Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Bảo hộ lao động: Đừng đợi tàn phế mới quan tâm!

Tạp Chí Giáo Dục

Cải thiện điều kiện lao động (LĐ), giảm thiểu ô nhiễm môi trường làm việc, ngăn chặn tai nạn lao động (TNLĐ) là những nhiệm vụ trọng yếu để đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp (DN) vẫn làm ngơ với việc trang bị bảo hộ cho người lao động (NLĐ).

Bên cạnh đó, NLĐ chưa ý thức được an toàn lao động (ATLĐ). Vì vậy, đã xảy ra những vụ TNLĐ  thương tâm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cả tính mạng của người làm công ăn lương.

Tai nạn lao động gây tàn phế
Nằm rũ rượi trên giường bệnh ở BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM, anh Đ.V.Tr., 29 tuổi (ngụ Cà Mau) thẫn thờ: “TNLĐ làm cánh tay trái của tôi đứt lìa, sau khi xuất viện chẳng biết kiếm việc gì làm nữa. Ngày trước, tôi làm thợ cắt cửa nhôm, lương mỗi tháng cũng trên hai triệu đồng, sau đó chuyển sang thợ ép nhựa. Do chủ quan, bất cẩn, giờ thành người tàn phế”.
Ở giường kế bên, vừa tranh thủ uống thuốc vừa nói chuyện, bệnh nhân Đ.T.P., mới 16 tuổi (ngụ Thạnh Phú, Bến Tre) cũng bị máy ép quai xách cướp đi hai ngón ở bàn tay trái. Nhà nghèo, sau khi thi rớt tốt nghiệp cấp II, P. phải lên Sài Gòn kiếm việc phụ giúp gia đình. P. làm cho một công ty tư nhân, lương mỗi tháng gần 1,4 triệu đồng. Đôi mắt đỏ hoe, P. nói: “NLĐ như chúng tôi chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đi làm thuê không được đào tạo cơ bản qua trường lớp. Khi vào làm việc, ông chủ chỉ hướng dẫn về các thao tác công việc bằng kinh nghiệm nên không có chút hiểu biết nào về ATLĐ. Làm được nửa năm, lãnh tổng cộng chưa tới 10 triệu đồng tôi đã bị tai nạn. Không biết thời gian tới tính sao nữa.”
Làm việc trên những công trình cheo leo nhưng những PN này không
hề được trang bị nón bảo hộ, đai an toàn
Mới đây,  giữa tháng sáu, tại xưởng sản xuất sản phẩm da thuộc (khu vực tẩy lông), Công ty TNHH Huynh Đệ thuộc da Hưng Thái đã xảy ra tai nạn hy hữu. Sau khi hoàn tất công việc bơm nước từ bể ngầm qua hồ chứa nước thải để xử lý, công nhân (CN) Ngô Văn Sướng( SN 1991, Khánh Hòa) trong lúc đang kéo máy bơm từ bể ngầm lên sàn nhà xưởng đã bất ngờ ngã xuống bể ngầm. CN Hà Văn Bé Hai( SN 1970, Vĩnh Long) thấy vậy vội leo xuống bể ngầm để cứu đồng nghiệp thì cũng bị nạn. Hai CN nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng. Theo nhận định của các bác sĩ, hai CN trên bị ngạt khí H2S dưới hầm chứa nước và chất thải do không được trang bị mặt nạ phòng độc trong khi làm việc.
“Trang bị” cả phương tiện lẫn ý thức
Nhiều vụ tai nạn xảy ra, nhưng khi tiếp xúc với một số NLĐ, phần lớn họ đều cho rằng, tất cả vì miếng cơm manh áo, cứ miễn kiếm được tiền là vào làm việc ngay. Bên cạnh ý thức kém của CN, LĐ tự do còn có một phần lỗi lớn của các chủ  DN. 
Không phải người lao động nào
cũng được trang bị đầy đủ bảo hộ LĐ như công nhân này
Theo kết quả điều tra của Tổng liên đoàn LĐ Việt Nam, chỉ có 61,7% CN LĐ nữ được DN cấp trang bị bảo hộ LĐ đầy đủ;  6,6% được cấp thất thường; 11,2% không được cấp. Ý thức bảo vệ mình trong quá trình sản xuất của NLĐ (đặc biệt là LĐ nữ chưa cao). Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn vệ sinh LĐ của DN  cũng chưa được quan tâm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sức khỏe của NLĐ giảm sút, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp gia tăng.
Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: “Trong sáu tháng đầu năm 2010, toàn TP.HCM có 46 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết người. Hiện nay, bên cạnh các DN trang bị bảo hộ LĐ tốt thì một số DN do cố chạy theo lợi nhuận, sự cạnh tranh nên đã cắt giảm các khoản chi phí bảo hộ LĐ mà theo cách nói của họ là “không cần thiết”.  Để xảy ra nhiều vi phạm nhất vẫn là các DN Đài Loan, Hàn Quốc trong lĩnh vực may mặc và giày da. Theo tôi, để giảm các vụ TNLĐ thì việc đầu tiên, NLĐ phải biết mạnh dạn từ chối những công việc không an toàn. Bên cạnh đó, các DN phải xem ATLĐ, tính mạng của NLĐ là một công tác nhân văn, nhân đạo, là yếu tố  xây dựng thương hiệu và khẳng định sự sống còn của DN. Có như vậy, NLĐ mới toàn tâm, toàn ý, an tâm sản xuất”.
Quỳnh Mai- Văn Thanh / Phụ Nữ
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong năm 2009 đã xảy ra 6.250 vụ tai nạn (có 507 vụ TNLĐ chết người), nguyên nhân do người bị nạn vi phạm không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) và không có PTBVCN chiếm 10,63% tổng số vụ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)