Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bạo lực – mảng tối học đường

Tạp Chí Giáo Dục

598 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Đã có 881 học sinh nhận hình thức kỷ luật khiển trách, 1558 học sinh bị cảnh cáo, 735 học sinh buộc thôi học có thời hạn từ ba ngày đến một năm. Tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ở học sinh nam mà xuất hiện ngày càng nhiều ở học sinh nữ.
 

Đây là con số được đưa ra tại cuộc Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh nữ” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 19-12 tại Hà Nội.
 
Đánh nhau là “bình thường
Theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dư luận xã hội), có 96,7% số học sinh Hà Nội tham gia trả lời phỏng vấn khẳng định có tình trạng nữ sinh đánh nhau. Điều đáng lo ngại, các em không nhận thức được hành vi của mình là sai. Có tới 57,3% số nữ sinh từng đánh nhau coi việc đó là “bình thường” và 39,6% số nữ sinh “chấp nhận được” hành động này. Suy nghĩ này là sự lệch chuẩn đạo đức nghiêm trọng, cần phát hiện, điều chỉnh, uốn nắn kịp thời.
 
Điển hình như những vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn, quay phim rồi tung lên mạng, coi như là một “chiến tích” để thể hiện mình trước mọi người, xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, An Giang…
 
Nghiêm trọng hơn, trong các vụ ẩu đả, các em đã sử dụng hung khí, gây thương tích nặng cho bạn, thậm chí xảy ra chết người. Theo thống kê, năm học 2009-2010, trên cả nước xảy ra bảy vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người cả trong và ngoài trường học.
 
Trà My, học sinh trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) lý giải: “Hầu hết những hành vi bạo lực học đường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ. Chỉ vì cho rằng đối tượng gây “ngứa mắt” các bạn có thể lao vào đánh nhau. Các bạn ấy cho rằng, chỉ có xử lý bằng bạo lực mới có thể giải quyết mẫu thuẫn và thể hiện cái tôi, đẳng cấp của mình”.
 
Đứng ở góc độ nhà nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên, tiến sĩ Hoàng Thị Điểm, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên Trung ương Đoàn trăn trở trước thái độ “vô cảm”, thờ ơ của một số bộ phận thanh thiếu niên hiện nay. Bà Điểm cho rằng đó là hệ quả của một nền tảng giáo dục gia đình không bền vững.
 
Sự thiếu quan tâm, sát sao kịp thời của cha mẹ, người lớn trong gia đình không là tấm gương sáng cho con cháu, phương pháp giáo dục sai lầm. Trong khi đó, nhà trường hiện nay chỉ chú trọng tới giáo dục lý thuyết mà không coi trọng giáo dục đạo đức, truyền cảm hứng cho học sinh.
 
Việc học hành quá tải mang tính kinh điển sách vở trong nhà trường, phần nào tạo sức ép căng thẳng chiếm hết thời gian. Từ đó, khiến các em không có được những kỹ năng sống, ứng xử, biết bảo vệ cái đúng chống cái sai, biết tự bảo vệ mình và bảo vệ bạn…
 
Nhìn chung, các ý kiến tham gia hội thảo đều cho rằng điểm xuất phát của tình trạng bạo lực học đường ngày càng lan tràn như hiện nay là sự cô đơn, bế tắc của trẻ. Cha mẹ chạy theo kinh tế, thầy cô chạy theo giờ hành chính, người lớn thiếu lòng yêu trẻ khiến các em ngày càng xa lánh, thiếu gần gũi, chia sẻ. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, thế hệ trẻ đang bị đầu độc bởi ma lực của những trò chơi chém giết, trong game, đồng thời cũng bị “nhiễm khuẩn” từ chính cảnh bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội. Chính người lớn góp phần không nhỏ làm tăng thêm tính hung hãn, côn đồ của thế hệ trẻ.
Chung tay xóa mảng tối
Bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề lớn, rất đáng quan tâm ở nhiều góc độ, đòi hỏi cả một quá trình với sự tham gia vào cuộc tích cực của nhiều cấp, ngành cùng với gia đình và những người lớn yêu trẻ.
 
Ông Nguyễn Nho Huy, Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục kỹ năng sống và đạo đức cho học sinh, thì mỗi trường cần thành lập “ Đội an ninh trường học” với nòng cốt là đoàn Thanh niên, giám thị, bảo vệ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm.. phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an thường xuyên nắm tình hình, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn và ngăn chăn hiệu quả các vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và khu vực cổng trường.
 
Đại diện ngành công an, ông Trần Thế Hồng, cũng đồng tình với quan điểm trên, và nhấn mạnh: Cần phải thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ giữa lực lượng công an với nhà trường về các nội dung liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự và quản lý học sinh.
 
Các đại biểu đều nhất trí rằng, để giải quyết tình trạng này phải dựa vào nền tảng giáo dục của gia đình, Chỉ khi nào, gia đình thật sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tình cảm. Bố mẹ, thầy cô là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách để con em, học sinh của mình học tập và noi theo. Đó là mới là điều kiện đủ để xóa đi mảng tối trong bức tranh học đường hiện nay.
 
Theo ĐẶNG THANH HÀ
(NDĐT)

Bình luận (0)