Trong mấy tháng qua, ngành công nghiệp báo chí của Mỹ đi vào giai đoạn suy thoái, mà nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế ảm đạm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, từ đó lợi nhuận do quảng cáo đem lại và nuôi sống các tờ báo đã giảm đi rất nhiều. Nhiều đài truyền hình, đài phát thanh, báo in đã phải cắt giảm nhân viên, thu hẹp phạm vi hoạt động để sống còn qua giai đoạn khó khăn này.
Một số nhật báo thuộc vào hàng “top 50” ở Mỹ (trên tổng số khoảng 1.200 nhật báo trên toàn liên bang) cũng đã phải đóng cửa, hoặc rút vào hoạt động chỉ trên ấn bản online; chưa nói đến những nhật báo địa phương, báo cộng đồng… hằng hà sa số đã “tự” đình bản. Trong 3 tháng đầu năm 2009, 4 chủ sở hữu của 33 nhật báo ở Hoa Kỳ đã phải xin phá sản. Một loạt các tờ báo khác đang bị rao bán.
Những tờ báo đã “chết” và những tờ “sắp chết”
Xin điểm lại một số nhật báo ở Mỹ từng “nổi đình nổi đám” nay đã phải im hơi lặng tiếng.
* Nhật báo Rocky Mountain News đình bản
Tờ báo lâu đời nhất của thành phố Denver, thủ phủ tiểu bang Colorado là Rocky Mountain News phát hành số thứ sáu 27.2.2009 là số cuối cùng. Sau đó, báo đình bản. Nhật báo này phát hành số đầu tiên vào ngày 23.4.1859, như vậy đã tồn tại 150 năm, kể cả một lần bị nạn lụt cuốn trôi tòa soạn sau khi khai trương mới có 5 năm.
Rocky Mountain News đã 4 lần đoạt giải Pulitzer. Báo có số lượng phát hành lên tới hơn 400.000 bản vào thời kỳ cao điểm, nhưng rồi đã giảm xuống còn 210.000 bản cho số hàng ngày và 457.000 cho số cuối tuần do sự cạnh tranh của đối thủ là tờ The Denver Post về mặt độc giả cũng như quảng cáo.
Chủ sở hữu của Rocky Mountain News là Công ty E.W. Scripps Co. cho biết là tờ báo đã lỗ 16 triệu USD trong năm 2008 và công ty không thể tìm được người mua. Chủ tịch của Scripps là ông Rich Boehne tuyên bố Rocky Mountain News đã trở thành nạn nhân của thời đại đổi thay trong ngành công nghiệp báo chí và những thách thức kinh tế to lớn. Nhật báo này là tờ báo mới nhất – và cũng là lớn nhất – bị đóng cửa giữa cơn suy thoái kinh tế vốn đã khiến ngành công nghiệp xuất bản lao đao. Số phát hành cuối cùng của Rocky Mountain News là một ấn bản đẹp, gồm 52 trang và được phát hành 350.000 tờ.
* Nhật báo Seattle Post-Intelligencer chỉ duy trì ấn bản online
Chỉ 3 tuần sau khi tờ Rocky Mountain News đình bản, đến lượt nhật báo Seattle Post-Intelligencer ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington, phát hành bản in cuối cùng vào ngày 17.3.2009, sau đó chỉ còn duy trì ấn bản online mà thôi. Tập đoàn Hearst Corp., chủ nhân của nhật báo này đã không tìm được người mua lại tờ báo. Hearst Corp. đã thông báo từ hồi đầu năm 2009 là họ rao bán nhật báo Seattle Post-Intelligencer, nhưng không tìm được người mua.
Kể từ năm 1983, nhật báo Seattle Post-Intelligencer chia sẻ chi phí hoạt động về mặt quảng cáo, in ấn và những chức năng không liên quan đến tin tức với đối thủ là nhật báo The Seattle Times. Hai bên làm việc qua một thỏa thuận hợp tác. Thế nên lần này, việc cho nghỉ việc nhân viên tòa soạn chỉ ảnh hưởng đến 167 người thuộc bộ phận nội dung của báo.
Nhật báo Seattle Post-Intelligencer ra đời năm 1863 và Hearst trở thành chủ nhân kể từ năm 1921. Theo Văn phòng Kiểm toán về số lượng phát hành thì nhật báo có số bán ra hàng ngày là 117.000 tờ. Seattle Post-Intelligencer bắt đầu lỗ kể từ năm 2000 và năm ngoái, họ lỗ 14 triệu USD. Hearst Corp. là một công ty truyền thông lớn, sở hữu nhiều đài truyền hình, nhật báo và tạp chí, kể cả tờ Cosmopolitan.
* Nhật báo Christian Science Monitor cũng chuyển qua online
10 ngày sau đó, đến lượt nhật báo Christian Science Monitor tuyên bố phát hành bản báo in lần cuối vào ngày 27.3.2009, chấm dứt hoạt động nhật báo 100 năm qua và bắt đầu ấn bản online. Nhật báo có trụ sở ở Boston này hồi tháng 10 năm ngoái đã công bố dự định chấm dứt báo in để chuyển qua hoạt động bằng ấn bản trên mạng Internet.
Cũng giống như nhiều nhật báo khác ở Mỹ, Christian Science Monitor đã mất đi nhiều độc giả cũng như quảng cáo trên báo in trong những năm qua trước sự cạnh tranh của báo điện tử. Số lượng phát hành hàng ngày của Christian Science Monitor chỉ còn khoảng 50.000 bản vào lúc nhật báo này đưa ra quyết định dừng lại bản in nhật báo. Chủ bút John Yemma nói rằng, Christian Science Monitor vẫn sẽ tiếp tục in tuần báo cho những độc giả thuê bao cũng như sẽ tiếp tục gửi bản tin cập nhật hàng ngày 3 trang qua email cho họ. Tuy nhiên, báo sẽ tập trung vào ấn bản online trên trang Web CSMonitor.com. Ông Yemma cũng cho biết là báo đã cắt giảm từ 97 nhân viên hồi cuối năm ngoái để còn khoảng 80 người, nhưng vẫn duy trì 8 văn phòng ở hải ngoại cùng mạng lưới 6 văn phòng quốc nội bên ngoài Boston và Washington.
* Nhật báo Boston Globe đối diện với nguy cơ đóng cửa
Trong mấy ngày qua, việc thương thảo cắt giảm trợ cấp của công đoàn vẫn đang được tiến hành. Mà nếu không xong, công ty mẹ của nhật báo Boston Globe là New York Times Co. sẽ cho đóng cửa nhật báo này. Đây là nhật báo lớn có trụ sở tại thành phố Boston, bang Massachusetts, mà ấn bản hàng ngày hiện vẫn còn tới 350.000 tờ, tức chỉ giảm khoảng 30.000 tờ mỗi ngày so với năm ngoái. Nếu như phía công đoàn không chịu nhân nhượng, thì số phận của Boston Globe khá mù mịt.
New York Times Co. cho biết, việc thông báo đóng cửa nhật báo Boston Globe sẽ là một trong những quyết định khó khăn nhất. Công ty nói là tờ báo sẽ lỗ tới 85 triệu USD trong năm 2009 nếu không tiến hành việc cắt giảm chi phí 20 triệu USD. Nếu đình bản thì thành phố kỳ cựu Boston, một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục lớn nhất của khu vực bờ biển phía đông Hoa Kỳ sẽ không có một tờ nhật báo xứng tầm nào đại diện. Tin tức về nguy cơ nhật báo Boston Globe bị đóng cửa khiến Nhà Trắng quan tâm, nhưng cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng chính phủ có thể can thiệp giúp đỡ.
Boston Globe đã tồn tại 137 năm và được xem là một trong những nhật báo nằm trong top đầu các báo lớn của Mỹ, cạnh tranh với các nhật báo danh tiếng khác như Washington Post, Wall Street Journal, USA Today và New York Times. Những năm gần đây, nhật báo Boston Globe buộc phải cắt giảm dần chi phí điều hành, nhất là khi nguồn thu từ quảng cáo đã giảm mạnh, tác động đến doanh thu của hầu hết các tờ báo. Lần này, ngoài khoản cắt giảm 20 triệu USD chi phí điều hành, một trong những bất đồng giữa hai bên nữa là yêu cầu bỏ khoản bảo đảm việc làm, vốn sẽ ảnh hưởng đến hơn 400 nhân viên của tờ báo.
Nhiều tờ báo in nổi tiếng của Mỹ đã phải đình bản chỉ còn duy trì ấn bản báo điện tử – Ảnh N.Thanh |
* Hai “ông kẹ” là New York Times và Washington Post cắt giảm chi phí
Cũng trong tháng 3 vừa qua, hai nhật báo lớn của Mỹ là tờ New York Times và Washington Post đã công bố việc cắt giảm chi phí sản xuất để đối phó với tình trạng doanh thu quảng cáo ngày một giảm sút. The New York Times tuyên bố cắt giảm 100 nhân viên. Những nhân viên không là thành viên công đoàn sẽ bị giảm lương 5% trong 9 tháng cộng với 10 ngày nghỉ không lương. Biện pháp này sẽ giúp giảm chi phí khoảng 4,5 triệu USD. Trong khi đó, The Washington Post công bố một đợt mua lại cổ phần của nhân viên thuộc các bộ phận, và không loại trừ việc sa thải.
Hành động của 2 nhật báo lớn diễn ra vào thời điểm hầu như tất cả các loại báo in ở Hoa Kỳ đều đang gặp khó khăn. Họ phải giảm nhân viên khi số lớn độc giả quay sang đọc tin tức trên mạng. Một số nhật báo đã cho đình bản báo in để chuyển qua ấn bản trên mạng.
Bên cạnh đó, một loạt các nhật báo lớn khác cũng đang gồng mình đối phó với những khó khăn tài chính. Đó là những tờ The Philadelphia Daily News, The Minneapolis Star Tribune, The Miami Herald, The Detroit News, The San Francisco Chronicle, The Chicago Sun-Times, The New York Daily News…, trong đó, một số đã nộp hồ sơ xin bảo vệ phá sản.
Nên chọn cả hai hay chỉ online?
Theo nghiên cứu của Pew Research Center, ngày càng có nhiều người Mỹ thích đọc tin tức trên mạng hơn (vì khỏi trả tiền) thay vì phải mua báo hoặc tạp chí. Điều này còn gia tăng nhiều hơn qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, khi mà hầu bao của dân Mỹ buộc họ phải xem lại mọi thứ, kể cả việc sử dụng các loại xe hơi “uống xăng như uống nước” trước đây.
Theo tạp chí Columbia Journalism Review phát hành trung tuần tháng 4.2009 thì kết quả một nghiên cứu của Martin Langeveld cho thấy, chỉ có 3,5% độc giả đọc tin tức hàng ngày trên các ấn bản online. Còn theo nghiên cứu của Pew Research Center thì có 6% đọc nhật báo online. Đa phần chỉ “viếng” qua Yahoo!, hoặc đọc lướt qua các tiêu đề quan trọng của tin tức cập nhật.
Các báo in đều đã nghiên cứu về khuynh hướng của độc giả. Thế nên, đại đa số đều chủ trương song song với các tờ báo in hàng ngày hay tạp chí, họ đều có thêm ấn bản online, mà từ đó, có thể cập nhật thông tin theo đòi hỏi của độc giả.
Tuy vậy, báo in vẫn luôn có những lợi thế truyền thống của nó, đặc biệt là từ 3 nguồn thu: Nguồn thu từ các quầy bán báo; Nguồn thu từ những người đặt báo tháng, báo năm (số lượng này ở các nước rất nhiều); Nguồn thu từ quảng cáo.
Hiện nay, nguồn thu của đa số báo online chỉ có từ khoản cuối cùng trong 3 khoản nêu trên, tức khoản quảng cáo. Và do chỉ có 1 nguồn duy nhất nên trong kinh doanh, điều này khá nguy hiểm. Đã có những báo online “lặng lẽ” rút lui êm thấm vì nguồn thu từ quảng cáo sút giảm đột ngột vì một nguyên nhân nào đó.
Một đặc điểm không thể chối cải của báo online là có bộ máy gọn nhẹ, nên chi phí thấp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu không thể tiếp tục in báo, thì nên chuyển hẳn qua online, hay là duy trì cả hai thứ: vừa báo in, vừa online?
Đã có nhiều nghiên cứu cho kết quả là, nếu chỉ thực hiện báo online mà thôi thì có thể giảm chi phí đến 50%, nhưng đồng thời, lợi nhuận giảm đến 75%. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện nay, nhiều công ty vẫn cố gắng tiếp tục duy trì cả báo in lẫn ấn bản online. Các nhà nghiên cứu của City University (London) nói rằng, nhiều tòa soạn đã “mất nhiều hơn được” khi quyết định ngưng in báo mà chỉ tập trung vào trang web mà thôi.
Có một điều chắc chắn là nghề báo không chết. Những nhà báo có thể sẽ phải thay đổi công việc và chuyển từ các tòa soạn qua các công ty truyền thông, thông tin. Nhưng có điều là hiện nay, thu nhập của những nhà báo trung bình ở Mỹ đang gặp khó khăn, cũng giống như nhiều ngành nghề khác.
Ngoại trừ những người nổi tiếng, hoặc những phóng viên trụ cột của các đài truyền hình, các nhật báo lớn, thì thu nhập trung bình của các nhà báo ở Mỹ khoảng từ 40.000 đến 50.000 USD/năm. Tại những tờ báo địa phương, và trong thời buổi hiện nay, việc kiếm một chân trong tòa soạn với mức lương như thế cũng là điều khó khăn, nhất là với những sinh viên mới tốt nghiệp.
Tuyết Linh (TTO)
Bình luận (0)