Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bao giờ tuyển sinh hết rối ?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hai năm nay, Bộ GD-ĐT thực hiện quyết tâm đổi mới tuyển sinh (trong đó có thi và xét tuyển). Ở cả hai kỳ thi “hai trong một” năm 2015 và 2016, với mục đích: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ, không ai phủ nhận thành công ở khâu ra đề thi, tổ chức thi, xét tốt nghiệp. So với kỳ thi “3 chung” (chung đợt – chung đề – chung kết quả) thì kỳ thi “hai trong một” đã giảm gánh nặng thi cử khá nhiều. Nhưng cái tồn tại của kỳ thi “hai trong một” chính là ở khâu xét tuyển ĐH-CĐ. Nếu như năm 2015 việc xét tuyển ĐH-CĐ trở nên hỗn loạn cho thí sinh qua việc nộp – rút hồ sơ, thì năm 2016 các trường ĐH-CĐ lại “vỡ trận” vì thí sinh ảo. Chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh ĐH mà các trường y, ngoại thương, các trường khối quân đội… lại phải hạ điểm trúng tuyển để xét tuyển đợt 2 hòng cố vớt cho đủ chỉ tiêu. 

Thí sinh, phụ huynh nộp hồ sơ đăng ký thi THPT Quốc gia năm 2016 tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM

Thực tế cho thấy, Luật Giáo dục đại học đã quy định rất rõ: các trường tự chủ trong tuyển sinh, có thể thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển. Mặc dù lãnh đạo ngành giáo dục – đào tạo luôn khẳng định rằng việc xét tuyển là việc của các trường, nhưng trên thực tế Bộ GD-ĐT lại can thiệp quá sâu vào chuyện xét tuyển của các trường, nên dù cố gắng mấy cũng không khỏi rối rắm. Năm 2015, Bộ GD-ĐT đã can thiệp khi quy định nộp 4 nguyện vọng trong cùng một trường, đồng thời liên tục chỉ đạo các trường công bố thông tin số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào từng ngành, cho phép thí sinh rút hồ sơ…

Năm 2016 tái diễn tình trạng ảo khi đợt 1 quy định mỗi thí sinh được nộp 2 trường, mỗi trường 2 ngành; đợt xét tuyển thứ 2 mỗi thí sinh được nộp 3 trường, mỗi trường 2 ngành. Thí sinh không trúng tuyển, nhiều trường vẫn nhắn tin, gọi điện mời nhập học. Thậm chí còn diễn ra tình trạng tranh giành thí sinh giữa một số trường công lập với nhau chỉ vì sợ không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngay cả khi thí sinh đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi (phiếu điểm) nhập học tại trường này nhưng có trường khác hạ điểm chuẩn và yêu cầu thí sinh rút phiếu điểm sang nộp để nhập học… 
Vấn đề đặt ra là, nếu năm 2017 Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì kỳ thi “hai trong một” thì bộ phải dừng việc can thiệp quá sâu vào kỹ thuật xét tuyển của các trường ĐH-CĐ, chỉ nên quy định chung về điểm sàn, thời hạn và đợt xét tuyển, cấp phiếu điểm tương ứng với số đợt xét tuyển để thí sinh tham gia xét tuyển. Thí sinh đã trúng tuyển thì không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Nếu Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở các quy định chung để đảm bảo các trường chơi đúng luật, công bằng, thì khi đó các trường dù tuyển sinh không được cũng sẽ không thể đổ lỗi cho bộ. Và ngay từ bây giờ bộ phải có một lộ trình cụ thể, ít nhất là phải 3 năm, để học sinh nắm bắt và các trường THPT có kế hoạch giảng dạy phù hợp. 
Bên cạnh đó, ngoài việc ấn định lộ trình cho các trường tự chủ trong thi tuyển, xét tuyển ĐH-CĐ thì Bộ GD-ĐT phải xây dựng bằng được ngân hàng đề thi. Bởi, khi có ngân hàng đề thi, các trường ngoài việc đưa ra các điều kiện sơ tuyển để tuyển chọn thí sinh cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng trường thì thí sinh phải trải qua kỳ thi do các trường tổ chức bằng đề thi lấy từ Bộ GD-ĐT.  
Thực tế cho thấy, nếu Bộ GD-ĐT vẫn cứ loay hoay với phương án đổi mới thi cử theo kiểu ăn đong, thiếu một lộ trình dài hơi, thì câu chuyện tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ không bao giờ hết rối.

THANH HÙNG/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)