Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Bạo lực học đường tại Pháp: Thầy giáo kiên trì bám trường bám lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Các thầy giáo vẫn muốn thực hiện tốt chức năng của mình dù bất cứ tình huống nào (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Năm qua, ngoại ô Paris đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng và kéo dài, nhưng trong bất cứ tình huống nào, các thầy cô giáo ở đây vẫn bám trường bám lớp để thực hiện tốt chức năng của mình.
Giờ ra chơi, không khí tại các hành lang của Trường Tiểu học Jean-Vigo, ngoại ô Paris rất náo nhiệt! Trong văn phòng Ban giám hiệu, cuộc diễu hành của các thầy cô giáo, giám thị, phụ huynh đến khiếu nại, báo cáo… đang diễn ra, một bà mẹ đến thưa việc con bà bị một học sinh (HS) trường khác đánh. Một chủ nhiệm đến báo cáo xin cho tạm nghỉ học hai em HS chửi nhau trong lớp. Một thầy giáo đến đề nghị đuổi học 3 ngày một HS quậy phá khiến lớp không học được. Thầy Hiệu trưởng Gerard Benozio ngồi thở dài. Ông biết quá rõ tác giả của những sự cố ấy, và cho rằng đó là sự “căng thẳng bình thường” của một trường học.
Thật vậy, ở nơi khác còn có những việc nghiêm trọng hơn. Ngày 8-1, một HS bị bạn đâm chết ở Trường Trung học Kremlin-Bicêtre, phía Nam Paris. Ngày 24-11-2009, trong một lần đi thăm một trường ở ngoại ô Paris, Tổng thống Sarkozy nói: “Chúng ta không thể chấp nhận việc HS đi học mang theo thanh sắt và mỏ lết. Nếu cần, phải tiến hành khám xét khi các em đến trường”. Xu hướng “boong ke hóa” ở các trường là tất nhiên, kể cả lưới sắt, camera. Tại vùng ngoại ô Paris, từ tháng 10-2009 đến nay, các toán an ninh lưu động kết hợp với người hòa giải sẵn sàng can thiệp khi quanh trường có chuyện lộn xộn. Nhiều hiệu trưởng còn được tập huấn để đối phó với tình trạng bạo động.
Trường Epinay thì mang dáng vẻ của một trại lính. Cổng có người gác và rào chắn kim loại để kiểm tra người ra vào, nhưng trước hết là để ngăn HS trốn học giữa giờ. HS trốn học thường là những em từng bị đưa ra Hội đồng kỷ luật. Ở Pháp, mỗi năm có khoảng 6.000 HS bị kỷ luật. Một thầy hiệu trưởng nói: “Năm qua trường chúng tôi đã họp Hội đồng kỷ luật 6 lần, quyết định đuổi học 5 em”.
Cảnh sát thường đến Trường Tiểu học Georges Brassens để nhận diện HS trên camera do nhà trường đặt. Theo Hiệu trưởng Mireille Durafour, trường thường bị đột nhập vào ban đêm, vào đầu và cuối tuần HS đi học bằng xe buýt cũng bị ném đá. Đầu tháng 12-2009, nhà trường đã kêu cứu, yêu cầu “hàng rào phải cao hơn và tăng thêm giám thị”. Tình trạng bất an này có nguyên nhân từ sự kình địch giữa hai băng nhóm gần trường, bắt nguồn từ một vụ hiếp dâm cách đây 12 năm. Sau một thời gian yên tĩnh, các vụ xung đột lại nổ ra cách đây 2 năm. Từ đó, các băng nhóm thuộc nhiều trường khác nhau liên kết thành hai phe, lấy Trường Tiểu học Georges Brassens làm “chiến trường”, đấu đá nhau liên miên. Các thầy giáo sợ trả thù nên không dám lên tiếng, và tự các thầy cũng phải trang bị cho mình vũ khí thô sơ.
Trước tình trạng bạo lực học đường diễn ra ở nhiều nơi, thầy Hiệu trưởng Trường Epinay vẫn tỏ ra lạc quan khi bày tỏ quan điểm: “Biện pháp an ninh cơ bản phải nằm ngay trong chương trình dạy, nghĩa là bằng giáo dục. Thầy cô phải tìm hiểu, theo dõi, kiểm tra việc học tập và sinh hoạt hàng ngày của HS. Trường của chúng tôi hiện nay đã yên tĩnh hơn, HS ngoan hơn rất nhiều”. Ông nhắc lại: “Hồi thế kỷ 19, có kỵ binh đen của nền Cộng hòa đi khắp nước Pháp để dạy chữ cho người dân ở miền quê. Ngày nay cũng vậy thôi, để đi đến trường an toàn, tôi phải đi vòng qua các ga có an ninh tốt. Nhà nước cần bảo đảm an toàn cho thầy giáo để các thầy an tâm công tác”.
Vai trò của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Ở Epinay chính quyền tài trợ nhiều cho công tác theo dõi việc học của HS tại các trường. Em nào bỏ học dù một buổi cũng có người đến nhà hỏi lý do. Để chống lại nạn bỏ học, chính quyền tổ chức “trường học cho cơ hội thứ hai” (Paris có 11 trường như thế), sẵn sàng tiếp nhận các em bỏ học, miễn là chúng “chấp hành nội quy”. Cách tổ chức này đòi hỏi nhiều kinh phí, nên với tình hình hiện nay, sẽ rất khó khăn.
Cuộc đấu tranh chống bạo lực học đường ở Pháp hiện nay còn khá gay go, nhưng với quyết tâm và cách làm đúng của các cấp chính quyền, tình hình sẽ được cải thiện và nạn bạo lực học đường nhất định phải chấm dứt.
(Theo Courrier international
Phan Thanh Quang

Bình luận (0)