Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bạo hành làm tan nát gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Bạo lực gia đình đã trở thành một vấn đề “nóng” của xã hội bởi gần đây có quá nhiều các vụ án, câu chuyện về nó. Tuy nhiên, nỗi đau sự mất mát lại thuộc về những người trong cuộc còn nhiều người trong xã hội cảm thấy bị ám ảnh nặng nề.

Có vô vàn lý do

Con người sống với nhau cần đến sự yêu thương, sẻ chia nhưng không phải ai cũng có được hạnh phúc vẹn nguyên đó. Có vô vàn những lý do để người ta hằn học, trách móc, bực tức với nhau và rồi dẫn đến phải trả một giá đắt. Đó đơn giản chỉ là vợ không biết “nghe lời” chồng, vợ hay chồng ngoại tình, con không chịu ăn, đi học bị điểm kém… thậm chí còn có cả những lý do không tên, không xác định. TAND TP.HCM liên tục mở ra các phiên xét xử liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình mà xuất phát từ một trong những nguyên nhân trên. Mới đây, TAND tối cao đã bác kháng cáo của bị cáo Lê Văn Chi (SN 1976, quê Tháp Mười – Đồng Tháp) tuyên phạt bị cáo 20 năm tù về tội “Giết người”. Theo cáo trạng: “Bị cáo có vợ là Phạm Thị Ngọc Tuyền, hai người sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Cuộc sống gia đình vốn không toàn màu hồng nên thường xuyên xảy ra cãi vã vì nhiều lý do. Trong một lần đi chơi Chi bắt gặp vợ mình đi cùng một người đàn ông khác nên nổi cơn ghen. Sau đó Chi nạt nộ vợ bắt nói mối quan hệ với người đàn ông kia nhưng vợ Chi cũng không phải “hiền lành”, Tuyền đã thẳng tay tát vào mặt chồng, sau đó tiếp tục chửi thề, đập điện thoại và đuổi chồng ra khỏi nhà. Cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, trong lúc cùng quẫn Chi đã dùng kéo đâm nhiều nhát vào người, đầu của vợ người mà đã chung sống với mình bấy lâu rồi tự sát nhưng không thành”. Cuối cùng người chồng vừa đáng thương, vừa đáng trách kia đã tự gắn bó cuộc đời mình với những ngày tù tội. Đây chỉ là một trong những vụ án điển hình rút ra từ các câu chuyện ở chốn pháp đình, còn trong đời sống ở đâu đó cũng bắt gặp những hình ảnh tương tự nhưng chưa được phơi bày một cách công khai.

Bị cáo Lê Văn Chi bị dẫn về trại sau phiên xét xử

Tan nát một gia đình

Theo số liệu từ một cuộc điều tra thì 60% các vụ ly hôn ở Việt Nam hiện nay có yếu tố bạo lực gia đình và trung bình cứ 3 vụ ly hôn thì có 1 vụ do nguyên nhân ngoại tình. Là người được chứng kiến các vụ án xét xử có liên quan đến bạo lực gia đình mới thấm thía được nỗi đau của những người ở lại. Đó là cảnh con mồ côi mẹ hay những người cha người mẹ thì mất con. Xét ở nhiều góc độ thì có những bị cáo lại đáng thương nhiều hơn đáng trách, họ sẵn sàng trải lòng mình trước HĐXX đầy uy nghiêm và quyền lực bằng những giọt nước mắt muộn màng. Một vị thẩm phán đã từng nói rằng: “Khi mọi chuyện đã ra đến pháp luật thì mọi hình phạt đều xử theo luật chứ không còn chỗ cho sự vị tha của tình người”. Mới đây, cũng xảy ra một vụ án gây rúng động dư luận là T.V.G (25 tuổi, quê Nghệ An) đi uống rượu với bạn bè và sau đó về nhà xảy ra xích mích với vợ. Sẵn có hơi men trong người G. lấy 4 lít xăng đổ lên người vợ khi vợ đang bế đứa con trai 9 tháng tuổi và châm lửa đốt. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội lên 2 mẹ con, hàng xóm thấy vậy nên dập lửa và đưa đi cấp cứu. Nhưng vết phỏng quá nặng nên người con đã tử vong ngay sau đó còn người mẹ ít ngày sau cũng bị tử vong. Hạnh phúc của một gia đình bỗng trở nên dang dở, nỗi đau đối với những người ở lại thì vẫn còn đó. Dưới góc độ tâm lý, TS. Ngô Xuân Điệp (Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Trong cuộc sống gia đình chỉ cần vợ chồng biết dung hòa mọi thứ trong tất cả mọi chuyện thì sẽ bình yên. Mỗi người cần dẹp bớt cái “tôi” cá nhân, đừng để cái “tôi” quá lớn lấn át lý trí. Bạo lực gia đình có vô vàn lý do nhưng rõ ràng những người trong cuộc biết cách tháo gỡ thì gia đình sẽ vẹn nguyên”.

Bài, ảnh: Nghiêm Quế

Đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là sự yêu thương, gắn bó sẻ chia từ các thành viên trong gia đình. Mỗi người cần trang bị những kỹ năng sống cần thiết để gia đình trở nên hạnh phúc trọn vẹn.

 

Bình luận (0)