Bạo lực học đường là một vấn đề nhức nhối ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển. Trong thời đại số, bạo lực có thể ở dạng trực tuyến hoặc trực tiếp, xảy ra cả trong đời thực lẫn trên mạng.
Chế tài còn quá nhẹ
Le Sserafim – nhóm nhạc nữ sáu thành viên do hãng âm nhạc Hybe (Hàn Quốc) thành lập – đã gặp rắc rối chỉ 18 ngày sau khi ra mắt với tư cách đàn em của nhóm nhạc đình đám BTS. Thành viên 16 tuổi Kim Ga-ram vướng vào những cáo buộc liên quan đến việc gây bạo lực đối với bạn học cấp II vào năm 2018.
Hybe đã bác bỏ cáo buộc, cho rằng đây là lời vu khống ác ý và khẳng định Kim mới là nạn nhân. Ngược lại, người bạn học cũ của Kim lại chia sẻ rằng, do bị Kim bắt nạt không ngừng, cô đã phải chuyển trường.
Bạo lực học đường tác động tiêu cực đến tất cả thanh thiếu niên có liên quan, bao gồm nạn nhân, kẻ bắt nạt và người chứng kiến (Ảnh minh họa)
Kể từ năm 2012, bạo lực học đường kiểu truyền thống như bạo hành bằng lời nói đã giảm bớt, nhưng các hình thức bạo lực mới – như bắt nạt trên mạng – lại trở nên phổ biến hơn. Một nghiên cứu xã hội về giới trẻ Hàn Quốc cho thấy, thanh thiếu niên ngày nay thường xuyên bị bắt nạt hơn. Công nghệ góp phần mở rộng phạm vi bắt nạt khi 1/4 trẻ em Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào internet và điện thoại thông minh. Hành vi bắt nạt có thể diễn ra trực tuyến và ngoài giờ học. Định nghĩa về bạo lực học đường đã được mở rộng để bao gồm cả việc sử dụng internet hoặc điện thoại di động để tấn công tâm lý một cá nhân.
Dù hình phạt khắc nghiệt nhất là đuổi học, nhiều nạn nhân cho biết họ cảm thấy thủ phạm gây bạo lực học đường có thể “thoát tội” quá dễ dàng. Hơn nữa, hành vi bắt nạt rất khó để định lượng nên khó áp dụng các phương pháp điều tra xã hội truyền thống để quy kết. Về mặt xã hội, tình trạng bắt nạt tồn tại ngay cả ở nơi làm việc và nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi, liệu nguyên nhân gây ra bắt nạt ở Hàn Quốc có phải là một hậu quả của xã hội siêu cạnh tranh hay không?
Vào tháng Ba, Queentiwa – nhà sáng tạo nội dung trên YouTube – đã chia sẻ về việc làm giáo viên tại một trường tư thục ở Hàn Quốc, “nơi tất cả học sinh đều giàu có”. Các học sinh là con của “những người nổi tiếng, diễn viên, bác sĩ hàng đầu”. Cô khẳng định, những cảnh bắt nạt, bạo lực như trong phim truyền hình Hàn Quốc khá phổ biến ở đời thực. Queentiwa bày tỏ sự thất vọng khi không thể giúp đỡ các học sinh trước vấn nạn này.
Queentiwa can thiệp bất cứ khi nào thấy học sinh bị bắt nạt, nhưng cô cũng từng bị học sinh gí kéo vào cổ đe dọa. Do đó, hầu hết giáo viên không sẵn sàng can dự vào vụ bạo lực học đường, đặc biệt là khi đối mặt với những phụ huynh nổi tiếng. Queentiwa chỉ dạy ở bậc tiểu học và cô lo rằng, việc bắt nạt giữa những học sinh trung học có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Tác động lâu dài
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bạo lực học đường tác động tiêu cực đến tất cả thanh thiếu niên có liên quan, bao gồm cả nạn nhân bị bắt nạt, những kẻ bắt nạt và những người chứng kiến hành vi bắt nạt. Ở Mỹ, khoảng 1/5 học sinh trung học từng bị bắt nạt trong khuôn viên trường, hơn 1/6 học sinh trung học bị bắt nạt qua mạng internet, gần 14% trường công lập báo cáo rằng bắt nạt là một vấn đề xảy ra hằng ngày hoặc ít nhất một lần mỗi tuần.
CDC khuyến cáo, bắt nạt có thể gây tổn thương về thể chất, đau khổ về mặt xã hội và tình cảm, dẫn đến hành vi tự làm hại bản thân. Nó cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng, khó ngủ, thành tích học tập sa sút và bỏ học. Trong khi đó, những thanh niên bắt nạt người khác có nhiều nguy cơ lạm dụng chất kích thích, gặp các vấn đề học tập và vướng phải rắc rối về bạo lực ở tuổi vị thành niên hay tuổi trưởng thành.
Tất cả các bang ở Mỹ đều có luật chống bắt nạt, bạo lực học đường. CDC đã phát triển những nguồn lực để giải quyết các yếu tố rủi ro hoặc bảo vệ nạn nhân khỏi bạo lực.
Các phương án của CDC gồm thúc đẩy môi trường gia đình lành mạnh, cung cấp chất lượng giáo dục đầu đời tốt, tăng cường các kỹ năng của thanh thiếu niên, kết nối thanh thiếu niên với người chăm sóc, tạo môi trường cộng đồng an toàn, can thiệp khi cần để giảm thiểu tác hại và ngăn ngừa rủi ro trong tương lai, đánh giá thông qua dữ liệu toàn cảnh để có phương hướng thay đổi chính sách phù hợp.
Ngọc Hạ/PNO (theo Keia, Koreaboo, Asia News, CDC, stopbullying.gov)
Bình luận (0)