Chuyện một học sinh lớp 10 đâm chết bạn ngay trong lớp học chưa kịp lắng xuống, xã hội lại một lần nữa thở dài khi mới đây lại thêm vụ 2 học sinh nữ đánh bạn đến phải cấp cứu.
Nạn bạo lực học đường, tuy là chuyện không mới, bỗng trở nên rầm rộ khi “công nghệ” phát triển hơn, được quay phim, chụp hình và có cả khán giả đứng ngoài cổ vũ. Chuyện học trò chọc ghẹo, đánh nhau là chuyện… cơm bữa vì người lớn lý giải đó là hành động bộc phát của trẻ con. Tuy nhiên, khi các cô cậu học trò đã có sự tính toán, sắp đặt để trừng phạt bạn bè nhiều người lớn mới giật mình trước sự vô cảm của con trẻ.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ nhà trường, nơi mà các em học sinh học tập, sinh hoạt chiếm đến 2/3 thời gian trong ngày. Các nhà giáo dục lại cho rằng trường học không dạy hư con người bao giờ.
Các nhà nghiên cứu khác thì cho rằng, triết lý giáo dục hiện nay vô tình đã biến nhà trường chỉ còn là nơi học tập đơn thuần, và họ đã từng lên tiếng cảnh báo ngành giáo dục đang có cuộc chạy đua bất tận để đuổi theo thành tích học tập. Những buổi họp của ngành GD cũng chỉ tập trung bàn luận những con số đáng mơ ước 100% học sinh tốt nghiệp, tỷ lệ HS giỏi cao hơn, HS yếu kém giảm đáng kể…
Thành tích học tập được đặt lên mục tiêu hàng đầu ở mỗi trường và học sinh luôn phải ý thức rằng, các em chỉ có một nhiệm vụ chính là học chữ, học văn hóa. Mục tiêu đó không sai nhưng chưa đủ học làm người. Xây dựng quan điểm sống đúng cho các em mới là mục tiêu lớn của giáo dục, lại ít được đề cập đến.
Mặt khác, những vụ bạo lực học đường đều tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai… là những nơi có tỷ lệ học sinh giỏi, trường chuẩn nhiều nhất. TPHCM đang triển khai triết lý cá thể hóa trong giáo dục phổ thông, trở thành một trong những nơi đầu tiên trong nước hướng tới phát triển toàn diện từng cá nhân.
Để đạt được điều đó, tiêu chí cơ sở trường lớp phải đạt quy chuẩn, sĩ số ít, chất lượng HS thuộc hàng “gà chọi” là vấn đề giải quyết hàng đầu của các trường. Con đường phát triển này lại đẩy không ít học sinh chưa giỏi không được học trường tốt. Ngược lại trường chưa tốt phải gánh thêm học sinh yếu để trường trọng điểm được lên đời thành trường chuẩn…
Cuộc chạy đua trường chuẩn, lớp chọn đã đi ngược lại với mục tiêu lớn nhất của nền giáo dục phổ thông đại chúng, tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục. Thêm một lần nữa chúng ta cần nhìn lại những cuộc đua thành tích.
Theo Tiêu Hà / SGGP
Bình luận (0)