SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực tập tại BV Nhi đồng I |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần IX đã đưa ra 6 chương trình đột phá, trong đó có Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NNL). Xung quanh vấn đề này, cuối tuần qua, Ban Văn hóa xã hội – HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch về công tác đào tạo NNL y tế nhằm đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn TP có 112 bệnh viện (BV) với 31.454 giường bệnh. Trong đó có 13 BV do TW quản lý, 33 BV ngoài công lập, còn lại là do TP và quận, huyện quản lý. Tổng số bác sĩ (BS) là 10.077 người, đạt tỷ lệ 13 BS/1 vạn dân, trong khi chỉ tiêu UBND TP đề ra là 15 BS/1 vạn dân vào năm 2015; dược sĩ (DS): 1.182 người, đạt tỷ lệ 1,56 DS/1 vạn dân, yêu cầu đến năm 2015 là 2 DS/1 vạn dân. Ngoài ra, yêu cầu của TP đối với ngành y tế là đến năm 2015, tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ sau đại học đạt 70% tại các BV đa khoa, chuyên khoa (CK) hạng I và 50% tại các BV đa khoa, chuyên khoa hạng II; 100% trạm y tế xã, phường phải có ít nhất một BS.
“Dân số TP đến năm 2015, ước tính đạt 8.313.000 người. Theo mục tiêu đã nêu thì ngành y tế cần 12.469 BS, 1.663 DS, 279 tiến sĩ (TS), 1.296 thạc sĩ (ThS), CKI: 3.934 BS.CKII: 691 BS. So với số cán bộ hiện có, từ nay đến 2015, nhu cầu đào tạo của ngành là 150 TS, 450 ThS, 1.500 BS.CKI, 200 BS.CKII, 2.392 BS và 481 DS”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.
“Là cơ sở đào tạo NNL y tế chủ yếu cho TP, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với Sở Y tế phấn đấu đến năm 2015 thực hiện đạt các chỉ tiêu mà UBND TP đề ra. Cụ thể, chỉ tiêu đào tạo BS đa khoa từ 620 (năm 2012), tăng lên 800 (năm 2013), và từ năm 2014 trở đi sẽ là 1.000. Đối với DS, hiện đang xin mở mã ngành, nếu được năm 2013 sẽ tuyển sinh với chỉ tiêu 50 sinh viên (SV)/năm. Đối với nhu cầu đào tạo sau đại học, nhà trường bắt đầu thực hiện từ năm 2009. Tổng quy mô đào tạo tăng từ 702 (năm 2012) đến 1.360 (năm 2015)…”, ông Nguyễn Thế Dũng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết.
Và như khẳng định của lãnh đạo Sở Y tế và Ban giám hiệu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì chắc chắn đến năm 2015, TP.HCM sẽ có 15 BS và 2 DS/1 vạn dân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, nhiều đại biểu trong đoàn giám sát lại tỏ ra lo ngại. Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết – Phó giám đốc BV Từ Dũ tâm tư: “Chỉ tiêu 15 BS/1 vạn dân là khó khả thi. Vì SV y ra trường chưa chắc đã vào BV làm BS mà đi làm trình dược viên. Bên cạnh đó, hàng năm còn có một lượng không ít BS nghỉ hưu…”.
Giải tỏa những lo lắng của các đại biểu, ông Bỉnh (Sở Y tế) khẳng định: “Hiện trên địa bàn TP có 13 BV thuộc TW, các BV này có 3.600 BS. Không bị bó buộc về hộ khẩu như các BV của TP nên trung bình mỗi năm các BV thuộc TW tiếp nhận khoảng 300 BS từ các tỉnh, thành khác về. Theo đó, từ năm 2012 đến năm 2015, các BV này sẽ có thêm 1.200 BS. Thêm vào đó là hàng trăm SV ra trường của 2 trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược TP.HCM. Với quy mô đào tạo tăng lên 1.000 SV/năm của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì đến năm 2020, TP.HCM sẽ không phải nhận BS không có hộ khẩu TP nữa…”.
Song, “Để đạt được mục tiêu này, Sở Y tế đề xuất tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, trang thiết bị dạy học cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch…”, ông Bỉnh nhấn mạnh.
Hiện nay, theo quy định của Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT thì diện tích của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn thiếu rất nhiều. Với tổng diện tích đất gần 2,1ha, trong đó diện tích xây dựng là 6.560m2 thì tỷ lệ m2 đất/SV chỉ đạt trên 30% so với quy định.
“Nhà trường đã sử dụng triệt để các labo thí nghiệm, phải cơi nới rộng ra. Trước đây, 1 labo chỉ có 30 SV, nay phải tăng lên 80 SV, phải thực tập cả thứ bảy và chủ nhật. Khi chỉ tiêu tăng lên 1.000 SV/năm thì trung bình mỗi labo phải tăng lên 120 SV/lần, ngày 3 lần thì mới đủ. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của UBND TP trong việc phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đặc biệt là phát triển cơ sở vật chất – trang thiết bị phục vụ giảng dạy”, ông Dũng – Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nêu ý kiến.
Ghi nhận những ý kiến của Sở Y tế, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thay mặt Đoàn giám sát, ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM khẳng định: Đào tạo NNL y tế là góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. TP sẽ nhanh chóng đền bù giải tỏa để nhà trường có quỹ đất 13ha ở huyện Bình Chánh giúp trường đạt chuẩn một trường ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)