Mức đóng cao, khó tiếp cận chính sách là nhận định của nhiều nông dân về Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chính vì vậy, chính sách ưu việt này đã “tắc” khi về đến thôn, xã.
Ngày 1.1.2008, Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân đã chính thức có hiệu lực. Nhưng 3 năm trôi qua, ở Quảng Nam, nhiều nông dân vẫn còn mơ hồ với loại hình bảo hiểm này.
Muốn tham gia cũng khó
Hỏi vài nông dân ở xã Tam Nghĩa (Núi Thành) về Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân thì chúng tôi đều nhận được một câu trả lời: “Muốn tham gia lắm nhưng cũng không biết hỏi ai”. Anh Nguyễn Ngọc Trọng (25 tuổi) nói: “Muốn tham gia lắm chứ, ai mà không muốn lúc về già có chút tiền nhận hàng tháng. Nhưng chẳng thấy cơ quan nào nói gì về loại bảo hiểm này”.
Ông Võ Tung băn khoăn khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
|
Vừa phơi cỏ cho đàn bò, ông Võ Tung nói: “Tui gần 60 tuổi rồi, mà đóng bảo hiểm đến 20 năm mới được nhận thì làm khó tui quá. Chắc gì tôi sống đến lúc nhận được tiền”. Rồi ông nói tiếp: Tui làm cả tháng chỉ khoảng 600.000 đồng mà mức đóng bảo hiểm mỗi tháng 150.000 đồng, đóng rồi lấy gì trang trải trong nhà?
Nhiều nông dân ở địa phương khác biết loại hình bảo hiểm này thì đều than phiền là mức đóng quá cao. Ngay anh Châu Văn Nam – cán bộ chuyên trách Bảo hiểm xã hội xã Tam Phước (Phú Ninh), cũng cho rằng, mức đóng 18% lương tối thiểu là quá sức đối với lao động nông thôn.
Theo BHXH Việt Nam, đến hết năm 2010, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ dừng lại ở con số hơn 5 vạn người, trong số khoảng 30 triệu người thuộc diện tham gia.
“Ngay xã chúng tôi là xã điểm nông thôn mới mà nhiều nông dân nghe đến Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng lắc đầu” – anh Nam nói.
Chính ông Phan Ngọc Hà – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, cũng đề nghị Nhà nước phải hỗ trợ thì nông dân mới tích cực tham gia. “Nông dân phần nhiều làm bữa nay ăn bữa mai, ít có số dư. Đây là một “rào cản” khiến bà con chưa thể tự nguyện tham gia Bảo hiểm xã hội. Nếu được Chính phủ hỗ trợ, thì bà con mới tham gia nhiều” – ông Hà nói.
Đến xã, thôn là tắc
Ông Hà cho biết: “Đến hết quý I/2011, Quảng Nam mới có 3.500 trong tổng số 130.000 lao động nông thôn tham gia Bảo hiểm tự nguyện, đạt 3% tổng số lao động nông thôn”. Ông Hà chia sẻ: Khi Bảo hiểm tự nguyện cho nông dân ra đời, nhiều nông dân cảm thấy phấn khởi vì nó sẽ là điểm tựa giải quyết khó khăn cho những người ở nông thôn. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện lại gặp quá nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Hà, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ra nghị quyết hỗ trợ cho các cán bộ không chuyên trách cấp xã 15% lương tối thiểu trong 10 năm để họ đi tuyên truyền vận động nông dân tham gia bảo hiểm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ chi phí để các cán bộ cấp xã, đặc biệt là các xã miền núi đi đến từng nhà người dân để vận động.
Ông Hà nói: “Giá như ở cấp thôn, xã, chúng ta có một cán bộ chuyên trách thì tốt biết mấy. Chứ hiện giờ, chúng tôi cứ làm theo đợt, nên chẳng tới đâu”.
Cũng theo ông Hà, thông tin tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng còn quá ít, bà con ở vùng sâu, vùng xa dường như chưa có một thông tin rõ nào. Hệ lụy là người dân ở nông thôn vẫn chưa thay đổi được nhận thức về lợi ích lâu dài của tham gia bảo hiểm.
Ông Võ Văn Bình – đại diện BHXH ở Thăng Bình (Quảng Nam)
Còn nhiều địa phương chưa đưa vấn đề Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân vào công tác lãnh đạo, mà chỉ xem đó như chuyện riêng của ngành bảo hiểm. Chính vì thế nên ở trên có cố gắng mấy thì đến cấp xã, thôn chuyện vận động, tuyên truyền lại bị xem nhẹ, không ai quan tâm nữa.
Bà Nguyễn Thị Mùi – xã Tam Phước, Phú Ninh, Quảng Nam
Bạn bè tôi đều là công chức, nay mai nghỉ hưu có lương hưu đảm bảo cuộc sống. Tôi cũng được biết Bảo hiểm tự nguyện cho nông dân sẽ giúp chúng tôi có được lương hưu như thế, nhưng không biết mua ở đâu, mọi thứ vẫn là tự phát chứ chưa thấy thành một phong trào sâu rộng trong toàn dân.
Theo Hoàng Đạo
(Dân Việt)
Bình luận (0)