Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bao giờ lương nhà giáo đủ sống?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dẫu biết rằng thu nhập còm cõi và đời sống khó khăn nghèo khổ của giáo viên là câu chuyện dài muôn thuở không có hồi kết nhưng trước thực trạng giáo viên năm nào cũng thiếu mà ngày lại càng có nhiều đồng nghiệp giã từ bục giảng trong ngậm ngùi cay đắng bởi không đủ sống khiến tôi day dứt khôn nguôi! Tổng cục Thống kê cho biết lương bình quân của giáo viên khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Thử hỏi, trong thời buổi khó khăn này, lương chưa đầy 1,5 triệu đồng mỗi tháng thì làm sao sống được, trong khi bao nhiêu khoản chi tiêu trong 30 ngày ấy? Còn theo Công đoàn Giáo dục Việt Nam thì giáo dục là một trong 9 ngành có mức thu nhập bình quân thấp hơn mức bình quân chung.
Không những thế, mức tăng tiền lương từ lương cũ sang lương mới của nhà giáo so với các ngạch viên chức cùng loại cũng thuộc diện thấp nhất. Đó là chưa kể các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với giáo viên luôn luôn chậm trễ. Phụ cấp, trợ cấp, khen thưởng… đều rất chậm. Câu chuyện 1.300 thầy cô giáo ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắc Lắc) bị “treo” lương mấy tháng liền là một minh chứng cho thấy sự quan tâm đối với đời sống những người làm việc ở cái nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý” xem ra còn nhiều chuyện đáng bàn! Đó là chưa kể bao nhiêu áp lực trong chuyên môn, chủ nhiệm, trong công tác, trong chỉ tiêu thi đua,… khiến đội ngũ thầy cô giáo đuối sức, mệt mỏi, thậm chí không ít bị stress. Do vậy mà chuyện đông đảo thầy cô giáo bỏ nghề ngày một trầm trọng hơn.
Không cần nhắc lại, dù trong hay ngoài ngành giáo dục thì ai cũng hiểu lương bổng và đời sống giáo viên thuộc vào loại thấp nhất. Thử nghĩ, ngay TP.HCM mà mỗi năm có đến 2.000 giáo viên bỏ việc thì các tỉnh thành, vùng miền khó khăn, xa xôi hẻo lánh câu chuyện này nan giải cỡ nào? Chính Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tiến Đạt đã khẳng định với Báo Giáo Dục rằng “Lí do đơn giản là… lương không đủ sống”, khi nói về nguyên nhân dẫn đến giáo viên nghỉ bỏ việc. Giờ đây, câu chuyện giáo viên bỏ nghề, rời bục giảng vì cơm áo gạo tiền không chỉ xảy ra ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, ngoại thành xa xôi mà ngay cả các quận trung tâm thành phố cũng đáng báo động. Chung quy cũng vì lương ba cọc ba đồng khiêm tốn quá! Công sức bỏ ra thì nhiều mà thu nhập còm cõi đến mức không đảm bảo đời sống thì thử hỏi làm sao an tâm công tác?
Viết đến đây, tôi chợt nhớ, cách đây vài năm, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng phấn đấu đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương của mình. Hơn một triệu giáo viên trên khắp mọi miền đất nước nghe mà mừng thầm, nhưng cũng không ít người nghi ngờ ở tính khả thi. Và quả thực nay đã giữa 2009, tức còn 6 tháng nữa đến giai đoạn mà Phó thủ tướng đã cam kết liệu có thực hiện được không khi mà ngày càng có nhiều hơn giáo viên rời bục giảng vì thu nhập không đủ sống? Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa trình Quốc hội nhằm phần nào tháo gỡ bài toán nan giải này nhưng xem ra không khả thi vì chưa tạo được sự đồng thuận trong điều kiện đời sống nhân dân đang trong lúc khó khăn bởi suy giảm kinh tế. Do vậy cho nên nếu thu nhập của giáo viên được cân đối và tính toán từ một phần của nguồn tăng học phí thì chắc hẳn các nhà giáo chân chính sẽ day dứt lắm, vì như vậy làm cho câu chuyện đến trường của em cháu chúng ta vốn khó khăn nay càng thêm nặng trĩu! Lộ trình đã có, việc nghiên cứu kỹ, triển khai tốt và chọn thời điểm thích hợp để tăng học phí, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục một cách căn cơ, toàn diện sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề khó khăn của giáo dục đào tạo, trong đó có câu chuyện thu nhập và đời sống người thầy.
NGUYỄN VĂN CẢI

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)