Bảo hiểm y tế (BHYT) nói chung, BHYT học sinh sinh viên (HSSV) nói riêng là một chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân đạo và cộng đồng, không vì mục đích kinh doanh. Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện Thông tư 14/TT – LB ngày 19-9-1994 của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, BHYT HSSV đã khẳng định được sự cần thiết trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho HSSV…
Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT ngày càng tăng
Năm học 1994-1995, khi BHYT HSSV bắt đầu được triển khai trong các trường học, tỷ lệ HSSV tham gia tương đối ít, khoảng 30%. Đến năm học 1998-1999 thì tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi. Trong năm học đó, toàn thành phố có 651 trường (368 trường tiểu học; 169 trường THCS; 67 trường THPT và 47 trường ĐH, CĐ, THCN) với tổng số 513.323 HSSV tham gia chiếm 58%. Trong đó, bậc THPT có 76.780 HS (69%), tiểu học có 245.079 HS (chiếm 58%), THCS có 146.334 HS (chiếm 52%) và ĐH-CĐ có 45.130 SV (chiếm 41%) tham gia. Tổng kinh phí thu được 12,360 tỷ đồng, trong đó trích lại 4,326 tỷ đồng (35%) cho y tế học đường (YTHĐ), BHYT quản lý 8,03 tỷ đồng. Năm học 1999-2000, số trường tham gia BHYT tăng lên 743 trường (401 trường TH, 217 trường THCS, 76 trường THPT và 49 trường ĐH, CĐ, THCN). Số HSSV tham gia tăng lên 516.371 em, thu được 12,758 tỷ đồng – trong đó để lại cho YTHĐ 4,465 tỷ đồng. Các quận có tỷ lệ HS tham gia cao là Gò Vấp – 95%; Q.6 – 91%; Q.11 – 88%; Q.5 – 80%; Q.3 – 75%… Ngoài ra, ở loại hình 2 đã thí điểm tại 5 trường với 3.781 HS tham gia, thu 189.050.000 đồng.
Năm học 2002-2003, có 1.116 trường với 743.097 HSSV tham gia, đạt 59,2%. Trong đó, bậc TH đạt 74%, THPT đạt 73,3%, THCS đạt 65,5%, mầm non đạt 42,9%, ĐH-CĐ-THCN đạt 28%. Tổng thu 20.590.524.000 đồng, trích lại YTHĐ 6,553 tỷ đồng.
Năm học 2005-2006, khối phổ thông có 787 trường với 557.807 HS tham gia, đạt 61,13% – thu: 30.173.075.000 đồng; khối ĐH-CĐ-THCN có 91 trường với 104.676 SV tham gia, đạt 39,82% – thu: 6.121.290.000 đồng. Quỹ chăm sóc ban đầu trích lại cho các trường là 6.315.219.510 đồng (20%).
Năm học 2006-2007, tỷ lệ HSSV tham gia đạt 64,81% (trong đó khối phổ thông là 69,27%, khối ĐH-CĐ-THCN là 52,02%) thu được 42.285.269.000 đồng, trích lại cho trường là 8.053.590.000 đồng.
Đóng 20.000 đồng được chi trả 60 triệu đồng
Đó là trường hợp của học sinh Nguyễn Hoàng Tuấn Linh, Trường Tiểu học Hương Khê – Q.Phú Nhuận. Năm học 1998-1999, Tuấn Linh tham gia BHYT. Cũng trong năm đó em phải nhập viện vì mắc bệnh bạch cầu cấp. Hai lần Tuấn Linh vào viện điều trị với tổng chi phí lên tới 60.162.100 đồng, BHYT đã chi trả hết số tiền này cho gia đình em. Hay như trường hợp của em Huỳnh Thị Minh Tâm – học sinh Trường THPT Trần Bội Cơ, Q.5 tham gia BHYT năm học 1998-1999, bị bệnh suy thận mãn và phải chạy thận nhân tạo với chi phí là 36.783.585 đồng, BHYT đã thanh toán hết số tiền này cho em.
Năm học 1998-1999, có 17.028 lượt HSSV (tỉ lệ 3,31%) hưởng quyền lợi khám chữa bệnh với tổng chi phí là 4,722 tỷ đồng, bình quân 277.370 đồng/lượt. Trong đó có 24 trường hợp mắc các bệnh nghiểm nghèo với chi phí là 603,660 triệu đồng, bình quân 25.152.516 đồng/người (gấp trên 1.000 lần so với mức đóng).
Năm học 1999-2000 có 5.023 lượt HSSV khám chữa bệnh với tổng chi phí là 1.548.284.351 đồng, bình quân cho 1 lượt điều trị là 308.238 đồng. Đặc biệt có 16 HSSV mắc bệnh nặng có chi phí rất cao, khoảng 13.268.366 đồng/em (gấp 482 lần mức phí đã đóng). Trong đó có em Trần Hồng Ly – Trường THCS Ngô Sĩ Liên bị bướu ác ở vòm hầu. Sau 3 lần điều trị, chi phí lên tới 25,5 triệu đồng; em Ly Cheng Buu – học sinh Trường THCS Quang Trung bị bệnh bướu ác các mô liên kết và mô mềm, điều trị hết gần 18,2 triệu đồng…
Năm học 2002-2003, quỹ khám chữa bệnh là 12.581.485.500 đồng, chi hết 12.569.763.717 đồng, khoảng 99,9%. Thống kê có 194 ca mắc bệnh hiểm nghèo với chi phí lên tới 2,155 tỷ đồng. Trung bình mỗi ca là 11 triệu đồng, trong đó có em Lê Quang Thành – Trường Mầm non Qui Đức, Q.Bình Chánh bị suy thận mãn, chi phí điều trị 57,6 triệu đồng; Thái Thị Phương Trinh – học sinh Trường THCS Vân Đồng, Q.4 bị vết thương cơ quan ổ bụng điều trị hết 83,775 triệu đồng; Cao Thị Minh Phụng – học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp bị viêm phổi điều trị hết 57,391 triệu đồng…
Bài & ảnh: Anh Kim
Bình luận (0)