiến” với game online gần 2 giờ đồng hồ, Trần Thanh Tùng, Trường CĐ Xây dựng, thổ lộ: “Gần hè thời gian lên lớp chẳng là bao, ngủ riết cũng chán, nên ra tiệm game chơi riết thành quen rồi. Ở lớp em con trai ai cũng biết chơi game nên cũng dễ tăng cấp. Vả lại muốn thắng phải hợp sức mới được nên phải có bạn bè chơi chung”.
Giải pháp nào?
12 giờ trưa, trên đường D2 Văn Thánh Bắc (P.25, Q. Bình Thạnh), chị Hồng, 35 tuổi đứng ngoài tiệm net gọi gắt vào trong quán: “Mày chơi từ sáng tới giờ chưa chán sao? Về ăn cơm rồi sang chơi tiếp”. Hỏi chuyện, chị Hồng phân trần: “Một tuần nay nghỉ hè là cháu suốt ngày “chuyển nhà” ra… ở quán game. Nhà tôi cũng mắc internet mà cháu có chịu chơi đâu. Vợ chồng tôi thì đi làm cả ngày, nên chưa quản lý cháu chặt được. Dạo này cháu thường xuyên tụ tập với những phần tử xấu. Tôi tính cho cháu về nhà nội ở Tiền Giang chơi, khi nào vào học thì lên nhưng cháu không chịu”.
Chị Thanh Tâm nhà gần chợ Văn Thánh, xởi lởi: “Cháu được nghỉ hơn một tháng hè, cứ để cháu chơi cho thoải mái. Tháng sau cháu đi học còn thời gian đâu mà chơi. Khi không cho chơi nữa thì bắt ở nhà thế là xong”. Tuy nhiên, không ít phụ huynh cũng có cách nghĩ lạc quan như thế nhưng rồi con cái họ sau đó là những ngày tháng trượt dài với game và đâm ra nghiện game lúc nào không hay. Chuyện trốn học, bỏ học, bỏ nhà “định cư” tại tiệm net, rồi đánh nhau… từ lâu trở thành chuyện thường ngày. Thậm chí đã xuất hiện hàng loạt các vụ cướp, bắt cóc, giết người dã man… do các em mê game gây ra.
Làm sao để kiểm soát được con em mình? Sẽ có bao nhiêu vụ đâm chém, giết chóc xảy ra trong và sau mùa hè này nữa?… Đó là những câu hỏi mà nhiều phụ huynh luôn lo lắng trong suy nghĩ vào ngày hè đến. Vấn đề này theo bà Phan Thanh Minh (Trưởng phòng BVCSTE, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) thì: “Vào dịp hè phụ huynh nên cho con em mình đăng ký vào những trung tâm, nhà văn hóa, các CLB văn, thể, mỹ để các em vừa học vừa chơi tránh cho các cháu sa vào những tệ nạn đáng tiếc. Phụ huynh nên cho các em đi học Anh văn, hay bổ túc kiến thức hè. Tổ chức, cho các em tập thể thao hay gia đình đi chơi vào dịp cuối tuần. Nếu các em muốn chơi internet thì phụ huynh nên quy định thời gian, thời điểm; trẻ em dưới 14 tuổi khi vào quán net thì phụ huynh nên đi theo hướng dẫn…”.
Trần Văn

Bình luận (0)