Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bạo lực học đường: Khoảng trống giáo dục pháp luật trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Lại thêm một video clip học sinh nữ đánh nhau được tung lên mạng gây bức xúc trong dư luận. Hình như việc xông vào đánh bạn, xé áo, quay phim đã trở thành chuyện thường ngày trong giới trẻ hiện nay. Thế nhưng việc đưa pháp luật vào trong nhà trường dù thực hiện từ lâu, nhưng vẫn gần như… không có.
Có thể nói, nổi bật trong năm 2010 là năm “được mùa” các clip nữ sinh ẩu đả. Chỉ với cụm từ “nữ sinh đánh nhau” tra trên Google trong 0,10 giây đã cho ra 1.660.000 kết quả.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, số liệu được Bộ GD-ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau…
Ngoài những nguyên nhân từ phía vô trách nhiệm của gia đình, sự thờ ơ của xã hội cùng các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực thì một khía cạnh ít được đề cập tới, đó là việc đưa pháp luật vào nhà trường còn mờ nhạt.
Mặt khác, không ít thầy cô khi được hỏi đều chia sẻ, chương trình học tập nặng nề hiện nay cũng khiến HS không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ, đội nhóm nhằm rèn luyện nhân cách. Bản thân thầy cô cũng bị áp lực dạy nặng nề nên buông lỏng việc “dạy làm người”. Đây chính là lý do tại sao nhiều HS không có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, giải quyết xung đột nảy sinh, tâm sinh lý dễ xúc động, thiếu kiềm chế. Trong khi các bài giảng về dạy người, dạy kỹ năng sống còn sơ sài, qua loa. Mặc dù việc đưa pháp luật vào trường học đã được thực hiện từ năm 1987 (lồng ghép vào môn GDCD) nhưng chỉ được xem là môn phụ. Tuy nhiên, bộ môn GDCD đã phải “gánh” thêm quá nhiều nội dung khác, như: Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục về an toàn giao thông, giáo dục chính sách quốc phòng…
Vì thế, nhiều giáo viên cho biết việc giảng dạy nhiều lúc rất nặng tính hình thức khi mà mỗi tuần chỉ có một tiết GDCD trong khi chương trình lồng ghép thì dạy khi bài nào đó có nội dung tương tự hoặc liên quan. Có nội dung học sinh chỉ học đúng một lần trong năm.
Ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp cho biết: Môn pháp luật được đưa vào nhà trường từ hơn 20 năm trước nhưng vấn đề là vì người ta vẫn quan niệm đây là môn học phụ nên xem nhẹ nó, đến nỗi tưởng như… không có. Thêm nữa, có một thực tế, đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn pháp luật, GDCD còn thiếu nhiều. Tình trạng dạy không đúng chuyên môn ở THCS, THCN còn phổ biến, đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật, báo cáo viên pháp luật còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn. Theo bà Đặng Thị Thu Huyền, Vụ Pháp chế – Bộ GD-ĐT không ít hiệu trưởng còn khá hờ hững với việc phổ biến pháp luật, đặc biệt với những giờ ngoại khóa. Thêm nữa, ngoài đội ngũ giáo viên, SGK, giáo trình thiếu hụt trầm trọng thì việc học “chay” cũng làm cho môn học đã kém hấp dẫn càng không thu hút được học sinh.
Dường như có một điều tréo ngoe, khi dạy và học môn GDCD, môn học nhằm rèn luyện phẩm chất, tư cách một con người mà giống như “chạy sô” thì hiệu quả đạt được là gì(?). Hơn nữa, những bài giảng của thầy cô trong trường cho dù có súc tích đến đâu mà bản thân học sinh không khao khát được nghe thì những điều ấy cũng giống như lâu đài xây trên cát.
Điều quan trọng, không phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức mà ngành giáo dục cần khơi dậy trong mỗi học sinh ngọn lửa trái tim, lòng nhân hậu và một sự tự ý thức chấp hành pháp luật bởi ngoài gia đình, nhà trường cũng là một trong những cái nôi đầu tiên hình thành nhân cách mỗi con người, để những vụ việc đau lòng không đáng có không còn xảy ra ở môi trường học đường…
Thời gian này, vấn nạn bạo lực học đường gia tăng mạnh đang làm dư luận xã hội bức xúc. Thay vì trách móc con trẻ, người lớn hãy thẳng thắn nhìn lại chính mình để thấy rằng đây là hệ quả của việc giáo dục thiên lệch – nặng về kiến thức mà xem nhẹ những bài học về tình yêu thương và sự chia sẻ…
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)