Việc phát triển đối tượng mua bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là hộ gia đình còn chậm; thông tuyến khám chữa bệnh BHYT gây hệ lụy bệnh nhân bỏ trạm y tế; có xu hướng phát sinh lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, trục lợi BHYT… Đó là một số bất cập được ghi nhận tại Hội nghị cung cấp thông tin về kết quả thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT 6 tháng đầu năm 2016, được BHXH Việt Nam tổ chức sáng 24-6 tại TPHCM.
Đau răng nọ, nhổ răng kia…là thường!
Nhìn nhận về công tác BHYT tại địa phương, đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết mặc dù đã cố gắng nhưng tốc độ phát triển đối tượng tham gia vẫn còn hạn chế. Theo vị đại diện này, một phần người dân vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT cũng như do điều kiện kinh tế khó khăn, mức hỗ trợ cho hộ cận nghèo chưa phù hợp. Do đó, đến nay Tiền Giang vẫn còn nằm trong danh sách có tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp (60% – 70%). Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở y tế ở các huyện chưa đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên người dân chưa đặt niềm tin để mua BHYT khám chữa bệnh ban đầu. “Có trường hợp, người cha đưa con vô bệnh viện huyện nhổ răng sâu bị đau nhưng bác sĩ không cho người cha vào phòng tiểu phẫu. Đến khi nhổ xong, người cha kiểm tra lại thì té ngửa vì bác sĩ nhổ cái răng lành, còn răng đau vẫn còn nguyên. Vậy là nhổ cả 2 cái răng”, vị đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang băn khoăn…
Cũng với tâm trạng lo lắng vì chất lượng khám chữa bệnh ở các tỉnh chưa cao nên người bệnh đang đổ về các thành phố lớn, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết từ đầu năm đến nay số bệnh nhân các tỉnh lân cận chuyển đến TPHCM rất lớn. “Từ 1-1 vừa qua đã có quy định cho phép thông tuyến khám chữa bệnh ban đầu đối với các bệnh viện cùng hạng mà không cần thủ tục chuyển viện, nên bệnh nhân các tỉnh muốn về TPHCM cho an tâm. Đây cũng là lo ngại đáng kể”, bà Huyền nói. Cũng theo bà Huyền, từ 1-3 vừa qua đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên trung bình 30% và từ tháng 8 đến hết năm 2016 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng nhưng các bệnh viện địa phương không “chuyển mình”, không nâng cao chất lượng lên thì áp lực đổ dồn về TPHCM rất lớn, lại thêm quá tải.
Trong khi đó, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế nhưng chưa tăng chất lượng khám chữa bệnh kịp thời có thể trở thành “cơ hội” cho một số cơ sở y tế lạm dụng, thậm chí trục lợi BHYT. Ông Lê Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách BHYT, thừa nhận có một số cơ sở y tế chỉ định rất nhiều kỹ thuật, nhiều chẩn đoán. “Bất kể bệnh nào, cũng ít nhất ghi 3 chẩn đoán. Đau từ đầu tới chân. Toàn ghi triệu chứng. Có trường hợp đã cắt túi mật 3 – 4 năm rồi nhưng vẫn chẩn đoán các triệu chứng bệnh sỏi túi mật”, ông Phúc cho biết. Qua thực tế kiểm tra, ông Phúc cũng đau đầu vì một số cơ sở khám chữa bệnh “chọc” một cái đã thu mấy trăm ngàn đồng trong vòng 1 – 2 phút, siêu âm thì bôi gel lên bụng rà rà đầu dò một vòng đã in kết quả có sẵn, đơn thuốc thì kê tới 8 – 10 loại… “Tất cả những lạm dụng kỹ thuật đó đều có khi BHYT phải thanh toán nhưng chất lượng khám chữa bệnh thấp. Có bệnh viện ở miền núi phía Bắc chưa làm được kỹ thuật mỗ sọ não nhưng thanh quyết toán BHYT thì có danh sách hàng dài bệnh nhân được chụp MRI, CT não”, ông Phúc ngao ngán.
Thanh toán viện phí theo BHYT ở một bệnh viện của TPHCM
Vẫn phiền hà
Chi phí thanh toán BHYT tăng lớn Theo BHXH Việt Nam, khi điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế từ 1-3-2016 đã có 38 bệnh viện công lập và toàn bộ khối y tế tư nhân thực hiện giá dịch vụ tính cả lương và phụ cấp đặc thù của bác sĩ. Như vậy, mức gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT là rất lớn ngay từ quý 2-2016. Dự báo, trong năm 2016 chi phí khám, chữa bệnh sẽ gia tăng không dưới 30% so với năm 2015. |
Ông Vũ Mạnh Chữ, Phó ban Thu BHXH Việt Nam, cho biết tính đến 31-5-2016, cả nước đã có 70,95 triệu người có BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 77% dân số. Tuy nhiên, bên cạnh một số nhóm đối tượng thuận lợi tham gia BHYT như lao động khối hành chính sự nghiệp, đối tượng được ngân sách nhà nước đóng thì một số đối tượng khác vẫn còn vận động khó khăn như hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, học sinh, sinh viên… “Hầu hết các địa phương chưa có chính sách hỗ trợ người dân mua BHYT. Trong đó, các đối tượng hộ cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ 70%, còn lại chỉ đóng 30% nhưng các địa phương chưa hỗ trợ được”, ông Chữ chia sẻ.
Điều đáng nói, chính sách bắt buộc BHYT hộ gia đình đã được tháo gỡ một số vướng mắc nhưng vẫn gây phiền hà cho người dân. Ông Hoàng Long, đại diện Báo Gia đình – Xã hội tại TPHCM, chất vấn rằng một hộ gia đình có 9 người, nhưng 3 người đã được cơ quan mua BHYT, 4 người đi nước ngoài, 2 người còn lại lên phường mua BHYT thì bị yêu cầu phải cung cấp đủ giấy tờ của 9 người! Ông Lê Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách BHYT, cũng nói có trường hợp phản ánh thẻ BHYT đã được BHXH huyện chuyển xuống rồi nhưng đại lý BHYT xã không chuyển cho dân, bắt phải nộp cái này cái kia hoặc là phải hoàn thành nghĩa vụ gì đó với xã mới được đưa thẻ BHYT (!?). Chính vì vậy, theo BHXH Việt Nam dù có tăng số người tham gia BHYT hộ gia đình nhưng cũng chỉ mới đạt tỷ lệ 30,8% so với số người thuộc diện tham gia.
BHXH Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2015 tác động rất lớn đến chính sách BHYT. Tuy nhiên, đáng lẽ chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ phải “điều chỉnh” tương xứng thì thực tế vẫn chưa làm người dân hài lòng. Một số bệnh viện công khai bảng giá chưa đầy đủ, chưa rõ đối tượng áp dụng và chưa ở vị trí thuận tiện dễ nhìn; bảng kê thanh toán ra viện chưa đúng quy định, có bệnh viện có tới 3 bản kê; các bệnh viện vẫn thu thêm của người bệnh hoặc đề nghị cơ quan BHXH thanh toán một số chi phí vật tư y tế, thuốc đã kết cấu vào giá như xi lanh 5ml, băng dính Urgo, gạc, ống sonde, găng tay…
TƯỜNG LÂM/SGGP
Bình luận (0)