Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bạo lực học đường SOS: Bài 3: Nữ sinh… giang hồ

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, việc dùng vũ lực để “giải quyết” mâu thuẫn, nhằm tạo “thanh thế” hay “hỏi thăm” nhau giữa các HS nữ xảy ra thường xuyên. Đến mức làm dấy lên làn sóng dư luận về nạn bạo lực học đường của phái được xem là “chân yếu tay mềm”…

Khi “nữ quái” ra tay

Tại các trường THCS hay THPT, không ít nữ sinh lập hội, băng nhóm với những cái tên rất “kêu” như: Ngũ quái cô nương, Tứ quái, Hoa độc,… thường xuyên tổ chức những cuộc ẩu đả như phim hành động. Cách đây mấy tháng, cuộc “thanh trừng” của một nhóm học sinh cá biệt với một HS lớp 9 vì mâu thuẫn cá nhân làm chấn động trong giới học đường. Vụ việc xảy ra vào buổi trưa, khi tiếng trống trường vang lên, N.T.H. (một HS trường THCS ở Hóc Môn), náo nức ùa ra cổng trường tìm người thân để mau chóng về nhà. Từ phía sau, hai “nữ quái” tên Hồng và Lan (HS cùng trường với H.), dùng đá đập vào đầu, rồi lạnh lùng lấy dao lam thủ sẵn trong người rạch mặt H. như kẻ vô hồn, để mặc ngoài tai những lời van xin, khóc lóc vì đau đớn và run sợ của T.H. Theo lời bạn của H. lý do gây nên là do H. dám “lên mặt” với Hồng nên bọn họ phải dạy cho “biết lễ độ”.

Trường THPT. TC nổi đình nổi đám với nhóm Th., bởi nhóm này chỉ trong vòng 5 tháng đã gây ra 4 vụ đánh nhau với các HS trong và ngoài trường. Gần đây nhất, vào tháng 9-2008, do lúc M.D lấy xe đạp, vô ý đã làm đổ xe của N.K. (một thành viên trong nhóm Th.). Dù sau đó, M.D. đã xin lỗi N.K. nhưng N.K. vẫn còn ấm ức. N.K. vào mách với các thành viên trong nhóm, thấy vậy cả nhóm quyết “đòi lại công bằng” cho N.K. Buổi chiều tan trường, nhóm Th. chạy xe ra cổng trường tập trung trước, thấy M.D vừa đi ra cả nhóm nhào tới đánh “hội đồng”, xé tung hàng cúc áo của M.D. ngay trước cổng trường. Điều ngạc nhiên là khi M.D thì bị làm nhục ngay trước cổng trường nhưng nhiều học sinh có mặt lúc đó chỉ biết đứng nhìn. Thậm chí, có HS vỗ tay reo hò. Em Y.Tr., vừa quay mặt đi rồi nói với vào: “Ai chả sợ bọn chúng trả thù! Nhóm này dữ lắm, cả trường không ai dám đụng tới!”. Được biết, nhóm Th. có một thành viên tên K. có bạn trai là một phần tử côn đồ bên ngoài trường. Khi mới vào lớp 10, K. bị “bắt nạt”, K. đã nhờ bạn trai “giải quyết”. Do vậy sau đó cả trường phải trố mắt nhìn K. với vẻ sợ sệt. Từ đó, các HS khác đã tụ tập thành lập nhóm Th. và phong K. lên làm thủ lĩnh. Lúc đầu, nhóm Th. chỉ thích phô trương nên cứ HS nào mà “chảnh” hay “nhìn thấy ghét” là bị các chị “dạy cho biết đời”. Thậm chí cả HS nam cũng nhiều phen bị “các chị” “chào hỏi” bằng nắm đấm. Thành phần nhóm này chủ yếu là con em gia đình khá giả nên chủ đích không phải vì tiền mà chỉ muốn khẳng định mình. Hình thức hành động của nhóm này là hành xử bằng nắm đấm, túm tóc, xé áo. Địa điểm mà nhóm chọn để ra tay là nhà vệ sinh, trước cổng trường hay điểm khuất trên đường đi học…

Trường THPT Q., lâu nay nổi tiếng phái nữ “lên ngôi”. Th.T. là một cô gái chăm học, tuy tính nóng và nói năng hơi “mạnh miệng”, sau một sự cố gia đình, T. đã thay đổi hẳn. Thấy ai T. cũng chửi, cũng muốn đánh, ăn nói với các bạn trong lớp thì sặc mùi chợ búa. Thấy vậy, nhóm C. lên kế hoạch ra ngoài cổng trường đánh “dằn mặt”. Tan trường khi nhóm C. vừa tiến đến xô xát qua lại, thì T. chạy nhanh đến quán nước mía vớ con dao thủ sẵn. Tưởng T. không dám sử dụng dao, nhóm của C. đã lao vào cuộc chiến. Nhóm của C. thấy T. chống trả quyết liệt và có “hàng nóng” nên bỏ chạy. Nhưng T. cũng đã kịp vung dao chém vào một cánh tay của một thành viên trong nhóm C.. Sau vụ đó, thấy T. có “máu” giang hồ nên nhóm C. đã tự động đến giảng hòa và phong T. lên làm trưởng nhóm. Vừa qua cả nhóm C. đã bị đuổi học vì hành vi côn đồ.

Nỗi ân hận muộn màng

Nói đến lý do khiến các nhóm tuổi học trò hành xử theo kiểu xã hội đen thì rất nhiều nhưng toàn những lý do chẳng đâu vào đâu. Nào là “đánh cho bõ ghét”, đánh để “khẳng định”, để “phân tranh” địa bàn hay đánh vì ghen tuông… Trong phút bốc đồng, nông nổi hay muốn “thể hiện”, rất nhiều HS đã có những hành động quá khích, không kiềm chế được bản thân đã gây nên những hậu quả khôn lường. Không ít HS là người trong cuộc hay chỉ là nạn nhân, đã phải vào viện, nghỉ học, đứng trước vành móng ngựa và thậm chí nhiều người đã vĩnh viễn ra đi.

Sau khi bị nhà trường đuổi học, cánh cửa tương lai khép dần lại, ngoài những nỗi ân hận muộn màng, các cô nữ sinh ngày nào ngang tàng, ngỗ ngược, xem trời bằng vung, thì hôm nay đã phải bật khóc trong niềm nuối tiếc. Cô L., sau khi đánh nhau nhiều lần, nhà trường buộc phải cho L. thôi học. Ra ngoài xã hội L. lại đàn đúm, chơi bời với những thành phần xấu, hiện L. đã mắc căn bệnh thế kỷ HIV. 20 tuổi, cái tuổi lẽ ra L. phải ở giảng đường thì L. lại phải đối diện với cái chết đang đến dần với mình. “Giá như, ngày đó em nghe lời cha mẹ, thầy cô, bạn bè thì không phải như hôm nay. Giờ đây em biết phải làm gì khi cái chết đang ngày càng đến gần”?.

Con trẻ do nông nổi đã gây nên những sự việc đau lòng, còn những người làm cha làm mẹ thì sao? Chị Thanh Hà mẹ cháu T. cho tới giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết đứa con mà chị hết mực yêu thương lại phạm tội. Chị Thanh Hà nói: “Thấy cháu đi học bình thường, ai ngờ có chuyện đàn đúm, tụ tập đánh nhau. Đã gần một tháng nay tôi không ăn, không ngủ được vì con”. Còn Anh T.P. thì nói như thể tự trách mình: “Ngày trước do vợ chồng tôi đi làm từ sáng đến tối, phó mặc việc chăm sóc cháu cho nhà trường. Cháu đã bị những phần tử xấu lôi kéo, và ảnh hưởng thói hư tật xấu trong các trò chơi điện tử, phim ảnh không lành mạnh. Khi chúng tôi nhận ra thì cháu đã trượt dài như xe xuống dốc không phanh. Vợ chồng tôi đành bất lực. Hậu quả là cháu bị đuổi học và bị đưa đi học tập tại trường giáo dưỡng”.

Hiện nay bạo lực học đường xảy ra thường xuyên. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về những HS gây nên những hành động điên rồ đó. Tuy nhiên, nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp căn cơ hay hợp tác nhằm răn đe giáo dục các em không đi vào con đường phạm tội.

Văn Mạnh

Bình luận (0)