Cơ sở vật chất thiếu thốn, trường học phải đi thuê, è cổ trả hàng loạt các khoản phí – đó là thực tế mà rất nhiều sinh viên, học viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp đang phải đối diện.
Muôn chuyện học nhờ, ở đậu
Mỗi năm, trước kì thi Đại học, Cao đẳng, Trung cấp rất nhiều trường được thông qua quyết định tăng tỉ lệ tuyển sinh. Cùng với đó là hàng loạt các ngành học, hệ học được mở ra. Đây là một xu hướng tích cực, tạo cơ hội cho nhiều người được học tập. Nhưng cùng với đó là việc cơ sở vật chất chưa theo kịp nhu cầu của người học.
Rất nhiều các trường như trường ĐH Công nghiệp HN, ĐH Kinh tế Quốc dân HN… và hàng loạt các trường dạy nghề thiếu phòng học trầm trọng. Từ năm học 2008 – 2009 trường ĐH Kinh tế Quốc dân HN mở thêm hệ ngoài ngân sách. Quyết định này đã giúp nhiều sinh viên có cơ hội học trường ĐH yêu thích. Nhưng do cơ sở vật chất hạn chế nên trường đã phải đầu tư một khoản tiền rất lớn thuê phòng học và kí túc cho sinh viên tại trường Cao đẳng nghề – dịch vụ hàng không (Bạch Sam, Mỹ Hào, Hưng Yên).
Hương Giang – một sinh viên thuộc ngành Quản trị kinh doanh tâm sự: “Trường chính ở xa rất bất tiện, các thầy cô phải đi dạy bằng ô tô của nhà trường. Chính vì vậy bọn tớ được sắp xếp nghỉ thứ 4 trong khi lại học thứ 7. Nhiều bạn muốn về nhà cũng khó”…
T.H lại có nỗi khổ riêng: “Ở khu nhà tớ mọi người quan niệm rất buồn cười. Chỉ cần không học Đại học ở thủ đô mọi người đã đánh giá thấp rồi”.
Với Thùy Dương – học viên ngành kế toán (Trung cấp X) năm thứ nhất bạn được học gần nhà. Nhưng đến năm thứ hai trường thiếu chỗ nên phải đi thuê địa điểm ở phố Đặng Văn Ngữ.Vì thế một năm trở lại đây Dương tốn thêm một khoản phí xăng xe. Thêm nữa khu học này điện, nước rất kém, không đủ tiêu chuẩn để học tập.
Nguyễn Giang (ngành kế toán – hệ trung cấp ĐH Công nghiệp HN) đang học tại trung tâm dạy nghề Mỹ Đình thì than thở: “Học những môn chính thì mình học ở Mỹ Đình. Trường thì bé, có tận ba trường thuê địa điểm tại đây là: ĐHQG HN, ĐH Công nghiệp HN và ĐH Kinh tế Quốc dân HN vì thế cũng khó có không gian riêng cho sinh viên từng trường được học các môn thực hành thường xuyên. Đã thế riêng môn thể dục mình lại phải học trong khu B – Hoài Đức, HN2 rất vất vả cho việc đi lại”…
Cố nhịn cho đến lúc…về nhà
Rất nhiều cơ sở các trường đi thuê chất lượng phòng học không đảm bảo. Sinh viên nhiều khi phải học trong tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Ví như trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật tổng hợp, vì thuê địa điểm sát cạnh Viện Nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy Nông nghiệp nên học sinh thường xuyên đinh tai, nhức óc với tiếng động cơ, máy nổ.
Nan giải hơn là chuyện khu WC của các cơ sở này. Một số trường từ WC không xuất hiện trong “bộ nhớ”. Còn lại hầu hết là các khu nhà vệ sinh rất kém: cực bẩn và thiếu thiện cảm. Vì thế chuyện nhiều học sinh cố “nhịn” chứ nhất định không sử dụng WC là thực tế “bình thường như cân đường hộp sữa”.
Vấn đề này khó giải quyết được trong một sớm một chiều vì đây là các cơ sở đi thuê. Thay đổi, sửa chữa bất cứ hệ thống phòng học, trang thiết bị nào là quyền quyết định của các cơ quan quản lý chứ không phải ban giám hiệu các trường. Cùng với đó là sức ép phải có một nguồn kinh phí lớn đầu tư. Vì vậy ước mơ về một ngôi trường riêng, điều kiện học tập tốt dường như vẫn là thì tương lai đối với sinh viên, học sinh, học viên các trường đi thuê.
Mơ một ngày “đoàn tụ”
Với những học sinh, sinh viên có khu trường “mẹ” như ĐH Công nghiệp HN, ĐH Kinh tế Quốc dân HN…thì giấc mơ một ngày được học tại các trường này có lẽ chưa bao giờ tắt. Vinh (ĐH Quốc gia HN) say sưa kể về lý do thi vào trường: “Ngày bé, những lần theo mẹ lên thăm chị ở kí túc xá trường ĐH Quốc gia mình đã mê mẩn ngôi trường này rồi. Đó là một trong những lý do để mình nộp đơn vào trường. Vì thế nên khi biết ngành học của mình phải đi học nhờ ở cơ sở khác mình đã rất buồn”.
Hay như Hương Giang (ĐH Kinh tế Quốc dân HN): “Theo phân phối chương trình hệ ngoài ngân sách chúng tớ sẽ học năm thứ nhất ở Hưng Yên. Còn từ năm hai trở đi chúng tớ lại về học tại cơ sở Hà Nội. Trên thực tế sang đầu kì 2 năm thứ nhất chúng tớ sẽ chuyển về Hà Nội học do kinh phí thuê trường vượt quá khả năng chi trả của nhà trường. Không ít bạn đang chờ một ngày được “đoàn tụ” với bạn bè ở Hà Nội, đặc biệt là những bạn nhà ở thủ đô”…
Cơ hội “đoàn tụ” của sinh viên các trường này hoàn toàn có căn cứ khi các dự án xây dựng được tiến hành. Còn các trường thuê hoàn toàn cơ sở chính, đến bao giờ khát khao có không gian riêng của học sinh, sinh viên mới thành hiện thực?
Theo MTO
Bình luận (0)