Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bao giờ giảm giá xăng dầu?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều thừa nhận là đã có lãi nhưng chưa chịu giảm giá.
Hơn tuần qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm. Giá dầu thô thế giới đầu tháng 7 khoảng 76 USD/thùng, nay còn 71,9 USD/thùng; xăng A92 từ 80,6 USD/thùng, giảm còn 77,2 USD/thùng. Nhiều người tiêu dùng hy vọng các doanh nghiệp (DN) xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh giảm giá bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.


Người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi do giá xăng dầu thế giới giảm. Ảnh: HỒNG THÚY
Lãi chỉ đủ bù lỗ!?
Các DN kinh doanh xăng dầu lớn trong nước đều thừa nhận là họ đang kinh doanh có lãi. Thế nhưng khi đặt vấn đề bao giờ sẽ giảm giá xăng dầu thì hầu hết DN cho rằng mức giảm của giá thế giới chưa tác động nhiều đến giá bán trong nước. Do đó khả năng giảm giá xăng dầu trong nước là chưa thể thực hiện được ngay mà phải chờ thêm một thời gian và cũng phải chờ xem động thái từ Bộ Tài chính có tính đến chuyện tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hay không.
Lãnh đạo một DN kinh doanh xăng dầu cho rằng đúng là giá xăng dầu thế giới có giảm nhưng không nhiều. Nếu tính bình quân 30 ngày thì giá xăng A92 vẫn còn ở ngưỡng khá cao, đến 82 USD/thùng nên chưa có tác động gì đến giá bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận là hiện nay các DN kinh doanh xăng dầu đang có lãi khoảng 500 đồng/lít. Còn bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Petro, than: Tháng 4 và tháng 5, DN kinh doanh xăng dầu bị lỗ, chỉ những lô hàng nhập về thời gian gần đây nhờ giá giảm nên có lãi chút ít vì vậy DN cũng chưa thể tính đến chuyện giảm giá.
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết việc giảm giá hay không chưa thể nói ngay được vì còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố như tỉ giá đang biến động, sắp tới có khả năng Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu tăng lên…
Bộ Tài chính: Phải chờ thêm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết: “Giá dầu thô thế giới và giá xăng thành phẩm tại Singapore đã giảm liên tục khoảng hơn một tuần nay. Nhưng theo quy định tại Nghị định 84/2009, căn cứ để tính giá cơ sở là giá xăng dầu nhập khẩu bình quân trong 30 ngày dự trữ lưu thông. Theo ông Thỏa, giá xăng cơ sở tại thời điểm này chưa tính lãi là xấp xỉ với giá bán lẻ hiện đang áp dụng. Do đó, ở thời điểm này chưa có điều kiện giảm giá bán lẻ. Các DN cũng chưa đề xuất giảm giá bán.
“Tôi khẳng định là giá xăng dầu được liên bộ Tài chính – Công Thương giám sát chặt chẽ hằng ngày. Đợt giảm giá gần đây nhất, sở dĩ các DN có chậm đưa phương án giảm giá, buộc cơ quan Nhà nước phải yêu cầu thực hiện vì diễn biến thị trường trong nước khi đó có những biến động. Trong suốt tháng 3 và 4-2010, Nhà nước yêu cầu các DN dãn các đợt tăng giá và sau đó là không tăng giá bán lẻ đến hết tháng 6 trong khi giá thế giới tăng cao. Tất nhiên, Nhà nước cho phép sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp. Khi giá thế giới xuống, DN chưa giảm giá ngay vì có ý tính bù vào phần tăng giá của tháng 3 và tháng 4. Liên bộ thấy đủ điều kiện nên giảm sử dụng quỹ bình ổn và yêu cầu DN giảm giá”- ông Thỏa cho biết.
Được biết, trong tuần tới nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, Bộ Tài chính sẽ bảo đảm hài hòa 3 lợi ích nhưng tinh thần là vẫn ưu tiên quyền lợi người tiêu dùng. Biện pháp điều hành giá vẫn kiên quyết thực hiện theo Nghị định 84/2009 và linh hoạt theo từng thời điểm biến động chứ không phải biện pháp cứng.
Nên giảm giá ngay
Theo tính toán của các DN kinh doanh xăng dầu với giá xăng A92 hiện nay là 77,25 USD/thùng thì hàng nhập về đến cảng sẽ có mức giá 9.500 đồng/lít. Nếu cộng thêm thuế nhập khẩu 17% (1.500 đồng/lít), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (1.100 đồng/lít), quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, thuế GTGT 10% (1.400 đồng/lít) và chi phí thù lao DN, thù lao đại lý là 900 đồng/lít thì tổng cộng giá xăng A92 là 15.700 đồng, so với giá bán lẻ hiện nay là 15.990 đồng/lít, DN lãi gần 300 đồng/lít. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn thì cách tính của các DN như trên là chưa thuyết phục vì DN tính tỉ giá USD theo giá chợ đen, trong khi những DN nhập khẩu xăng dầu được Nhà nước ưu tiên mua USD với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Ngoài ra, cách tính chi phí thù lao của DN quá cao. Nếu tính đúng, tính đủ thì DN kinh doanh xăng dầu đang lãi 700 – 800 đồng/lít.
Theo TS Đinh Sơn Hùng, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, giá xăng dầu tác động mạnh đến đầu vào của tất cả các loại hàng hóa. Chỉ cần điều chỉnh tăng giảm một chút cũng tác động ngay đến giá cả nhiều mặt hàng. Hiện tại, các DN chưa lãi nhiều nhưng cũng đã có “của ăn của để” thì nên giảm giá xăng dầu để cùng Nhà nước kiềm chế lạm phát.
N. Hải

Nguyễn Hải – Tô Hà / NLĐ


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)