Bạo hành từ bàng miệng đến bằng tay (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T |
Bạo lực gia đình không chỉ là người này “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người kia. Đôi khi những từ ngữ hàng tôm, hàng cá được phát ra trong bữa ăn còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần…
Khi chồng là “bà bán cá”
Mặc dù đã sống với nhau gần 30 năm, có với nhau 3 đứa con – nếp tẻ đủ cả, nhưng đôi ba ngày ông Minh lại bạo hành vợ một lần. Không như những kẻ vũ phu là dùng “nắm đấm”, ông chỉ thích… chửi. Từ những chuyện nhỏ như con thỏ, ông cũng cố xé cho nó to ra để lấy cớ chửi vợ.
Một lần nhà có giỗ bố ông Minh, bà Hạnh (vợ ông) phải dậy từ lúc 5 giờ sáng để luộc bánh, đồ xôi… Còn ông, trực ở cơ quan nên 8 giờ sáng mới về. Về đến nhà không thấy ba đứa con đâu, trong khi đồ cúng thì chưa nấu xong, thế là ông quát: “Ba đứa kia đi đâu, hôm nay nhà có đám mà sao không thấy đứa nào ở nhà. Còn bà, từ sáng đến giờ làm gì mà đồ cúng chưa có…”. Bà Hạnh từ tốn trả lời: “Thằng Hoàng với con Hoa đi làm, còn con Hằng đi đám cưới bạn ở Vũng Tàu”. “Con cái mất dạy, giỗ ông nó mà dám bỏ đi. Cũng tại bà hết, sao không kêu tụi nó ở nhà”… Rồi ông lôi hàng trăm thứ chuyện xảy ra cả năm trời để chỉ trích, la mắng vợ. Bà Hạnh cứ cặm cụi làm, mặc cho ông Minh chửi mắng.
Nhưng sức chịu đựng của con người chỉ có giới hạn, đôi lần bà Hạnh đã phản kháng lại chồng. Hôm đó, Hoàng đi làm về khuya nên ăn cơm trễ. Ăn xong lại không dọn dẹp, tạo điều kiện cho chuột quậy phá. Sáng dậy nhìn thấy bãi chiến trường, không cần biết ai là thủ phạm, ông Minh vội vã chửi mắng vợ. Ông chửi vợ là “Đồ ngu…”, chửi vợ chán ông lôi cha mẹ vợ ra chửi. Đến lúc này thì bà Hạnh “phát pháo”: “Ông chửi tôi, đánh tôi cũng được nhưng không được phép đụng đến cha mẹ tôi”. Nói đến đây nước mắt bà cứ thế chảy dài, bà lẳng lặng bỏ vào phòng đóng cửa lại. Rồi bà giận ông cả tuần, ông hỏi, bà không buồn nói lại. Thậm chí, bà cũng bỏ luôn công việc nội trợ khiến không khí trong nhà trở nên nặng nề như có đám tang. Cuối cùng ông Minh đã phải xin lỗi vợ và hứa sẽ không tái phạm…
Những bữa cơm không lành, canh không ngọt
Bà Sành rất giỏi trong việc kiếm tiền, mọi tài sản giá trị trong nhà đều do một tay bà sắm. Thế nhưng lắm tài thì cũng nhiều tật. Trong mắt bà, chồng và con đều không đáng “một xu”. Hầu như ngày nào bà cũng kiếm chuyện để mắng chồng, chửi con. Ác ở chỗ là bà cứ đợi lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm để gây sự với mọi người…
Cơm khô, cơm ướt bà mắng. Canh mặn, thức ăn lạt… bà cũng chửi. Chồng đi làm về trễ, dù bất kỳ lý do gì, bà cũng chửi. Mà bà chửi thì ngoa lắm, bà lôi đủ thứ “của quý” trên người ra để chửi. Thời gian đầu, ông Liêm và các con cố chịu đựng để ăn cho qua bữa. Nhưng càng ngày bà Sành càng quá đáng nên cứ mỗi khi bà cất tiếng chửi là mọi người lặng lẽ đứng dậy. Bởi vậy, có nhiều bữa bà phải ăn cơm một mình. Cứ tưởng bị trừng phạt như vậy, bà Sành sẽ bỏ được cái tật chửi bậy khi vào bữa ăn. Nào ngờ bà càng chửi nhiều hơn…
Sợ cái cảnh ngồi vào mâm cơm là nghe vợ văng tục, ông Liêm bắt đầu tập cho mình thói quen về nhà sau 7 giờ tối – khi bữa cơm chiều đã xong. Ông nghĩ, ăn một mình sẽ không bị vợ quấy nhiễu nhưng bà Sành lại không buông tha cho chồng. Làm đủ cách mà vợ vẫn cứ chứng nào tật nấy, ông Liêm quyết định ly dị. Mãi đến khi cầm tờ giấy ly hôn có chữ ký của chồng, bà Sành mới hối hận nhưng đã muộn.
Gia đình bà Huê – ông Hạ cũng “tan đàn xẻ nghé” chỉ vì cứ vào bữa ăn ông Hạ lại chửi mắng vợ con. Sau khi ly hôn, ba đứa con, không đứa nào chịu ở với ông. Những ngày tháng sống cô đơn đã khiến ông vô cùng hối hận. Nhiều lần ông bỏ cái tôi của mình đi năn nỉ bà Huê đưa các con trở về. Nhưng nhớ lại cảnh ông chửi mắng, ném bát, đập dĩa trong bữa ăn, bà Huê và các con không ai muốn quay lại…
Thanh Thúy
Bình luận (0)