Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bạo hành trẻ – sự u ám trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi trường hợp giáo viên mầm non đánh trẻ được phát hiện lại gieo thêm những lo âu, hoài nghi, căng thẳng trong các bậc phụ huynh. Họ gửi con đến trường mỗi sáng trong phập phồng lo ngại. Đó là một nỗi buồn không đáng có, một sự u ám trong giáo dục.

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Trưởng Khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn) trao đổi ý kiến tại tọa đàm

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) đã nhận định điều này trong tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi” do Báo Tiền Phong phối hợp Trường ĐH Sài Gòn tổ chức cuối tuần qua.

Chưa qua đào tạo vẫn được làm giáo viên

Bà Nữ cho rằng, nếu đặt mình vào vị trí phụ huynh các bé ở Cơ sở Mầm non Sen Vàng (Hà Nội) khi xem lại clip con mình bị cô giáo cầm dép đánh liên tiếp vào đầu hay cô giáo dùng đầu gối huých vào mặt trẻ nhỏ, hoặc trường hợp cô giáo ở Thanh Hóa dùng đũa đánh thâm tím cơ thể trẻ, mỗi chúng ta sẽ cảm giác tim bị bóp nghẹt. 

Theo bà Nữ, những hình ảnh đau lòng được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một thực tế là rất nhiều giáo viên mầm non bộc lộ sự bất lực của mình khi không có phương pháp sư phạm, không có tình yêu với con trẻ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.

Bản thân cha mẹ khi gửi con vào một cơ sở mầm non tư thục cũng không thể biết giáo viên dạy con mình học hành bằng cấp ra sao, được đào tạo kỹ năng như thế nào. Phải sau rất nhiều vụ việc đau lòng như ở Trường Mầm non Sen Vàng (Hà Nội) vừa rồi, cơ quan chức năng vào cuộc mới tá hỏa ra giáo viên mầm non có thể được tuyển dụng từ những người được đào tạo ở ngành nghề khác, thậm chí chưa qua đào tạo bao giờ. “Thế nhưng kỹ năng yếu kém dường như vẫn còn dễ chấp nhận hơn sự thiếu đạo đức nghề nghiệp. Một giáo viên mầm non không có tình yêu thương con trẻ, không gắn tình thương cùng trách nhiệm thì chắc chắn khi ở môi trường nuôi dạy trẻ, họ không lan tỏa được điều gì. Và bạo hành trẻ là câu chuyện xảy ra không sớm thì muộn”, bà Nữ nhận định.

Ông Hoàng Hữu Lượng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) cũng bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối việc bạo hành trong trường học. “Việt Nam là một trong những nước ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em sớm, tuy nhiên gần đây xã hội lại bộc phát rất nhiều vụ việc bạo hành trong xã hội, gia đình và trường học. Chúng ta không chấp nhận bất cứ biện minh nào cho việc bạo hành này, nhất là với trẻ bậc mầm non”, ông Lượng nói.

Đặc biệt, tình trạng bạo hành trẻ mầm non không chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã có từ trước nhưng chúng ta không có đủ phương tiện để phát hiện – chia sẻ của TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Trưởng Khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn). “Ngày trước, lúc tôi mới tốt nghiệp về trường phổ thông dạy, tôi thấy giáo viên nào cũng có một cây thước to để dùng trong những trường hợp… đánh học trò. Các giáo viên này thậm chí còn truyền cho tôi cách đánh làm sao để không bị phụ huynh kiện. Chẳng hạn như khi khẽ tay, cần giữ tay các em, tránh làm bể vòng kiềng phải đền hoặc đánh vào phần mềm để chiều khi các em về nhà đã tan hết dấu vết”, TS. Dao cho biết.

Sinh viên Khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn đặt câu hỏi về vấn đề bạo hành trẻ

Có thể nói hiện tượng bạo hành trẻ em tại trường mầm non ngày càng xuất hiện nhiều, có những trường hợp trẻ bị đánh đập rất dã man. Thống kê mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 3.000 đến 4.000 vụ bạo hành trẻ em tại các trường mầm non nói riêng và xã hội nói chung. Trẻ từng bị bạo hành thường bị ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển thể chất. Nhiều trẻ còn bị mắc chứng “rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương”, và nguy hiểm hơn những di chứng sau bạo hành có thể theo đến suốt đời.

Dẫn chứng những số liệu trên, bà Nữ đặt vấn đề: “Sau mỗi câu chuyện đau lòng như vậy, toàn xã hội và ngành giáo dục có tiếp tục “bình chân như vại” hay quyết liệt hành động? Bên cạnh việc tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ nhỏ, cần rốt ráo kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện. Và cái gốc là nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục. Chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn. Mở thêm các trường mầm non công lập, tăng biên chế, tăng lương cho giáo viên mầm non để họ có thể yên tâm với nghề, không nhấp nhổm nay làm việc này, mai làm việc khác”.

Không chỉ là việc đòi bồi thường…

“Khi trẻ gặp bạo hành, không phải chỉ đứng ra đòi bồi thường cho các em là xong, mà vấn đề này phải “chặt được cái gốc”. Để như vậy, khi một nhà trẻ, trường tư thục được thành lập, cần chú trọng khâu quản lý”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhấn mạnh.

Trẻ có thể bị đánh ở vùng khuất camera

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) đồng tình việc gắn camera tại các trường mầm non, nhưng cần có đơn vị chủ quản giám sát, quản lý. Chẳng hạn có thể cử đại diện phụ huynh, đại diện địa phương tham gia giám sát 24/24 camera các trường; quản lý, bảo trì trong những trường hợp camera bị hỏng… Trong khi đó, chị Nguyễn Như Ngọc (giáo viên cũ Trường Mầm non Tam Phú, Q.Thủ Đức) nhìn nhận, thực tế không phải chỗ nào cũng gắn hoặc phủ camera hết được. Ngay cả trong trường hợp gắn camera, giáo viên vẫn có thể dẫn trẻ đến chỗ khuất để đánh. Thế nên, điều quan trọng vẫn là giáo viên có tâm, có yêu trẻ hay không…

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hữu Lượng cho rằng, việc quản lý giáo dục, cấp phép mở trường cần có những quy định chặt chẽ hơn. Qua các vụ bạo hành trẻ gần đây, cũng cần xem lại yếu tố “dạy người”. TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao nêu chi tiết thêm: “Cách đây 3 năm, khi một số vụ bạo hành trẻ đăng tải trên các phương tiện truyền thông, ngay lập tức trường bổ sung, lồng ghép các nội dung kiến thức liên quan đến bạo hành trẻ mầm non vào các môn học. Thông qua đó, sinh viên khoa giáo dục mầm non nhận thức được những kiểu bạo hành khác nhau và hậu quả đối với trẻ, với bản thân, xã hội; có thái độ lên án nạn bạo hành, góp phần kiểm soát hành vi bản thân”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Như Ngọc (giáo viên cũ của Trường Mầm non Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhắc lại việc cho người học tiếp cận môi trường thực tế sớm để hình dung được công việc, từ đó quyết định lựa chọn theo đuổi lâu dài nghề. Tương tự như trước đây, sau một tháng nhập học, người học được trải qua 3 tuần tiếp xúc, tham gia dạy với giáo viên ở trường mẫu giáo. Qua 3 tuần này, nếu thấy không phù hợp, người học có thể chuyển đổi hướng đi. Điều này sẽ giúp hạn chế được tình trạng như những năm gần đây, có nhiều sinh viên ra trường, nhận nhiệm sở một thời gian ngắn đã xin nghỉ việc vì không phù hợp, gây lãng phí thời gian đào tạo lại mất công đi tìm việc khác.

TS. Dao cho hay, trước đây trong quá trình đào tạo, trường cho sinh viên xuống cơ sở tiếp xúc thực tế ngay trong năm đầu tiên nhập học. Sau này, sinh viên thật sự tiếp xúc lâu với trường mầm non vào hai năm cuối. Hai năm đầu, các em cũng được xuống thực tế bộ môn nhưng rất ngắn ngủi nên chưa cảm nhận được mức độ phù hợp với nghề. “Qua đây, trường cũng nghĩ tới việc sẽ tái cấu trúc lại chương trình để có khâu sàng lọc. Nếu để tới năm 3, các em mới nhận ra mình không phù hợp với nghề thì tiếc thời gian và công sức. Để chọn được những người tâm huyết với nghề, yêu trẻ ngay từ giai đoạn đầu vào trường, trường bổ sung phần kiểm tra quan điểm về giáo dục của các em, có thể chưa chính thống nhưng thể hiện phần nào đạo đức nghề nghiệp của các em sau này”, TS. Dao chia sẻ.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)