Hiện nay, số lượng chung cư, khách sạn, nhà nghỉ… trên cả nước rất nhiều nhưng số lượng chủ căn hộ, chủ cơ sở kinh doanh mua bảo hiểm cháy nổ không nhiều. Do đó, khi xảy ra những rủi ro sẽ không được đền bù, dẫn đến nhiều thiệt hại.
Sau vụ cháy chung cư Carina, nhiều chung cư trên địa bàn TP.HCM mới bắt đầu quan tâm công tác PCCC. Ảnh: Yên Hà |
Người dân mơ hồ
Liên tiếp những vụ cháy xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là vụ cháy chung cư Carina (Q.8) đã làm thị trường bảo hiểm cháy, nổ chung cư trở nên sôi động, đắt khách hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi thông tin của Nghị định 23/2018/NĐ-CP về việc nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà… phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực thi hành từ 15-4, người dân mới bắt đầu chú ý đến việc mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ và tài sản. Bởi, người dân và chủ đầu tư lâu nay vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này.
Trước đó, theo Nghị định 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), trong đó có danh mục các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính – Bộ Công an số 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết về chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, hộ dân ở nhà chung cư từ 5 tầng trở lên, hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên phải tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc… Thế nhưng, thực tế dễ nhìn thấy là đa phần các hộ chung cư chưa mua bảo hiểm cháy nổ.
Sống ở chung cư Bigemco (Q.11) đã hơn bảy năm nhưng chị Trần Phương Dung không hề biết có quy định phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho căn hộ của mình. Sau vụ cháy nghiêm trọng ở chung cư Carina, chị và những chủ căn hộ xung quanh mới giật mình bởi họ còn khá mơ hồ vấn đề này. Nhiều người nhầm tưởng bảo hiểm này sẽ do chủ đầu tư đóng toàn bộ. “Trước giờ tôi cứ nghĩ việc mua bảo hiểm cháy nổ thuộc về nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư vì tiền bảo hiểm này đã được tính trong giá bán nhà. Khi nghe đến Nghị định 23/2018/NĐ-CP sắp có hiệu lực, tôi khá bất ngờ nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi của mình để quan tâm những rủi ro khi xảy ra hỏa hoạn”. Khảo sát tại một số khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực Q.5, Q10… cũng nhận thấy các chủ hộ kinh doanh còn khá mơ hồ về vấn đề bảo hiểm cháy nổ.
Không thể lơ là
Theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư.
Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã có không ít sự cố gây hậu quả đáng tiếc do sự chủ quan của chủ đầu tư và chính cư dân sinh sống trong tòa nhà. Vì vậy, chủ đầu tư cũng như người dân, chủ hộ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ… cần ý thức rõ sự cần thiết phải mua bảo hiểm để giảm tải những rủi ro. |
Hiện nay, nhiều vụ cháy thương tâm đã xảy ra, điều này thực sự đáng báo động cho công tác PCCC. Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), “Nghị định 23/2018/NĐ-CP ra đời, kế thừa và phát huy tinh thần của Nghị định 130/2006/NĐ-CP, góp phần hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tuy nhiên, để nghị định thực sự là một giải pháp cho các sự cố cháy nổ, cơ quan Nhà nước cần phải có hướng dẫn cụ thể để các bên liên quan có thể vận dụng tối đa các lợi ích mà nghị định mang lại”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, hồ sơ thủ tục để hưởng bồi thường từ phía công ty bảo hiểm còn khá phức tạp, nhiều quy định vẫn làm khó người dân. Bảo hiểm chung cư chỉ bồi thường cho phần hư hỏng của phần xây dựng (phần khung của tòa nhà) mà không áp dụng cho tài sản bên trong của dân cư. Vì thế, không ít chủ căn hộ như rơi vào “ma trận” lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp, đó là chọn mua bảo hiểm căn hộ và tài sản hay chỉ mua bảo hiểm cho căn hộ.
“Nghị định ra đời vào thời điểm này là rất cần thiết, và mang tính khả thi cao vì nó đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội và ai cũng nhận thấy sự cần thiết trong công tác phòng chống cháy nổ. Do đó, công tác thực thi sẽ có sự phối hợp và cộng hưởng tốt từ nhiều phía trong xã hội. Vấn đề là để các quy định của nghị định được áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả thì cần phải có những hướng dẫn và quy chế chi tiết sát với thực tế, mang tính mặc định ngay từ khâu ban đầu trong quá trình kinh doanh, sản xuất. Điều này sẽ góp phần để đảm bảo rằng không có một sự khó khăn hoặc gián đoạn trong việc thực thi các quy định”, luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.
Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã có không ít sự cố gây hậu quả đáng tiếc do sự chủ quan của chủ đầu tư và chính cư dân sinh sống trong tòa nhà. Vì vậy, chủ đầu tư cũng như người dân, chủ hộ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ… cần ý thức rõ sự cần thiết phải mua bảo hiểm để giảm tải những rủi ro.
Thục Quyên
Bình luận (0)