Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo Giáo dục TP.HCM: Nâng cao năng lực hướng nghiệp và tiếp cận CMCN 4.0 cho giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 16-12, tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chương trình tập huấn hướng nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên THPT tại TP.HCM năm 2020 với chủ đề  “Nâng cao năng lực hướng nghiệp và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã chính thức khai mạc. Ngay trong ngày khai mạc, chương trình đã trang bị kỹ năng, kiến thức hướng nghiệp cho hơn 200 cán bộ, giáo viên cốt cán đến từ các trường trung học ở 12 quận (từ Q.1 đến Q.12)


Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại lễ khai mạc


PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM chia sẻ tại lễ khai mạc

Tham dự khai mạc có ông Hồ Như Duyến – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển phía Nam, Bộ GD-ĐT; ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, TS. Bùi Hữu Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức chương trình nhận định, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, nhiều ngành nghề sẽ có nguy cơ biến mất, đồng thời sẽ tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới, tiến tới thiết lập một thị trường lao động mới mà ở đó là sự cạnh tranh của tri thức, sáng tạo, của nền giáo dục chất lượng cao. “Ngành giáo dục phải thay đổi như thế nào trong cách dạy và cách học, cụ thể là công tác hướng nghiệp cho học sinh ở trường phổ thông hiện nay. Lớp học số hoá, thiết bị không dây và đa phương tiện, kỹ thuật số ảo được phát triển mạnh, khoá học trên thiết bị di động, thiết kế trò chơi học tập là những công nghệ được hình thành trong kỷ nguyên số, làm cho giáo dục phải thay đổi và tiệm cận với xu thế phát triển của công nghệ. Giáo viên chưa tiếp cận được với các mô hình dạy học mới sẽ hạn chế kỹ năng hướng nghiệp các ngành nghề tương lai của học sinh”.


Các đại biểu và giáo viên tham gia trong chương trình

Từ thực tế đó, ông Tú cho hay, chương trình tập huấn sẽ trang bị cho các thầy cô THPT hiểu rõ hơn về cuộc CMCN 4.0 và việc nâng cao năng lực công tác hướng nghiệp, tiếp cận một cách tốt nhất với các mô hình đào tạo tiên tiến 4.0, đào tạo trực tuyến, từ xa, để vừa nâng cao năng lực chuyên môn, vừa tiếp cận với các mô hình dạy học mới, từ đó thay đổi tư tưởng của người dạy, người học về phương pháp dạy học, phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 cũng như đòi hỏi của nền giáo dục 4.0.

Là một trong những trường ĐH đi đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực CMCN 4.0, khi từ năm 2018 đến nay Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã mở ra nhiều ngành nghề mới, bao gồm: Khoa học dữ liệu trong kinh doanh, Công nghệ tài chính, Digital Marketing, Digital Account, Quản trị thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị kinh doanh số. PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM chia sẻ, trong cuộc CMCN 4.0 có nhiều quan điểm về ngành hot, nghề hot. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 thì tư duy lựa chọn ngành nghề của học sinh đã rất thay đổi. Việc lựa chọn ngành nghề đôi khi chỉ căn cứ vào 1 từ khoá hot. “Vai trò của nhà trường, giáo viên là phải hỗ trợ định hướng cho học sinh về năng lực chọn ngành, chọn trường, chọn khoa phù hợp, tối ưu hoá các ngành nghề đào tạo hiện nay của các trường ĐH. Đặc biệt là giúp học sinh tiếp cận được với các ngành liên quan đến quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn, chiết xuất hệ thống thông tin và nền tảng dữ liệu lớn”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung chỉ rõ.


TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ tại chương trình

Trong thời gian buổi sáng tập huấn, các thầy cô đã được lắng nghe những chia sẻ từ TS. Lê Thẩm Dương xoay quanh các vấn đề về phương pháp, cách thức hướng nghiệp cho học sinh gắn với ngành nghề và đòi hỏi của cuộc CMCN 4.0, từ đó trang bị những nhìn nhận cơ bản nhất về vai trò của nhà trường, giáo viên trong công tác hướng nghiệp thời 4.0.

“Trong câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh thì hệ thống giáo dục, nhà trường, thầy cô phải giúp học sinh định vị được về bản thân các em, giúp các em hiểu rằng mình là ai, mình có điểm mạnh, điểm yếu nào, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề nào. Đồng thời, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng nền tảng cần thiết phù hợp với yêu cầu của nguồn nhân lực 4.0. Khi học sinh hiểu được mình có điểm mạnh, điểm yếu nào, trang bị được các kỹ năng, kiến thức của xu thế 4.0 thì dù ngành nghề có thay đổi như thế nào các em cũng có thể thích ứng được”, TS. Dương nhấn mạnh.

Đồng hành cùng ngành GD-ĐT TP.HCM trong công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhiều năm qua Báo Giáo Dục TP.HCM đã phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM cùng nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức thành công các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh bậc THPT, hỗ trợ các trường THPT định hướng cho học sinh chọn được ngành học, bậc học, trường học phù hợp với năng lực, sở trường bản thân và nhu cầu nhân lực thị trường lao động, với hai chương trình truyền thống là Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” và Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” đã bước sang mùa thứ 13. Ở mỗi chương trình đã đến hơn 300 trường trên địa bàn tại TP.HCM và 12 tỉnh thành lân cận.

Không chỉ tiếp cận bậc THPT, đối với bậc THCS, nhiều năm qua Báo Giáo Dục TP.HCM cũng đã tổ chức Chương trình Tư vấn hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS cho các trường THCS tại TP.HCM, hỗ trợ học sinh khối 9 chọn ngã rẽ phù hợp cho bản thân.

Bên cạnh đó, trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, Báo Giáo Dục TP.HCM cũng tổ chức các chương trình tư vấn trực tuyến trên website, fanpage, hỗ trợ kịp thời cho học sinh tiếp cận kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp.


Giáo viên chăm chú tham gia trong chương trình

Với tác động của cuộc CMCN 4.0, TS. Dương cho rằng, các ngành nghề có xu hướng phát triển bao gồm các ngành liên quan đến Truyền thông- Marketing, Thương mại quốc tế, CNTT, Lập trình, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật ô tô, Du lịch nhà hàng khách sạn, Sức khoẻ, Phân tích dữ liệu, Bảo mật thông tin, Phiên dịch, Giáo dục mầm non… Các ngành nghề có khả năng mất đi như Thu ngân, Kế toán, Nhân viên giao hàng, Sửa chữa, In ấn, Xuất bản…

Trong buổi chiều, giáo viên sẽ tiếp tục lắng nghe những chia sẻ từ TS. Lê Thị Thanh Mai – Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM; ThS. Nguyễn Anh Vũ – Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Ngân hàng TP.HCM, từ đó hoàn thiện các kỹ năng hướng dẫn, tư vấn cho học sinh. Kết thúc khoá học buổi chiều, giáo viên sẽ được trao giấy chứng nhận hướng nghiệp.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)