Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bao la tình mẹ!

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Bế và ông xã chuẩn bị bữa cơm chiều. Ảnh: V.Sơn

Một người mẹ chấp nhận xa nhà đi làm “osin” để đưa con vào đại học. Một người mẹ khác suốt 15 năm đẩy chiếc xe chè đi bán dạo để nuôi ba đứa con ăn học thành tài. Dưới mắt chúng tôi, họ quả là những người mẹ rất phi thường. Sự phi thường ấy vượt lên cả các danh hiệu, bằng khen về “Gương sáng người mẹ”, “Người phụ nữ vượt khó nuôi con học giỏi”… mà họ từng được trao tặng.
1. Ở cái vùng quê nghèo khó xã Diễn Thụ – huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, việc bà Đinh Thị Liễu có hai cô con gái thi đậu vào đại học là một điều rất đáng tự hào. Không tự hào sao được bởi gia đình bà Liễu thuộc dạng nghèo “rớt mồng tơi” mà “dám” đầu tư việc học cho con. Bà Liễu cho biết: “Đời mình đã khổ vì nghèo mà thiếu học. Thôi thì cứ gửi ước mơ vào con”. Cũng chính vì hoàn cảnh quá túng quẫn mà người chồng đành lòng dứt bỏ ba mẹ con bà Liễu ra đi biền biệt hơn 15 năm qua không thấy trở về. Vốn là một thanh niên xung phong, từng bị thương nặng nên sức khỏe của bà Liễu không còn đủ để ra đồng làm thuê, làm mướn như trước. Vì vậy, bà chọn việc bán rau ngoài chợ để kiếm sống. Ngày cô con gái út vào học cấp 3, cô gái lớn thi đậu vào Trường Trung cấp Nghiệp vụ tại Đà Nẵng cũng là ngày bà Liễu chấp nhận xa quê đi làm “osin” để nuôi cả gia đình. Bà bắt đầu làm “osin” từ Hà Nội vào đến Sài Gòn và hiện là tại KonTum. Được chủ cho ăn ở tại nhà nên lương mỗi tháng được bao nhiêu, bà đều dành dụm hết gửi về cho các con ăn học. Mỗi năm, mấy mẹ con bà mới được gặp nhau một lần trong dịp Tết cổ truyền. Bà kể: “Ngày được tin cô con gái út Phạm Thị Yên thi đậu vào Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM, tôi vui mừng đến không ngủ được. Dù biết đôi vai mình sẽ thêm gánh nặng nhưng tôi chấp nhận được tất cả”. Bản thân Yên, mỗi lần nhận được tiền mẹ gửi, nước mắt lại trào ra…  Có đôi lần xót xa cho mẹ tuổi già bệnh tật mà phải tha phương cầu thực, Yên quá đau lòng gọi cho mẹ, xin được nghỉ học. Rồi cả hai mẹ con cùng khóc trong điện thoại, bà nói với con: “Con mà nghỉ học mẹ còn khổ gấp trăm ngàn lần, nhất định con phải học xong đại học”. Không phụ lòng mong mỏi của bà Liễu, cả hai cô con gái đều học hành rất giỏi, nhận được nhiều suất học bổng của trường. “Tôi chỉ mong hai con ra trường có nghề nghiệp ổn định để đỡ cực nhọc hơn. Cuộc sống đã cho gia đình tôi nhiều thử thách. Nhưng  đó sẽ là nền tảng vững chắc cho hai con tôi bước vào đời sau này…” – Bà Liễu tâm sự như thế!
2. Bất kì ai gặp chị Nguyễn Thị Bế, 58 tuổi. ở xã Lương Hòa Lạc – huyện Châu Thành – Tiền Giang lần đầu cũng đều có một nhận xét: Chị có gương mặt rất hiền lành, phúc hậu nhưng vô cùng khắc khổ. Nhiều ngươi gọi chị là “người bán chè dạo có thâm niên”. Cũng phải thôi vì chị đã làm nghề này suốt 15 năm qua. Chị bảo: “Cũng nhờ có thâm niên nên tôi được khách hàng quen thương, chè tôi bán không có ngày nào ế. Nghề bán chè dù rất cực khổ nhưng tôi cảm ơn nó đã giúp cho gia đình tôi có được thành quả ngày hôm nay…”. Là con cả trong gia đình có 8 anh chị em. Do nhà nghèo nên chị phải nghỉ học sớm để đi làm phụ ba mẹ lo cho các em ăn học. Năm 1978, chị lập gia đình với anh Võ Văn Năm – một người hiền lành, siêng năng, chăm chỉ. Cuộc sống tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc. Chị cho biết: “Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, tôi vẫn quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Cứ lấy ngắn nuôi dài, bây giờ mình cực khổ thì sau này lớn tuổi sẽ được sung sướng khi các con có nghề nghiệp ổn định. Các con tôi đều rất ngoan ngoãn và hiếu thảo. Tôi học ít, lại bận  rộn nhiều việc mưu sinh nên các con tự bảo nhau học tập, đứa lớn dạy đứa bé. Chưa bao giờ tranh cãi với nhau hay vòi vĩnh mẹ mua bất cứ thứ gì. Bạn bè, thầy  cô ở trường biết hoàn cảnh của các  con tôi nên cũng thông cảm và giúp đỡ rất nhiều…”. Ba người con của chị chính là những tấm gương vượt khó học giỏi mà nhiều gia đình trong xã đã lấy đó làm gương cho con mình. Cả ba người con của chị đều thi đậu vào đại học, hiện đã có hai người tốt nghiệp ra trường, công việc ổn định. Cuộc sống gia đình chị giờ đã “dễ thở” hơn nhưng chị vẫn quyết định không bỏ nghề bán chè dạo. “Mười mấy năm sống với nghề này quen rồi, bỏ nó nghỉ ở nhà là bệnh ngay… Tôi sẽ gắn với nó cho đến khi nào không còn đủ sức khỏe…” – chị cười tươi cho biết như thế!
SƠN VĨNH – HOÀNG ANH

Bình luận (0)

Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bao la tình mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Long (Dustin Trí Nguyễn) đang chải tóc cho mẹ Lan (NSƯT Kim Xuân) 

Điều đọng lại ở mọi người sau khi xem bộ phim Huyền thoại bất tử của hãng phim Phước Sang là cái mênh mông của tình mẫu tử – tình mẹ con. Một thứ tình cảm thiêng liêng luôn ẩn chứa trong tâm thức mỗi con người, chỉ chờ chực để trào dâng. Điều đó làm ta cảm nhận hình như đây là sự gửi gắm của đạo diễn (kịch bản kiêm đạo diễn Lưu Huỳnh) hoặc đây là thông điệp của những người làm phim muốn nhắm đến. Như lời xác nhận của nghệ sĩ Phước Sang, Giám đốc hãng phim: “Tên bộ phim là Huyền thoại bất tử. Điều bất tử của tên bộ phim là tình mẹ, là tình mẫu tử. Đó cũng chính là thông điệp của bộ phim gửi đến khán giả”.

Mẹ Lan (NSƯT Kim Xuân) đưa Long (Lục Bá Thêm) đến trường

Đã có quá nhiều tác phẩm nghệ thuật từ thơ ca, âm nhạc, hội họa đến điện ảnh nói đến tình mẹ con. Chỉ hai câu thơ của ai đó “Ta đi hoang một đêm em giận ta một kiếp. Ta đi hoang một đời mẹ vẫn thứ tha …” hay ca từ trong bài Lòng mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào…” đủ để nói lên tình mẹ lớn lao và bao dung đến dường nào. Và tình mẹ trong Huyền thoại bất tử hiện hữu xuyên suốt bộ phim. Ngay cả hình ảnh người mẹ ruột (Đinh Y Nhung) không đủ can đảm và điều kiện nuôi dưỡng con ruột của mình nên đã đem bỏ bên hiên chùa. Người mẹ trẻ khóc theo từng tiếng khóc của con và chưa dám bỏ đi, cô phải đợi ai đó nghe tiếng trẻ khóc và ẵm đứa con đi, mới lặng lẽ rời xa trong nước mắt. Người xem chia sẻ nên không lên án mà thương cảm cho người mẹ trẻ bị lường gạt. Người xem hiểu rõ nỗi đau khổ của người đàn bà dại dột này. Hình ảnh đó toát lên tình mẹ hiện hữu trong mọi hoàn cảnh dù ở hoàn cảnh éo le nhất.

Sơn (Trần Bảo Sơn), gã buôn người đang nắm tóc Trinh (Trần Thiên Tú), cô gái mê chat bị đem bán cho bọn buôn bán phụ nữ

Tuy nhiên, sức mạnh của tình mẹ trong Huyền thoại bất tử là tình thương yêu của mẹ Lan (NSƯT Kim Xuân) dành cho Long lúc nhỏ (Lục Bá Thêm) và cả khi Long đã trưởng thành (Dustin Trí Nguyễn). Với sự diễn xuất tuyệt vời của NSƯT Kim Xuân trong những trường đoạn làm người xem xúc động đến rơi lệ. Hình ảnh mẹ Lan hàng đêm ngồi quạt, hát ru từng giấc ngủ cho con; hình ảnh mẹ Lan khóc cùng con trong những lần con bị bạn bắt nạt. Chi tiết, mẹ Lan lần đầu mang đôi giày mới cho con, bà phủi từng hạt bụi bám ở chân con. Long cười hạnh phúc. Sự diễn xuất rất thật của diễn viên nhí Lục Bá Thêm làm người xem nao lòng. Hình ảnh Long, một người bị thiểu năng trí tuệ khóc bên xác mẹ và kêu: “Mẹ đừng bỏ Long, mẹ đừng ngủ luôn” hay như cảnh Long nằm trong lòng mẹ (dù đã quá lớn) để được mẹ vuốt từng sợi tóc rối, đôi mắt của Long quá đỗi hiền từ và đầy ắp hạnh phúc… Tất cả những chi tiết, hình ảnh trong phim đã dẫn dắt người xem về với mẹ. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Những năm trước, phim chiếu tết của hãng Phước Sang thường giới thiệu những phim có chất hài, năm nay sao lại khác?”, nghệ sĩ Phước Sang cho biết: “Huyền thoại bất tử là bộ phim có tiếng cười, đó là tiếng cười hạnh phúc. Hạnh phúc khi còn có mẹ”. Tình mẹ là điểm nhấn của bộ phim, chảy suốt từ đầu đến cuối. Tình mẹ trong phim ấm áp ngay cả trong cơn mưa, trong giấc ngủ co ro bên hiên chợ… Tình mẹ bàng bạc, lãng đãng bao trùm bộ phim này.
 L.T