Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bạo lực học đường vào… bài thi

Tạp Chí Giáo Dục

“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình” (Đời thừa – Nam Cao). Từ quan niệm trên, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về “kẻ mạnh” trong mối quan hệ giữa người và người.
Đó là một trong những nội dung của Đề kiểm tra học kỳ II lớp 12 môn văn ở TP.HCM vừa qua. Nhiều học sinh ở TP.HCM tỏ ra bất ngờ và hứng thú với đề văn rất “thời sự” này.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) làm bài thi học kỳ II ngày 15-4. Ảnh: Như Hùng
Giáo viên bất ngờ

Một đề thi hợp thời và đúng hướng

Trong bối cảnh bạo lực tràn lan từ xã hội, sân cỏ đến học đường như hiện nay mà đặt ra vấn đề “suy nghĩ về “kẻ mạnh” trong mối quan hệ giữa người và người” là rất thiết thực, nói lên sự nhạy bén và tinh tế của ngành giáo dục, người chịu trách nhiệm chính về việc gìn giữ, vun bồi giềng mối đạo đức trong xã hội.
Ắt hẳn các cô cậu học trò đã hứng khởi khi làm đề này vì gõ đúng tâm lý lứa tuổi đang muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, vì những ý tưởng ấp ủ trong bản thân hoặc nảy sinh từ những quan sát trong nhà trường hoặc được khơi gợi từ những thông tin trên báo chí giờ đây được dịp trình bày nghiêm túc dưới dạng một bài thi.
Giảng viên Nguyễn Hà (ĐHQG TP.HCM)

 

Với đề thi này, bài làm của một học sinh viết:
“Thực tế hiện nay nhiều người lợi dụng cái mạnh của mình để chà đạp, lấn át người khác.
Có những người có sức khỏe, tiền, quyền, kiến thức nhưng không sử dụng những lợi thế ấy hợp lý, giúp đỡ những người yếu thế.
Họ lại khẳng định cái mạnh của mình bằng cách làm người khác tổn thương, đau khổ.
Điều đó cũng lý giải chuyện một bộ phận học sinh hiện nay thích thể hiện sức mạnh của mình không phải qua điểm số, tài năng mà qua những trận đánh nhau kinh hoàng”.
Một học sinh khác viết: “Xét cho cùng, chúng ta – những học sinh – cũng là những “kẻ mạnh” đấy thôi.
Được ăn, được học trong điều kiện vật chất tinh thần khá đầy đủ, chúng ta vẫn "mạnh" hơn nhiều người khác muôn phần. Nhưng cái đáng quan tâm ở học sinh hiện nay đó là cái tâm – một khía cạnh bắt buộc phải "mạnh" trong mỗi con người. Thực tế điều đó ra sao?
Những câu chuyện trò đánh thầy, trò đánh trò dã man báo động đến xã hội rằng phần "tâm – đức" của thế hệ thanh niên thời hiện đại đang bị lung lay.
“Chữ tâm bằng ba chữ tài" – câu nói ấy liệu có còn đúng trong một môi trường đầy những đoạn phim nóng bỏng lan truyền đến chóng mặt, những vụ học sinh đánh nhau đầy tính… chiến đấu trước sự vô cảm, hờ hững đến mức nhẫn tâm của những học sinh khác khi thấy bạn bè mình đang quằn quại trước trận đòn của những kẻ mạnh”.
Theo một số giáo viên chấm bài, những hình ảnh về bạo lực học đường, những dẫn chứng về các vấn đề tiêu cực, tích cực đang diễn ra trong xã hội được học sinh thể hiện rất phong phú vào bài thi.
Không ít giáo viên bất ngờ về hiểu biết thời sự xã hội cũng như những suy nghĩ, quan điểm, trải nghiệm của học sinh lớp 12 hiện nay.
Cô Nguyễn Thị Hồng Châu – giáo viên văn lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12 – cho biết:
“Với những học sinh khá, các em đã đưa rất nhiều dẫn chứng từ thời sự xã hội và thời sự học đường xung quanh các em: bạo lực học đường, những “Vedan” gây ô nhiễm môi trường, những nhân vật trong bộ ảnh của Nguyễn Á… chứng tỏ các em rất chăm chú theo dõi các sự kiện thời sự”.
Đích đến của văn chương
Một giáo viên dạy văn ở Q.Tân Bình nhận định:
“Học sinh hiện nay rất nhạy cảm với các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề tiêu cực, vì vậy khi hướng dẫn làm bài phải hướng học sinh vào cái tốt, cái tích cực, hướng thiện.
Đó là cái đích của các bài nghị luận xã hội. Nhiều em đã mạnh dạn viết về nạn chăn dắt người già, nạn buôn bán phụ nữ, bạo hành trong nhà trường và gia đình. Riêng vấn đề bạo lực học đường được đề cập khá nhiều trong các bài làm của học sinh vì đây là đề tài nóng".
Học sinh Nguyễn Thị Hạnh Phúc – lớp 12C5 Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12 – cho biết: “Đề bài này được nhiều bạn thích vì phần nào liên quan những điều đang xảy ra xung quanh cuộc sống thường ngày của chúng em.
Chúng em thích những đề bài cho phép sáng tạo, thể hiện quan điểm chứ không chỉ học thuộc kiến thức sách vở”.
Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn văn Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá: "Ở đề văn về “kẻ mạnh”, đề bài rất gần với thực tế đời sống và muốn hướng học sinh đến những giá trị tốt đẹp, tác động đến lối sống của các em để các em biết lên án, phê phán cái tiêu cực và biểu dương cái tích cực”.
Nhận xét về đề thi này, giảng viên Nguyễn Hà (ĐHQG TP.HCM) cho rằng đề thi cho thấy sự chuyển động đáng mừng về việc dạy văn và học văn trong thực tế. Đích đến của văn chương không gì ngoài cuộc sống, không gì xa lạ với con người.
Theo Lưu Trang
Tuổi Trẻ

Phải là vấn đề học sinh quan tâm

Bạn có biết sự khác biệt giữa cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ không? Cái nhiệt kế đơn thuần chỉ cho chúng ta biết nhiệt độ của từng vùng riêng biệt (…). Cái nhiệt kế luôn điều chỉnh để hòa hợp với nhiệt độ của môi trường xung quanh. Còn máy điều hòa nhiệt độ thì ngược lại, nó điều chỉnh nhiệt độ trong phòng. Nếu trong phòng đang có nhiệt độ là 28 độ C và máy điều hòa được cài đặt ở 20 độ C thì chẳng bao lâu nhiệt độ trong căn phòng sẽ là 20 độ C – phù hợp với chỉ số của máy điều hòa… Trong cuộc sống, bạn sẽ là cái nhiệt kế hay sẽ là máy điều hòa nhiệt độ?
Trên đây là một trong nhiều đề văn của cô Triệu Thị Huệ – tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Theo cô Huệ, cách ra đề như vậy là khuynh hướng chung của đề văn nghị luận hiện nay. Vì nghị luận nên phải là những vấn đề học sinh quan tâm, là những vấn đề nhân sinh gần gũi với đời sống của các em, là những tình huống mà các em sẽ phải đối diện… Đó là những đề văn mà học sinh phải tư duy để viết bằng chính suy nghĩ của mình.
Qua nhiều năm thực hiện, cô Huệ cho biết học sinh rất thích thú với những đề văn như trên và các em viết rất tốt – tốt hơn so với những đề văn mang tính khuôn mẫu và áp đặt như trước kia. Qua những đề văn như vậy, giáo viên vừa điều chỉnh được phương pháp viết văn vừa định hướng được cách sống cho học sinh.
Theo H.Hg
Tuổi Trẻ

 

Bình luận (0)