Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo Giáo dục TP.HCM là cầu nối của gia đình, nhà trường và xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Là bạn đọc thường xuyên của Báo Giáo dục TP.HCM và cũng là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi thực sự hài lòng với sự đổi mới của báo trong thời gian gần đây, đặc biệt tôi rất ấn tượng với trang Tuyển sinh, Nhịp sống học đường, Gia đình và xã hội… với những nội dung thực sự hấp dẫn và bổ ích trong việc định hướng giá trị cho thế hệ trẻ. Phải nói rằng: Báo Giáo dục TP.HCM trong thời gian qua đã tiếp thu một cách tích cực những ý kiến của bạn đọc, nhất là những vấn đề về giáo dục nổi cộm, nó không chỉ là kinh nghiệm rút ra mà còn là những vấn đề có tính phê phán, cổ vũ, khích lệ trong hoạt động giáo dục. Những mảng tối, mảng sáng trong giáo dục nước nhà đã được phản ánh ở nhiều khía cạnh trong đời sống giáo dục được cập nhật và đăng tải đầy đủ. Các bài viết được thể hiện khá phong phú và đa dạng theo các chủ đề. Trong đó chuyên mục Nhịp sống học đường; Gia đình và xã hội đã huy động được nhiều ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục vì thế nội dung càng ngày càng thuyết phục độc giả hơn. Mỗi bài viết như là cầu nối giúp cho các bậc phụ huynh cũng như giáo viên có bước điều chỉnh phù hợp về phương pháp giảng dạy, về đổi mới nội dung, sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học, giáo dục trẻ. Không chỉ vậy, Báo Giáo dục TP.HCM rất thường xuyên đăng tải những cách dạy học hay theo quan điểm dạy học hiện đại của các nhà khoa học giáo dục, từ đó định hướng giúp cho giáo viên nghiên cứu và vận dụng trong quá trình dạy học ngày càng hiệu quả. Các nội dung giáo dục cũng đa dạng, sinh động ở nhiều thể loại, ở các cấp học từ mầm non đến đại học, mà tập trung là bậc phổ thông trung học. Bên cạnh đó, trang Gia đình và xã hội thực sự là cầu nối quan trọng giữa gia đình, nhà trường và học sinh. Các bài viết phản ánh những câu chuyện giáo dục gia đình sinh động, những ý kiến hay, những bài học kinh nghiệm quý giá về cách dạy trẻ phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, những chia sẻ kinh nghiệm từ chính các bậc phụ huynh, các chuyên gia tâm lý, giáo dục… Không chỉ vậy, những bài báo hướng đến các kỹ năng giáo dục trẻ là rất bổ ích, qua đó mà các bậc phụ huynh có cách ứng xử phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của các lứa tuổi, tránh được cách hành xử máy móc và việc sử dụng bạo lực với trẻ em. Đồng thời, lên án các hành động vi phạm quyền trẻ em mà dư luận xã hội thời gian qua đã lên án.

Tuy nhiên, để mỗi câu chuyện ngày càng hấp dẫn hơn, đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc cũng như mọi tầng lớp nhân dân, theo tôi từ những sự kiện, những nội dung được đăng tải trên báo chí, chúng ta không chỉ suy ngẫm mà phải cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực. Cái tốt cần phát huy, nhân rộng, cái xấu thì cần phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, loại trừ. Chúng ta không nên để những vấn đề bức xúc chỉ dừng lại ở việc hô hào, hoặc tuyên truyền, giải thích một cách chung chung. Gần đây, nhiều ý kiến phản ánh như tình trạng lạm thu năm học mới, những lời thuyết giáo dông dài trong dịp khai giảng, gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La… trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Ở nước ta, trong giáo dục trẻ, chuyện nói nhiều, nói suông trước các em học sinh, sinh viên vẫn còn là “vấn nạn” của không ít người trong ngành giáo dục. Thời gian qua, báo chí cũng phản ánh khá tích cực chuyện trẻ học chữ trước tuổi học… nhưng vẫn chứng nào tật nấy, giáo viên thì sẵn sàng giúp đỡ còn phụ huynh thì lại sợ con thua kém bạn bè… nên họ tìm bằng mọi cách để cho con em mình mới 4 đến 5 tuổi mà phải học đọc, học viết. Vì thế, mong muốn Báo Giáo dục TP.HCM thêm nhiều bài viết chất lượng hơn nữa để tuyên truyền, phổ biến đến các bậc cha mẹ, những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, tạo một sự thống nhất về quan điểm giáo dục để trẻ em Việt Nam được hưởng thụ một nền giáo dục công bằng, hiện đại và văn minh hơn.

Lê Phạm Phương Lan
(Ging viên tâm lý)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)