Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bao giờ hết “3 chung”?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hai đợt thi ĐH với số thí sinh dự thi đợt 1 là 653.532, đợt 2 là 785.338 đã kết thúc êm thấm trong sự thở phào nhẹ nhõm của thí sinh, phụ huynh và cả các trường ĐH.
Thế nhưng, nếu chịu khó để nhìn lại sẽ thấy để có một kỳ thi như thế không chỉ mình thí sinh lo lắng, phụ huynh vất vả mà toàn bộ guồng máy của các trường ĐH cũng phải vận hành hết công suất.
Ông Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, than thở từ tháng 2, trường đã phải huy động toàn bộ lực lượng để “đua” theo kỳ thi “3 chung”. Không chỉ mất công sức mà nhà trường còn phải bù lỗ trên 160 triệu đồng cho các khâu in đề, thuê địa điểm, thuê giám thị, công an, nhân viên y tế, giảng viên chấm thi…
Hàng loạt trường khác cũng đều phải gồng mình bù lỗ: Đơn cử như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: 400 triệu đồng, Trường ĐH Văn hóa TPHCM: 200 triệu đồng, Trường ĐH Hoa Sen: 150 triệu đồng, Trường ĐH Lạc Hồng: 150 triệu đồng…
Sau kỳ thi, ông Nguyễn Thanh Tùng, phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM, nói: “Lỗ thì năm nào cũng lỗ nhưng các trường coi đó là việc gánh vác một phần trách nhiệm chung của xã hội. Áp lực và mệt mỏi nhất chính là thí sinh và phụ huynh”.
Ông Tùng phân tích: Thi “3 chung” thí sinh phải tập trung ở một điểm thi rất khổ cho việc đi lại, sinh hoạt, đặc biệt là thí sinh ở thôn quê lên TP.  
Ông Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng để đến với kỳ thi, mỗi thí sinh phải cộng thêm ít nhất là một người nhà. Nhiều gia đình phải bỏ việc đưa con em đi thi, ùn ùn kéo đến các TP. Gia đình khốn khổ đã đành mà xã hội cũng phải chịu bao nhiêu là hệ lụy.
“Tôi còn biết nhiều phụ huynh phải vay tiền để lo cho con em đi thi. Có người chỉ cầm được vài trăm ngàn đồng vất vả đến các TP thì làm sao tìm nổi chỗ trọ, rất tội nghiệp. Cả xã hội tốn nhiều công sức, tiền của và kỳ thi trở thành một gánh nặng quá lớn”- ông Dũng nói.
Tổ chức xong kỳ thi chưa phải là hết lo. Các trường lại bắt tay vào việc chấm thi, sử dụng kết quả chung, rồi xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3…
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng không nhất thiết cứ phải “3 chung” mà đã đến lúc cần phải có giải pháp tuyển sinh phù hợp hơn, làm sao để thí sinh không bị tâm lý kỳ thi quá tải, quá căng thẳng đến mức hoang mang, lo lắng.
Việc tuyển sinh nên hướng tới thí sinh, tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ nên coi việc tuyển sinh là công tác chuyên môn của các trường, để trường tự tuyển sinh vào những thời điểm thích hợp với mục tiêu chọn đúng thí sinh có nguyện vọng vào trường. Bộ chỉ nên giữ vai trò định hướng.
Nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng nếu giao quyền tuyển sinh cho các trường sẽ không tránh khỏi tiêu cực. Ví dụ như kỳ thi tuyển sinh cao học, mỗi trường tự tuyển sinh một kiểu đã kéo theo những điều trái khoáy.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cần phải củng cố niềm tin giữa thí sinh và nhà trường, giữa trường với trường, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp… Khi đã tin nhau thì chắc chắn chúng ta không phải chứng kiến một kỳ thi quá phức tạp, tốn kém như hiện nay.
Gia Thùy / NLĐ 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)