Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo giấy đang dần bị bỏ lại phía sau

Tạp Chí Giáo Dục

Báo giấy đang dần bị bỏ lại phía sau - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Báo giấy đang dần bị bỏ lại phía sau Audio

Một ngày đầu tháng 6 – tháng có Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), tôi ghé một sạp báo ven đường Lê Văn Lương (P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM). Ở đó không chỉ bán báo mà thứ bán chủ lực là bánh mì, bánh bao, cà phê, nước mía. Hai tài xế xe công nghệ đang ngồi tám với chị bán báo: “Người trẻ bây giờ không ai đọc báo giấy đâu”, chị bán báo buồn bã: “Không chỉ người trẻ mà ngay cả người chớm già biết vọc điện thoại cũng không thèm đọc báo giấy”. Tôi chợt nhận ra, báo giấy đang dần bị bỏ lại phía sau…

1.Tôi thuộc thế hệ 7X, sinh ra sau khi đất nước đã thống nhất. Đầu những năm 80, tôi vào tiểu học. Không biết ở những nơi khác như thế nào, chứ trường tôi học có báo cho học sinh đọc. Mỗi buổi học, cô giáo đều dành 15 phút để đọc báo. Theo đó, cô gọi một bạn lên đọc báo cho cả lớp nghe. Nói chung là học sinh nào cũng được cô gọi lên đọc. Hồi đó chúng tôi đọc Báo Nhi đồng.

15 phút đầu giờ đọc báo vừa là để cô giáo ổn định trật tự lớp, vừa giúp chúng tôi học tốt môn tập đọc, môn tập làm văn. Và không chỉ có vậy, trong báo có rất nhiều mẩu chuyện về người tốt, việc tốt giúp chúng tôi học tốt hơn môn đạo đức…

Khi tôi lên cấp 2, bố tôi đã đặt Báo Thiếu niên tiền phong cho các con đọc. Nhà tôi cũng không phải dư dả gì, bố mẹ đều là công chức Nhà nước, lương cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học nhưng hàng tháng bố tôi vẫn trích một số tiền để đặt báo cho các con. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại cằn nhằn: “Báo chí có ăn được đâu. Thay vì mua báo thì để tiền đó mua cá thịt cho con cái ăn…”; lúc đó bố tôi nói: “Báo chí không ăn được nhưng tốt hơn cá thịt”.

Những tờ báo bố đem về đều được chị em tôi đọc không sót một chữ. Đọc được những mẩu chuyện hay, việc làm tốt trong báo thì kể cho bố mẹ nghe vào mỗi buổi cơm chiều.

Khi vào cấp 3, tôi và các bạn nữ trong lớp đọc Báo Hoa học trò, Áo trắng, Mực tím. Vì không có nhiều tiền để mua tất cả các số báo, đầu báo nên chúng tôi chia nhau mua. Người mua số này, người khác lại mua số tiếp theo… Sau đó thì chuyền tay nhau đọc. Nhờ đọc Báo Hoa học trò, Áo trắng, Mực tím mà những học trò quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn từ nhà tới trường như chúng tôi đã biết được trên đất nước Việt Nam có các trường như THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội), THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)… Chúng tôi cũng biết có rất nhiều học sinh tuy nhà nghèo nhưng vẫn học giỏi; thậm chí có những bạn dù bị khuyết tật vẫn thi đậu 2-3 trường đại học uy tín.

Khi vào đại học, tôi đọc Báo Sinh viên. Tôi thường tiết kiệm tiền sinh hoạt phí hàng tháng gia đình gửi để mua báo nên đọc kỹ lắm, không bỏ sót tin bài nào. Đọc xong thì cất báo lên giá sách chứ không bao giờ vứt bỏ…

Khi ra trường và đi làm, tôi đọc báo do cơ quan đặt. Hầu như ngày nào tôi cũng “nhét” vài bài báo vào đầu…

2.Cuối năm 2001, tôi Nam tiến và chính thức bước chân vào nghề báo. Những năm đầu của thế kỷ XXI, báo giấy đang ở đỉnh cao. Có những tờ báo ngày, mỗi số in 5-6 trăm ngàn tờ vẫn bán hết. Thời điểm đó, khá nhiều tòa soạn đã cho ra đời các ấn phẩm phụ. Nhiều tòa soạn từ chỗ chỉ ra báo cách ngày đã chuyển thành báo thường kỳ, nhiều tờ là báo tuần thì chuyển thành báo cách ngày…

Riêng tại TP.HCM, mới 3-4 giờ sáng, trước cổng các tòa soạn đã đông kín đầu mối đến nhận báo. Khi trời còn tờ mờ sáng là báo đã được “đội quân” bán báo dạo giao khắp đường lớn, ngõ nhỏ. Khoảng 7-8 giờ sáng bước chân vào bất kỳ quán cà phê nào mọi người cũng bắt gặp hình ảnh người dân (trẻ có, trung niên có, người già có, nam có, nữ có) đang dán mắt vào tờ báo. Không chỉ quán cà phê mà ngay cả trong chợ, hình ảnh các bà, các chị vừa bán hàng vừa đọc báo cũng không phải xa lạ gì. Rồi cả các chú xe ôm, trong lúc chờ khách ở vỉa hè, công viên cũng dán mắt vào tờ báo…

Báo mua lúc sáng đọc còn chưa hết chữ thì 12 giờ trưa đã có báo mới – cung cấp nhanh thông tin diễn ra trong buổi sáng của ngày.

Ngày ấy không chỉ người làm báo sống tốt mà những người bán báo cũng sống khỏe. Báo giấy đã giúp không biết bao nhiêu người có việc làm. Nhiều người phụ nữ ở các tỉnh nghèo vào TP.HCM đã kiếm đủ tiền gửi về quê nuôi các con ăn học chỉ nhờ… bán báo dạo. Nghề bán báo cũng được nhiều gia đình truyền từ đời cha sang đời con, nhất là những người chuyên lấy báo sỉ để vừa bán lẻ, vừa bỏ mối cho người bán lẻ. Không ít người trong số họ ăn nên làm ra, mua đất, cất nhà ngay tại TP…

Ngày ấy, bất kỳ con đường nào – dù lớn hay nhỏ, đường có tên hay không tên, đường ở nội thành hay ngoại thành – mọi người đều có thể nhìn thấy 3-4 sạp báo trên vỉa hè.

Với khoảng 10 triệu dân đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp nên TP.HCM là thiên đường của báo chí. Đủ các loại báo ra đời đáp ứng nhu cầu thông tin, sở thích của người đọc. Bởi vậy dù là ấn phẩm chính hay ấn phẩm phụ, dù là báo hay tạp chí, dù cơ quan chủ quản “to” hay “nhỏ” thì báo ra bao nhiêu vẫn bán hết bấy nhiêu.

Mỗi năm khi vào mùa tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, các báo đua nhau ra phụ trương giải đề thi kèm với báo để bán cho sĩ tử, phụ huynh. Nhờ đó mà quảng cáo, phát hành đều tăng vọt; lợi nhuận của những ngày diễn ra các kỳ thi của nhiều tòa soạn tăng theo cấp số nhân…

3.Vào những năm 2015-2016, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nổ ra thì cũng là lúc báo giấy bước vào thời kỳ suy yếu. Nhiều tòa soạn, sáng phát báo đi, chiều lại thu báo về. Ở ngoài đường, báo treo kín sạp nhưng người mua thì cứ thưa dần. Không ít tờ báo từ chỗ in 5-6 trăm ngàn tờ/số thì phải giảm xuống còn 2-3 trăm ngàn tờ, rồi 1 trăm ngàn tờ, thậm chí là vài chục ngàn tờ/số. Những tờ báo lớn, có uy tín, có thương hiệu với một lượng bạn đọc khổng lồ còn thê thảm như vậy thì những tờ báo nhỏ, báo chuyên ngành èo uột tới cỡ nào. Nói ra có lẽ không ai tin nhưng thực tế có những tờ báo ngành mỗi số chỉ in 2-3 ngàn tờ vừa bán vừa biếu cũng không hết. Ấn phẩm phụ của các báo dần biến mất, nhiều tờ tạp chí từ chỗ mỗi tuần 1 số thì nâng lên 2 tuần/số, rồi 1 tháng/số…

Không phải nội dung báo giấy dở, cũng không phải người dân không cần thông tin mà bởi với cuộc cách mạng 4.0 thì chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đã có đủ thông tin nên mọi người làm ngơ báo giấy. Và theo quy luật tự nhiên, cầu không còn thì cung phải ngưng, một ngày không xa báo giấy sẽ chỉ còn là ký ức của người làm báo và bán báo…

Kim Anh

Bình luận (0)