Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bạo hành trẻ mầm non: Bài học của tình thương và trách nhiệm!

Tạp Chí Giáo Dục

Trách nhiệm là ở địa phương

Các vụ bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây. Ảnh: I.T
Thời gian gần đây, một lần nữa dư luận lại bị sốc trước những hình ảnh bạo hành trẻ ở một cơ sở mầm non (MN) ngoài công lập. Những bảo mẫu như Quảng Thị Kim Hoa năm 2008 ở Biên Hòa, Đồng Nai, bảo mẫu Lê Thị Lê Vy tại Bình Thuận, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở Cần Thơ và gần đây nhất là bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý ở TP.HCM đã trở thành nỗi ám ảnh đối với trẻ.
Có một thực tế, tình trạng bạo hành này thường xảy ra ở các nhóm trẻ gia đình, trường ngoài công lập và nạn nhân của họ thường là con em công nhân ở các khu công nghiệp. Vậy vì sao lại có chuyện này.
Cần siết lại các nhóm trẻ gia đình
Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục MN, Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Bá Minh thẳng thắn đặt vấn đề nếu chúng ta theo dõi một cách có hệ thống thì sẽ thấy những vụ việc như vậy đều xảy ra tại nhóm lớp trông giữ trẻ MN tư thục, không đảm bảo các điều kiện về an toàn cho trẻ, về chất lượng chăm sóc trẻ, đã không được cấp phép. 
Hiện cả nước còn khoảng 29% nhóm lớp MN chưa được cấp phép vì không đảm bảo điều kiện. Thực tế các vụ việc đáng tiếc vừa qua đều xảy ra tại các cơ sở MN chưa có phép, không có phép hoặc là các nhóm trẻ gia đình. Có những người không có trình độ đào tạo nhưng vẫn làm bảo mẫu nhưng thậm chí có những người được đào tạo rất bài bản như bảo mẫu Lê Thị Đông Phương cũng bạo hành trẻ. Một thực tế là nhiều phụ huynh không có lựa chọn nào khác là phải gửi con tại các cơ sở giáo dục này. Theo ông Minh, ngân sách của Nhà nước là có hạn. Trường công lập ở các thành phố lớn chủ yếu dành cho người có hộ khẩu, trong khi phụ huynh là công nhân hoặc lao động tỉnh thường không có hộ khẩu tạm trú, do đó khả năng họ gửi được con em vào trường công lập là hữu hạn.
Vì thế họ bắt buộc phải lựa chọn nhưng con em họ khó có thể vào các trường tư thục bởi học phí và sinh hoạt phí thường rất đắt đỏ. Thường những trường tư thục có phép hoạt động có bài bản mỗi tháng phụ huynh phải bỏ ra từ 3-5 triệu đồng để gửi con. Số tiền này, đối với công nhân các khu công nghiệp là ngoài khả năng vì lương của họ cũng chỉ được bằng đó. Nhà nước không đủ trường, phụ huynh không đủ tiền nên họ đành phải gửi con vào nhóm trẻ gia đình hoặc các cơ sở MN “chui”. Để các sự việc đau lòng không còn xảy ra, có lẽ chúng ta cần phải siết lại các nhóm trẻ gia đình và cần phải tuyên truyền đến các bậc phụ huynh để họ có những lựa chọn sáng suốt hơn, tránh gửi nhầm con cho kẻ ác.
Trách nhiệm của các cấp đến đâu?
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Bá Minh đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến các sự việc trên như  điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ không đáp ứng được nhu cầu. Thứ hai là do khâu quản lý chăm sóc trẻ không đảm bảo. Thứ ba, nguyên nhân quan trọng nhất là công tác giám sát, kiểm tra và xử lý của chúng ta chưa tốt. Ông Minh cũng khẳng định theo phân cấp quản lý, việc kiểm tra giám sát và xử lý các nhóm trẻ thuộc UBND phường xã – nơi có quyền cấp phép hoạt động, đồng thời cũng có trách nhiệm giám sát và xử lý các nhóm trẻ tư nhân. Thời gian vừa rồi nếu những nhóm lớp không đủ điều kiện không được hoạt động thì hẳn đã hạn chế được nhiều tình trạng mất an toàn cho trẻ. Nguyên nhân nữa được ông Minh đưa ra đó là sự hiểu biết và ý thức của phụ huynh trong việc gửi con cho các cơ sở nuôi dạy còn hạn chế. Không thể nói là phụ huynh không biết và không có trách nhiệm trong việc con em mình bị bạo hành tại các cơ sở nuôi dạy trẻ trong một thời gian dài. Họ cần cân nhắc khi lựa chọn những cơ sở MN đảm bảo an toàn cho con em mình để gửi gắm.
Còn về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh, đặc biệt là khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP.HCM là rất lớn. Do số trẻ tăng cơ học nhanh, các trường công lập chưa thể đáp ứng được nên phải xã hội hóa. Bộ đã cố gắng ban hành các văn bản pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ sở này hoạt động như quy chế trường MN tư thục trong đó có quy định về các nhóm lớp để huy động các tổ chức, nguồn nhân lực tham gia chăm sóc trẻ em. Nhưng Thứ trưởng cũng khẳng định những địa bàn này rất nhiều nhóm lớp hoạt động không phép, không đủ các tiêu chuẩn quy định. Để xảy ra sự việc có trách nhiệm của địa phương khi chưa kiểm soát được tình trạng này.
Như vậy, những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trên đều thuộc trách nhiệm của địa phương, còn về phía Bộ GD-ĐT, đã ban hành đầy đủ các văn bản cần thiết. Tuy nhiên, đúng là địa phương buông lỏng quản lý, nhưng trình độ của giáo viên, tâm đức với nghề của giáo viên, bảo mẫu thì địa phương không thể chịu trách nhiệm được. Đó chính là lỗ hổng của ngành giáo dục. Bởi trong số các vụ bạo hành trên, có cả những người bảo mẫu đã tốt nghiệp ĐH sư phạm ngành MN.
Nghiêm Huê
 
Quản lý còn không biết thì dân biết thế nào!
Vụ trưởng Vụ Giáo dục MN, Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Bá Minh nhìn nhận: Thực tế, chưa có một phòng GD-ĐT của bất kỳ quận, huyện nào trên cả nước công khai các trường MN có phép và không có phép. Vậy phụ huynh sẽ tìm đến đâu để hỏi. Làm thế nào để phụ huynh biết được nơi mình gửi con có an toàn không? Nếu nói phụ huynh phải chịu một phần trách nhiệm, không hiểu họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc gì khi mà cấp quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm lại không biết trên địa bàn mình có trường học “chui”, lớp học “chui”. Quản lý còn không biết thì dân biết thế nào! Hơn nữa, phụ huynh cũng thường chỉ là công nhân, người lao động, họ không thể biết được trường nào đã có phép trường nào chưa khi các cấp quản lý không thông báo. Làm sao người dân biết mình “phạm luật” khi “luật” chưa ban hành. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)