Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bão giá càn quét trước giờ điều chỉnh giá xăng

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ điều chỉnh giá xăng chiều nay (21.4) được dự báo sẽ tăng. Trong khi cơn bão giá vẫn đang càn quét trên mọi lĩnh vực khiến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Gọi xe vừa khó vừa đắt

Hai mẹ con chị Đỗ Ngọc (Q.2, TP.HCM) là khách hàng “ruột” của các hãng xe công nghệ từ mấy năm nay. Thế nhưng, hơn một tháng nay, chị Ngọc cho biết để đặt được một chiếc xe về nhà giờ tan tầm rất khó. Đáng nói, giá đã đội lên vào giờ cao điểm cao gấp đôi, từ 40.000 đồng lên 85.000 đồng cho cùng một quãng đường nhưng vẫn không có xe.

Bão giá càn quét trước giờ điều chỉnh giá xăng - ảnh 1

Giá xăng đang “ăn mòn” lợi nhuận doanh nghiệp. NGỌC DƯƠNG

“Việc đặt xe gắn máy theo app công nghệ trước đây rất dễ và nhiều, ngay cả giờ cao điểm, còn bây giờ rất khó. Cuối cùng, con của tôi gọi được taxi giá 140.000 đồng để đến trường và tất nhiên cũng trễ học. Cũng ngày đó, cuốc taxi từ nhà ra sân bay của tôi gọi xe từ 4 giờ 30 nhưng đến 5 giờ 10 mới có xe. Thời điểm đầu ngày không phải giờ cao điểm, dịch vụ xe taxi lẫn xe công nghệ vẫn rất khó để gọi”, chị Ngọc cho hay.

Gọi taxi hay xe công nghệ khó khăn là điều mà rất nhiều người dân tại TP.HCM, Hà Nội gặp phải hiện nay. Đúng vào giờ cao điểm, để đi từ văn phòng trên đường Mạc Đĩnh Chi (Q.1, TP.HCM) về nhà ở TP.Thủ Đức, chị Quốc Khánh, kế toán trưởng công ty logistics, chờ từ 17 giờ nhưng đến 18 giờ 30 mới có xe.

Trước đây dù trời mưa, giờ cao điểm, cuối tuần… chị Khánh cũng chưa bao giờ gặp cảnh khan hiếm dịch vụ xe đến vậy. Tìm hiểu mới biết thực trạng này là do nhiều tài xế lái taxi, trong bối cảnh giá xăng tăng, không được bù chi phí đã bỏ nghề đi tìm việc khác.

Giá xăng “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Ánh Dương VN (Vinasun), cho biết lượng xe của Hãng Vinasun đến nay đã chạy được 2.300 xe, trong khi trước dịch Covid-19 bùng phát, hãng này có 4.000 xe chạy. Dù vậy ông Hỷ nói rằng tình hình kinh doanh, hoạt động của tài xế taxi đã và đang “tốt hơn rất nhiều” do công ty đã kịp có chính sách hỗ trợ trực tiếp các lái xe của hãng. Cụ thể, hỗ trợ tài xế từ 1 – 3% (tùy loại xe) trên tổng doanh thu để bù vào giá xăng. “Những hãng xe có chia sẻ chi phí xăng dầu với tài xế đều nhận được doanh thu tốt. Tinh thần của lái xe tốt hơn, trước thay vì chạy doanh thu về 1,5 triệu đồng/ngày, nay lên 2 triệu đồng/ngày. Với những người chạy vượt định mức, khoảng vượt đó, chúng tôi chia cho tài xế 90%, công ty chỉ thu về 10%”, ông Tạ Long Hỷ nói nhưng cũng thừa nhận giá xăng đang “ăn mòn” vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Phải tăng tỷ lệ chiết khấu cao hơn để bù giá xăng cho tài xế khiến lợi nhuận của công ty giảm mạnh.

Theo dự báo của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá xăng dầu trong nước chiều nay (21.4) tiếp tục tăng nữa. Từ đầu năm tới nay, cơn bão giá quét khắp ngõ ngách đời sống khiến từ đĩa cơm tấm, tô bún mắm đến giá thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, cước vận tải… đều tăng mạnh. Nhưng hết cơn bão này lại tới cơn bão khác gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, sức bền, khả năng chống chọi, phục hồi sau đại dịch của doanh nghiệp. Đơn cử giá vật liệu xây dựng mới đây lại được Bộ Xây dựng dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý 2 do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga – Ukraine, khiến nguồn cung khan hiếm.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng giá nhiên liệu tăng đẩy giá cả hàng hóa tăng, còn tăng giá vật liệu xây dựng được dự báo sẽ gây tác động đến giá nhà ở, công trình xây dựng tăng cao. Giá bất động sản tại VN đang đắt đỏ, nếu tiếp đà này, thị trường bất động sản lại gặp nhiều khó khăn hơn.

Chia sẻ thực tế tại New York (Mỹ) nơi đang đặt văn phòng của tập đoàn, ông Robert Trần nói: “Mỹ và Canada đang lạm phát kinh khủng. Giá cả mọi thứ đều tăng, từ giá tiêu dùng tăng mấy chục phần trăm đến giá bất động sản. TP.New York hầu như không còn “tồn kho” bất động sản nữa, trong khi chính phủ Canada vừa có quyết định không cho người nước ngoài mua nhà trước bão giá khủng khiếp. Tại VN, bão giá có thể gây khó khăn song không đáng lo ngại, vẫn trong tầm kiểm soát nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp từ trong ngoài nước giảm đáng kể do chi phí đầu vào tăng mạnh”.

Ngày 19.4, thông tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội, các hãng taxi tại thủ đô đang đối mặt với khó khăn mới là thiếu trầm trọng lái xe. Ước tính có hơn 7.000 taxi tại Hà Nội không có lái xe, phải dừng hoạt động cả năm nay. Cụ thể, năm 2019 trên địa bàn thành phố có 15.000 taxi hoạt động; năm 2020 còn khoảng 13.000, năm 2021 khoảng 11.000 và sang quý 2/2022 còn khoảng gần 10.000 xe hoạt động, số lượng taxi giảm gần 50% so với năm 2019.

Theo Nguyên Nga/TNO

 

Bình luận (0)