Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bạo lực học đường ám ảnh học sinh: Phụ huynh bất an

Tạp Chí Giáo Dục

Dù bạo lực học đường xảy ra ở hầu hết các trường nhưng phía trường học dường như thụ động hoàn toàn trong việc ngăn ngừa tình trạng này. Trong khi đó, phụ huynh phải tự tìm cách bảo vệ con em mình.

Người nhà của HS Trường THPT Lý Tự Trọng (Trà Vinh) đến trường “giải quyết” mâu thuẫn giữa các HS -  Ảnh: Lam Ngọc

Người nhà của HS Trường THPT Lý Tự Trọng (Trà Vinh) đến trường “giải quyết” mâu thuẫn giữa các HS – Ảnh: Lam Ngọc

Trường học không… kiểm soát được
 
 
 
Tôi ý thức rất rõ
việc bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp và cảm nhận được sự bất an mỗi ngày đưa con đi học
 
Một phụ huynh ở Q.12, TP.HCM
 

Một cán bộ quản lý của một trường trung học ở Q.8, TP.HCM, cho biết hầu hết các trường nghề không có giám thị, không có hình thức kỷ luật cụ thể nên khi học sinh (HS) đánh nhau hầu hết chỉ gọi ba mẹ vào đưa về chứ chưa có những biện pháp xử lý triệt để. “Đây cũng là một trong những lý do khiến bạo lực học đường ở các trường nghề ngày càng nghiêm trọng”, vị này nói.

Sau khi nhận phản ánh từ nhiều HS là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường ở trường trung học nói trên, chúng tôi làm việc với ông Đ.M.T, Trưởng phòng Đào tạo. Ông T. cho biết: “Hiện tại trường vẫn chưa nắm được những trường hợp đánh và bị đánh. Trường sẽ cho kiểm tra lập biên bản với những trường hợp vi phạm và đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp. Với những HS bị bạo lực học đường, chúng tôi sẽ cho các em đi kiểm tra sức khỏe, giám định thương tích. Những việc làm của chúng tôi sẽ khách quan và bí mật để đảm bảo an toàn nhất cho HS”.
Ngoài ra, theo các nhà trường, hầu hết các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng thường diễn ra ở ngoài nhà trường nên trường không thể kiểm soát được. Một giám thị ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.3, TP.HCM, cho biết khi HS đánh nhau nhà trường hoàn toàn không hay biết. Chỉ đến khi công an tới trường lấy lời khai và yêu cầu nhà trường phối hợp điều tra vụ việc thì trường mới biết.
HS của một trường THCS ở Q.8 cho biết: “Khi bị đánh trong trường thì cũng có báo nhưng khi giáo viên đến hiện trường thì mọi việc đã xong, các bạn đã giải tán. Chỉ những vụ đánh nhau lớn trong trường gây thương tích nặng thì thầy cô giám thị mới xác minh, yêu cầu HS làm tường trình, viết kiểm điểm, gọi ba mẹ lên trường. Cao lắm là đình chỉ hoặc đuổi học. Tuy nhiên, khi bị phạt các bạn này lại thêm thù ghét và tìm cách đánh ở bên ngoài”.
Chính sự không sâu sát từ phía nhà trường nên cho dù thực tế xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, nhưng theo ghi nhận từ trường và các cơ quan chức năng, hiện tượng này là… rất ít. Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, có rất ít những vụ bạo lực học đường được báo lên sở. Con số chỉ tính trên đầu ngón tay. Nguyên nhân, theo bà Hồng Anh, có thể là không có hoặc có mà trường không phát hiện và không đưa lên nên hiện tại các trường chỉ giáo dục HS về bạo lực học đường bằng tuyên truyền giáo dục qua những buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chuyên đề…
Khi cha mẹ ủng hộ con… đánh nhau
Những vụ đánh nhau giữa các HS nhiều khi diễn tiến phức tạp hơn, gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn khi có sự tham gia của cả người lớn. HS một trường THPT ở Q.3 kể: “Bị đánh, có bạn tức giận gọi điện kêu người nhà lên giải quyết. Chỉ 10 phút sau 6 xe máy chạy đến gần cổng trường, 12 người lao vào hỏi tội một nữ sinh… Trong số những người này có cả mẹ của HS”. Việc phụ huynh thấy con bị đánh liền tới tận trường để “dằn mặt” HS đánh con mình không phải là chuyện hiếm.
Th. và D. (HS một trường THCS ở Q.8) đánh nhau. Do tức giận nên D. điện thoại gọi người nhà lên giải quyết. Khoảng 10 phút sau, 6 chiếc xe máy lần lượt đậu ngoài cổng trường. Anh, chị và cả mẹ D. cầm dao đứng đợi khiến Th. không dám ra khỏi cổng trường. Đến gần 2 giờ chiều, Th. nghĩ là nhóm bao vây mình đã về hết nên lấy xe đạp đi về. Tuy nhiên, vừa ra tới cổng, Th. đã bị cả nhà D. vây đánh. Lúc đánh, mẹ của D. liên tục chỉ đạo và hỏi Th.: “Mày không biết con tao là ai hay sao mà dám đánh?”. “Nhìn cảnh ấy, nhiều người đi đường bức xúc nhưng không ai lại can. Em cũng chỉ dám đứng núp trong hẻm nhìn vì sợ bị đánh”, một người bạn của Th. nhớ lại.
HS này kể thêm: “Ngày hôm sau Th. kéo người thân lên tính sổ. Tuy nhiên, vì đã lường trước nên gia đình D. hộ tống con đến tận trường và cử một người anh ngồi trực ở cổng trường bảo vệ. Ngày hôm đó hai bên xảy ra xô xát lớn khiến anh trai D. bị chém gần đứt cánh tay. Từ đó, mâu thuẫn giữa 2 HS trở thành mâu thuẫn của 2 gia đình. Cuối cùng để yên ổn, Th. xin chuyển trường và phải bồi thường cho D. 17 triệu đồng”.
Vừa mới đây tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Trà Vinh), chúng tôi chứng kiến cảnh 2 nữ HS trường này xích mích nhau, một trong số đó điện về báo cho phụ huynh tới “giải quyết”. Một lát sau người nhà của HS có mặt tại trường. Tuy nhiên, những người này chỉ quẩn quanh ở cổng trường, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Riêng 2 HS thì bị nhà trường nhắc nhở, buộc viết tường trình.
Hội phụ huynh phải… thuê bảo vệ ngầm
Một trường THCS ở Q.12 nằm ngay sát với cơ quan công an, nhưng nhiều năm nay trường này vẫn luôn “nóng” về vấn nạn bạo lực học đường. Ông Nh., trưởng ban đại diện cha mẹ HS của một lớp trong trường này, cho rằng khi trường học ở gần ngay cơ quan công an nhưng tình trạng HS đánh nhau vẫn “nóng” thì phụ huynh phải chủ động trong việc bảo vệ con em mình. “Tôi ý thức rất rõ việc bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp và cảm nhận được sự bất an mỗi ngày đưa con đi học. Vì vậy, tôi đã đề nghị hội phụ huynh đóng tiền hằng tháng để thuê thêm 2 bảo vệ ngầm nhằm theo sát và phát hiện những vụ bạo lực học đường sớm và tìm cách ngăn chặn kịp thời”, ông Nh. cho biết.
Ông Nh. nói thêm: “Bảo vệ chúng tôi thuê không nhất thiết phải mặc đồng phục nhưng luôn túc trực khi ở trường còn HS. Hễ phát hiện tình huống bất thường là bảo vệ lập tức báo cho chúng tôi để phối hợp với phòng giám thị, phòng bảo vệ và ban giám hiệu nhà trường kịp thời can thiệp, phối hợp xử lý”.
Việc làm này của hội phụ huynh trường THCS trên đã thực hiện được hơn 2 năm nay. Nhiều lần bảo vệ phát hiện và tịch thu dao, dụng cụ hỗ trợ… Tuy nhiên, theo hầu hết phụ huynh đây chỉ là biện pháp tình thế, không thể duy trì lâu dài.
Ảnh hưởng từ phim, truyện không lành mạnh
Phường 9 hiện nay có tới 13 tiệm internet hoạt động suốt ngày đêm. Cha mẹ không thể theo sát chân con nên khi con chơi, họ cũng không thể nào kiểm soát được. Xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực của HS hiện nay bị ảnh hưởng khá nhiều từ những thể loại phim, truyện không lành mạnh. Bạo lực học đường thường đi theo nhóm và thường làm theo sự chỉ đạo của một HS “thủ lĩnh”. Phụ huynh cần để ý, quan tâm tới con em mình để kịp thời giúp con em khỏi sự khống chế, lôi kéo của những “đại ca” ở trường học. (Võ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.3, TP.HCM)

“Đại ca” thật sự thường không… ra mặt

Những băng nhóm trấn lột, rủ rê thường hoạt động có tổ chức và kín đáo ở gần trường nên rất khó nhận diện. Chúng tôi khuyến cáo HS sau giờ học không đứng ngoài khu vực cổng trường khuất tầm nhìn của bảo vệ để đảm bảo an toàn. Hầu hết các “đại ca” thật sự không ra mặt mà chỉ sai khiến những HS khác thực hiện. Để không trở thành tay sai cho những HS côn đồ, HS cần tỉnh táo trước sự lôi kéo, sai khiến để không trở thành tội phạm ở tuổi học đường một cách mù quáng. (Nguyễn Ngọc Phú, Tổ trưởng tổ giám thị Trường THCS Lê Lợi, Q.3)

Lam Ngọc (TNO)

 

Bình luận (0)