Những ngày gần đây, dư luận phẫn nộ trước clip một nữ sinh ở TP.HCM bị đánh hội đồng. Trước đó, nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) cũng đã diễn ra. Gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm rất nhiều vấn đề này nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra được liều thuốc đặc trị…
Tiết học môn giáo dục công dân nói về tình trạng bạo lực học đường của thầy trò Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM. Ảnh: A.Khôi |
Có HS là… có đánh nhau
Theo đó, clip dài khoảng 2,5 phút, quay cảnh nạn nhân bị một số người đánh thẳng vào mặt, đá vào người, kéo tóc… Đánh xong, nạn nhân còn bị bắt liếm chân. Được biết, nhóm đối tượng này còn kéo lê nạn nhân đến một góc khác, chích thuốc vào tay. Trong clip, nạn nhân không hề phản kháng mà chỉ biết quỳ gối xin tha.
Sau khi clip phát tán (ngày 27-10), công an đã vào cuộc điều tra. Theo đó, đến ngày 31-10, Công an huyện Nhà Bè cho biết đã triệu tập được nạn nhân và 14 đối tượng tham gia trong clip trên để làm rõ sự việc. Điều tra ban đầu, nạn nhân bị đánh hiện là HS của 1 trường trung cấp, tất cả các đối tượng liên quan đến vụ việc này không phải là HS của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè.
Trước đó, đầu năm 2016, clip một nam sinh mặc đồng phục lao vào đấm đá một nữ sinh, nữ sinh này cũng bật lại “trả đòn” liên tục ở sân bóng đá, clip này đã được xác định là HS ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tháng 5, clip một nữ sinh bắt nữ sinh khác quỳ gối rồi tát vào mặt bạn nhiều cái, clip này được công an điều tra xác định nữ sinh đánh bạn chỉ mới học lớp 9 của một trường phổ thông dân tộc nội trú ở tỉnh Lạng Sơn. Khoảng cuối tháng 8, nhóm HS một trường phổ thông dân tộc bán trú ở Nghệ An đã lao vào đánh nhau do mâu thuẫn cá nhân khiến 3 nạn nhân phải nhập viện cấp cứu. Cũng khoảng thời gian này, clip dài 3 phút ghi lại cảnh nạn nhân là một nữ sinh ở Hải Dương bị nhóm bạn lao vào đánh túi bụi, nữ sinh chỉ biết khóc lóc và cúi đầu van xin…
Hậu quả nặng nề “Nạn nhân của BLHĐ rất đáng thương. Trước hết, nạn nhân bị thương tích về thể chất, tinh thần dẫn đến đau đớn, hệ thần kinh bị tác động làm các em có nguy cơ bị nhút nhát về sau. Hậu quả trầm trọng hơn nữa là các em phải gánh chịu hậu quả tâm lý, tinh thần bị ám ảnh suốt cuộc đời. Những hậu quả này cộng hưởng có thể làm trẻ trở thành người hèn nhát, sẵn sàng đầu hàng khi chưa chiến đấu, sống kiểu “nấp bóng” người khác, có hại cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Hoặc trẻ có thể phản ứng theo kiểu khác, người bị đánh trở thành lỳ đòn, sau này không còn cảm giác đau trên cơ thể mình, điều này có thể làm cho trẻ không thể đồng cảm với nỗi đau của người khác…”, TS. Võ Văn Nam nhấn mạnh. |
Tại Hội thảo Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ GD-ĐT tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua, các đại biểu đã đưa ra những số liệu “giật mình”. Đó là trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học; cứ khoảng trên 5.200 HS thì có 1 vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau.
Cho HS tham quan… nhà tù
BLHĐ diễn ra nhiều như vậy nhưng tại sao HS vẫn không thể trang bị cho mình những kỹ năng ứng phó?
Ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp về kỹ năng thực hành xã hội, Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ Thái Bình Dương cho biết: “Để tránh được BLHĐ, giáo dục trong gia đình là rất quan trọng. Phụ huynh đừng phó mặc con cho nhà trường, phải trao đổi, thấu hiểu con để có những giải pháp khắc phục kịp thời giúp con đề phòng, đối phó”.
Đối với những trẻ là thủ phạm gây ra BLHĐ, TS. Võ Văn Nam, nguyên Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, xét cho cùng các em cũng là những nạn nhân đáng thương. TS. Nam phân tích: “Các em thường bị ức hiếp do thiếu thốn tình cảm, tâm hồn không được bồi đắp. Các em thường co mình lại, đến một lúc nào đó lại “xù lên”, giương oai thị uy để thể hiện cái uy trước lực lượng yếu thế hơn mình. Do đó, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần vạch ra cho các em hướng đi đúng đắn, đâu là giá trị sống, đâu là mục đích thực sự của cuộc đời để các em thấy bạo lực không phải là phương pháp hữu hiệu để các em chứng tỏ bản lĩnh”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nhân cũng cho rằng đối tượng gây ra BLHĐ thường là những trẻ thiếu thốn tình cảm gia đình nên các em cần được quan tâm hơn. Với những trẻ chưa ngoan, địa phương cần tạo điều kiện để các em được tham gia những buổi báo cáo về giá trị sống, tổ chức các chuyến đi thực tế đến nhà tù quan sát để “đánh” vào tâm lý lo lắng của các em”.
TS. Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM cũng cho rằng cần sự chung tay hành động, ngăn chặn hành vi bạo lực của toàn xã hội. Trong đó trường học, gia đình phải trở thành giá đỡ, lá chắn cho HS trước thách thức của cuộc sống và rèn luyện nhân cách tốt. Thay vì nhồi nhét kiến thức, bắt HS học quá nhiều thì hãy tạo thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em học làm người, lĩnh hội những giá trị sống nhân văn…
Bản thân HS phải tự mình cứu lấy mình, theo TS. Võ Văn Nam thì: “Nạn nhân chỉ cần la lên sẽ có người đến cứu, cứ quỳ gối van xin làm theo mệnh lệnh thì đối phương lại càng hả hê, có thêm dũng khí để ức hiếp”. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ bị BLHĐ, TS. Nam cho rằng, trẻ cần phải trang bị cho mình kỹ năng mềm như kỹ năng phát hiện ra những tình huống chứa đựng nguy cơ BLHĐ, kiềm chế cảm xúc, ứng xử với những tình huống bất ngờ…
Dương Bình
Ba đối tượng dễ bị…BLHĐ Đối tượng dễ bị BLHĐ thường rơi vào những trường hợp sau: Đó là những bạn mới vào trường như lớp 5 mới vào lớp 6, lớp 9 vào lớp 10; Những bạn yếu đuối, nhút nhát, không dám phản xạ nên những “đầu gấu” cảm thấy an toàn khi “ăn hiếp”; Những bạn chưa có kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt như hay liếc… đểu, nói xấu bạn bè, có hành động gây gổ trước. Nếu biết mình có nguy cơ bị BLHĐ, các em quan sát có thể thấy mình là nạn nhân như bị bạn hăm dọa, có nguy cơ bị chặn đánh. Khi đó, phải báo với thầy cô giám thị, giáo viên, bố mẹ để đảm bảo an toàn của mình. Nếu không may rơi vào trường hợp đối phương không hăm dọa, trực tiếp bạo lực luôn thì nạn nhân nên quan sát xung quanh, có thể truy hô, chạy đến những bạn đứng gần đó, vào phòng giáo viên… Nếu ở ngoài đường thì nên chạy vào nhà dân, hàng quán… vì họ sẽ không để bạo lực xảy ra trong nhà mình, sau đó báo cha mẹ đến đón về. Trong trường hợp bị vây quanh bởi một nhóm ở sau sân trường, nếu gào thét được thì tốt hoặc chạy vào nhà dân, nhà vệ sinh đóng cửa, vừa truy hô “giết người” vừa bỏ chạy làm đối phương bất ngờ, sợ sệt không dám ra tay. Trường hợp đối phương có hung khí có thể gây nguy hiểm, nhìn biểu hiện môi trường xung quanh không thoát được phải nhún nhường, mềm nhất có thể có, đừng sợ bị nhục để đảm bảo tính mạng. Sau đó về kể với bố mẹ, đừng vì sợ trả thù mà giấu kín vì sẽ tiếp tục tiếp tay cho kẻ BLHĐ, lại hành xử “đầu gấu” với chúng ta. Về lâu về dài, để tránh BLHĐ, đối tượng nên đối thoại với đối phương xem bạn mình có xích mích gì. Những mâu thuẫn đều có nút thắt bên trong, gỡ đúng nút thì mâu thuẫn sẽ được hóa giải. Nếu không giải quyết được, hãy nhờ những trọng tài là thầy cô, bố mẹ. Nếu nhận thấy nguy cơ không báo cho ba mẹ hoặc ba mẹ không đến kịp thì nên đi cùng một nhóm, đi ở những chỗ đông người để dễ cầu cứu.
TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu |
Bình luận (0)