Ngày 16-2, trên địa bàn xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra nổ bom khiến một người tử vong. Nạn nhân là ông Lê Chí Tr. (SN 1979, trú tại thôn Phương An). Khoảng 14 giờ cùng ngày, trong lúc đi làm rẫy, phát hiện quả bom, thay vì báo cơ quan chức năng, ông Tr. lại mang quả bom về nhà cất. Sau đó quả bom đã phát nổ khiến ông Tr. tử vong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên cán bộ Trung tâm hành động phòng chống bom mìn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VGP
Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm nhưng trên đất nước ta vẫn còn những người phải chết vì bom mìn như ông Tr. Làm sao để đưa Việt Nam sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề do bom mìn sau chiến tranh là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm…
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (Chương trình 504) giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025.
Vấn đề nhức nhối của đất nước
“Bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam là hiểm họa hàng ngày đối với người dân, là vấn đề nhức nhối của đất nước, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, cản trở sự phát triển bình thường của kinh tế – xã hội trong bối cảnh khó khăn”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam – phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng nêu rõ, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn, chất độc da cam nói riêng. Việc ban hành Chương trình 504 có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ổn định cuộc sống người dân; thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam, hàn gắn vết thương chiến tranh để lại.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia, trước khi ban hành Chương trình 504, mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước. Sau 10 năm thực hiện chương trình (từ 2010-2020), tổng kinh phí cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là hơn 12 nghìn tỷ đồng, gồm ngân sách trong nước hơn 10 nghìn tỷ đồng và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500.000ha đất đai ô nhiễm; phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn, vật nổ. Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ.
Hơn 5.000 nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người dân ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng được tiếp cận với các phương pháp phòng tránh tai nạn bom mìn. Số vụ tai nạn bom mìn giảm đáng kể.
Với trên 82% tổng diện tích đất tự nhiên bị ô nhiễm, Quảng Trị là địa phương bị ô nhiễm bom mìn cao nhất nước. Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – thông tin, từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, Quảng Trị có trên 1,2% dân số là nạn nhân bom mìn, trong đó 31% nạn nhân là trẻ em. Tỉnh có trên 6% dân số là người khuyết tật, trong đó hơn 9.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong giai đoạn 1975-1995, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 100 người trở thành nạn nhân của bom mìn; giai đoạn 2005-2015 giảm xuống còn trung bình 10 nạn nhân/năm và đặc biệt từ đầu năm 2018 đến ngày 15-2-2022, Quảng Trị không có tai nạn bom mìn xảy ra. Nhiều vùng đất được mệnh danh là “đất chết” do ô nhiễm bom mìn nay đã hồi sinh. Các chương trình, dự án đã rà phá trên 25.000ha đất bị ô nhiễm bom mìn nặng; hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân bom mìn…
Năm 2025, sẽ không còn tai nạn bom mìn
Đây là mục tiêu phấn đấu mà Chương 504 đề ra.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975 đến nay, cả nước có hơn 40.000 người chết và 60.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. “Ngay chiều qua thôi, tại Quảng Trị, vẫn có người thiệt mạng vì bom mìn sau chiến tranh. Đây là hậu quả rất nặng nề, bởi mất mát về con người là không thể bù đắp được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tâm tư.
Theo Thủ tướng, hiện nay, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn rất lớn (khoảng 5 triệu ha, chiếm hơn 17% diện tích đất đai cả nước). Trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là rất nặng nề, phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là kế hoạch sử dụng đất đai tại các địa phương, nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom mìn làm sạch đất đai để tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, xây dựng chính sách hỗ trợ tối đa cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn.
Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn sau chiến tranh, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra, Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách thể hiện tính nhân văn sâu sắc, cao cả, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân là trên hết, trước hết, với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu chủ yếu. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm về lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn nhân lực, tài chính cho công tác này.
Song song đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách, hành lang pháp lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công tác này; tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Phấn đấu đến 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn…
Nhóm PV
Bình luận (0)