Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bao giờ hết cảnh phòng mượn, lớp tạm?

Tạp Chí Giáo Dục

Giữa mùa đông giá rét cắt thịt, cô trò điểm lẻ mẫu giáo thôn Cu Pua vẫn ngồi học trên nền xi măng trống trơn
Đối với huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, đến nay tình trạng thiếu trường lớp, trang thiết bị dạy học vẫn là một bài toán nan giải cho ngành giáo dục.
Giải pháp phòng mượn, lớp tạm giải quyết kịp thời cho trẻ tới trường, nhưng để giải được bài toán này thì câu trả lời vẫn còn chờ… kinh phí, trong khi mỗi ngày, con em đồng bào đến trường co ro trong giá rét, đối mặt với đủ thứ thiếu thốn!
Điểm lẻ: Thiếu đủ thứ
Điểm lẻ lớp mẫu giáo thôn Cu Pua (xã Đakrông) những ngày giữa mùa đông chỉ lẻ tẻ dăm bảy đứa học trò theo học. Căn phòng tạm bằng gỗ, sàn xi măng dường như không đủ ấm cho các cháu mong manh trong chiếc áo mỏng. Cô Hồ Thị Tâm cho biết, thường thì lớp có gần 20 em. Về mùa đông phần vì lạnh, phần khác vì các cháu ở bên kia dòng Đakrông, không có cầu, muốn qua sông chỉ có mỗi con thuyền độc mộc, mùa này nước lớn nên phụ huynh không thể đưa con em đến trường học. Học sinh vắng là chuyện thường tình ở miền núi này về mùa mưa. Cũng như hàng chục điểm trường lẻ khác trên địa bàn huyện, điểm lẻ thôn Cu Pua là một căn phòng nhỏ tầm 20m2, được làm bằng gỗ ván ghép lại và nền láng xi măng lạnh buốt. Trường cũng có chiếu nhưng chủ yếu để dành cho giấc ngủ trưa của các cháu. Trang thiết bị dạy học sơ sài vài ba thứ đồ chơi thủ công đơn sơ do các cô giáo tự làm. Chậu cây trang trí màu xanh cho lớp học là những vỏ hộp lon sữa, can nhựa đựng dầu ăn dùng trồng những thứ cây nhỏ các cô kiếm được. Nước dùng sinh hoạt hàng ngày được các cô tự đi chở về đựng trong các xô nhựa. Không có nhà vệ sinh. Nếu học trò có nhu cầu đều phải đi ra… bãi đất trống một bên hông lớp học. Có một đặc điểm là do địa hình phức tạp, nên phần lớn các xã ở huyện miền núi này đều có rất nhiều điểm trường lẻ. Đơn cử như xã Đakrông có đến 6 điểm trường lẻ. Vì thế, tình trạng lớp học tạm bợ, thiếu đủ thứ vẫn cứ tồn tại khó khắc phục. Theo ông Phạm Quang Vũ, cán bộ Phòng GD-ĐT huyện, chi phí cho mỗi lớp học tạm khoảng 20 triệu đồng. Dù đã nỗ lực xóa lớp tạm bằng tranh tre nứa lá nhưng với lớp dựng bằng gỗ như thế này, cơ sở vật chất vẫn còn rất thiếu thốn, khó khăn.
Phòng học thiếu, nhà công vụ cũng không

Cây xanh cho lớp học ở điểm lẻ mẫu giáo Cu Pua chỉ vài cây nhỏ trồng trong vỏ hộp lon sữa
Không riêng các trường mầm non, nhiều nơi vẫn còn các lớp học tạm của cấp TH, THCS. Vốn đã chịu nhiều thiệt thòi do ở vùng sâu, vùng xa, học sinh ở điểm lẻ này càng thiệt thòi hơn khi thời khóa biểu hầu hết chỉ ưu tiên cho những môn học chính, và tiết học mỗi ngày cứ dồn vào một môn tạo nên cảm giác mệt mỏi. Dẫn chúng tôi đến điểm trường lẻ THCS ở thôn Ta Liêng, xã Đakrông, ông Vũ cho biết, do địa hình phức tạp, đường sá xa xôi nên trường linh động mượn Nhà Văn hóa thôn cho các em học, tránh tình trạng trường quá xa, các em vì điều kiện kinh tế khó khăn mà bỏ học giữa chừng. Điểm này có 4 lớp học, từ lớp 6 đến lớp 9. Bốn lớp này chia nhau ra từng buổi trong tuần để học. Nhà Văn hóa mượn tạm cũng không khá hơn so với các điểm trường mầm non dựng tạm. Cửa nẻo hư hỏng nặng, mưa tạt vào làm nước đọng ứ đầy nền nhà. Học sinh ngồi học trên nước, gió mưa thi nhau tạt vào lạnh cóng. “Từ điểm này ra trường chính khoảng hơn 7 cây số, việc mượn điểm lẻ dạy học được coi là phương pháp tối ưu duy trì sĩ số học sinh đến trường. Tất cả 4 lớp ở đây có khoảng gần 100 em. Vì không có nhà công vụ nên hàng tuần giáo viên phụ trách bộ môn phải đi về giữa điểm lẻ và trường chính để dạy cho các em ít nhất 3 lần”, thầy Trần Thiên Tín, giáo viên dạy môn sinh học đang đứng lớp tại điểm lẻ cho biết.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Đakrông, năm học 2012-2013, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã đầu tư 28 phòng học. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 43 phòng học tạm bợ làm bằng ván hoặc là địa điểm mượn nhà văn hóa cộng đồng… Không chỉ thiếu trường lớp mà rất nhiều nơi còn thiếu cả trang thiết bị dạy học. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện mới chỉ có 4 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (25%). Riêng bậc mầm non, còn thiếu 22 phòng học đảm bảo đủ số lượng để thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Một điểm khác dễ nhận thấy khi đi thực tế ở các trường học huyện này là thiếu nước sạch và không có nhà vệ sinh.
Thiếu trường lớp, thiếu luôn cả nhà công vụ cho giáo viên là thực trạng ngành giáo dục huyện này đang phải đối mặt. Bài toán kinh phí vẫn luôn là vấn đề nan giải nhất đối với một huyện nghèo. Theo thống kê, hiện toàn huyện thiếu khoảng 52 nhà công vụ với khoảng 140 phòng ở cho giáo viên…
Chiều, sương giăng phủ khắp các bản làng, trong căn nhà tạm của lớp mẫu giáo thôn Cu Pua, tiếng cô giáo và con trẻ vẫn đều đều vang lên cùng nhịp vỗ tay xua tan cái lạnh mùa đông khắc nghiệt của núi rừng. Năm học 2012-2013, ngành giáo dục huyện này đã có 13/14 xã hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, trừ xã Pa Nang còn thiếu cơ sở vật chất nên chưa thể phổ cập. Và theo mục tiêu đề ra, năm 2014 toàn huyện sẽ phổ cập mầm non 5 tuổi ở 100% trường học trên địa bàn. Tuy nhiên con số phổ cập đáng mừng này vẫn còn nhiều băn khoăn về sự thiếu bền vững của nó. Đó là chưa kể một khi ưu tiên nguồn lực đầu tư cho trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập gây ra bất cập cho cả bậc học mầm non, các cháu mẫu giáo 3, 4 tuổi và nhà trẻ sẽ thiếu phòng học, thiếu thiết bị, đồ chơi, ảnh hưởng tới việc huy động trẻ đến trường…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Đakrông, hiện toàn huyện có 41 trường với tổng số 165 phòng học kiên cố, 248 phòng học cấp 4 và 43 phòng học tạm, mượn các nhà văn hóa cộng đồng thôn, bản.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)