Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bao nhiêu thí sinh hiểu rõ ngành nghề sẽ học?

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ G đã điểm, thí sinh cả nước đang chuẩn bị điền vào hồ sơ đăng ký môn dự thi kỳ thi THPT quốc gia và môn thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Dù đã cân nhắc, lựa chọn môn thi, khối thi và trường ĐH sẽ bước vào nhưng có bao nhiêu thí sinh đã chọn đúng ngành học và hiểu rõ nghề mình sẽ làm trong tương lai?

Hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký kỳ thi THPT quốc gia tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TPHCM.

Khối ngành khoa học tự nhiên vẫn áp đảo
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, giáo viên và học sinh lớp 12 đều thở phào, trút bớt gánh nặng lo lắng trước những thay đổi về cấu trúc đề thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp, tuyển sinh CĐ, ĐH. Tuy nhiên, trong thời điểm cận kề phải đăng ký ngành học, trường ĐH, CĐ mà mình sẽ gởi gắm giấc mơ nghề nghiệp, có không ít thí sinh vẫn chưa hiểu rõ ngành nghề đã chọn cũng như công việc sẽ gắn bó như thế nào. Nhìn qua bức tranh khảo sát về đăng ký môn thi, khối thi vào ĐH,CĐ mùa tuyển sinh năm nay “vũ như cẩn” với các môn tự nhiên được chọn nhiều nhất. Ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh của các trường nghiêng về chọn môn Lý, Hóa và môn Sinh, Sử vẫn thấp nhất. Nhiều trường chỉ có khoảng 5%-10% chọn thi các môn Sử, Địa, trong đó có không ít trường không có thí sinh nào chọn môn thi Sử. Khác với mọi năm, môn Địa lý cũng được nhiều học sinh có sức học trung bình, khá lựa chọn vì được phép sử dụng Atlat và nhiều trường tuyển sinh tổ hợp môn thi là Ngữ văn, Anh văn và Địa lý. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số thí sinh chọn thi khối ngành khoa học xã hội vẫn “lép vế” hơn khối ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế – tài chính, y – dược…
Trước thực tế khó xoay chuyển xu thế ăn sâu vào tiềm thức khi phần đông thí sinh chọn trường, chọn ngành học theo xu hướng thời thượng, bầy đàn, nhiều chuyên gia giáo dục, việc làm tiếp tục cảnh báo tình trạng bội thực các ngành kinh tế tài chính, ngân hàng, y dược… Chính vì thế, vai trò tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 trước khi chọn cánh cửa vào đời rất quan trọng. Theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân TPHCM, bên cạnh việc tư vấn chọn môn thi, chọn ngành học, nhà trường luôn chú trọng việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của các em. Tuy nhiên, câu chuyện tư vấn, định hướng cho học sinh phổ thông vẫn còn nhiều lỗ hổng và các trường đang thiếu trầm trọng đội ngũ tư vấn hướng nghiệp am hiểu về ngành nghề liên quan đến việc làm như thế nào.

Hệ quả chọn việc làm mà không hiểu rõ về nghề?
Có thể nói việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và thay đổi quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH năm nay đã mang lại hiệu ứng tốt, giảm bớt áp lực, tốn kém cho xã hội nhưng bức tranh chung về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động vẫn chưa được cải thiện nhiều. Với thực tế, thí sinh vẫn đổ xô vào các ngành nghề vốn đã bị dư thừa, thất nghiệp cao trong xã hội vẫn là hồi chuông báo động. Đó là chưa kể, việc thí sinh khi đăng ký chọn ngành học, trường ĐH theo cảm tính thích làm nghề này nghề nọ mà không hiểu rõ về nó cũng rất mạo hiểm. Theo Th.S Nguyễn Thị Tuyết Nhung, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, các trường phải tạo điều kiện cho học sinh phổ thông khám phá hành trình nghề nghiệp để khắc phục những sai lầm – chọn việc làm mà không hiểu rõ nghề nghiệp. Chuyên gia này dẫn chứng thực tế có rất nhiều sinh viên khóa 14 của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phải trả giá, thậm chí bỏ học vì không đủ năng lực học những ngành kỹ thuật liên quan đến tư duy logic và năng lực giỏi các môn tự nhiên. Cũng có không ít sinh viên học ngành y, dược đến năm thứ ba nhưng không thể nhớ nổi tên các loại thuốc… “Chính vì thế, khi đặt bút đăng ký ngành học, trường ĐH và gởi gắm hy vọng tìm được việc làm ngay sau khi ra trường, thí sinh hãy cân nhắc kỹ năng lực, sở trường, tìm hiểu kỹ công việc sẽ “kết duyên” trong tương lai có phù hợp với bản thân hay không. Đừng nhìn việc làm như “chọn cái áo đẹp, thời trang” nhưng không biết nó có vừa, hợp thẩm mỹ hay không?”- Th.S Tuyết Nhung tư vấn.
Với xu thế công nghệ, kỹ thuật phát triển nhanh, ngành nghề và việc làm ở thế kỷ 21 cũng thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi nhiều kỹ năng bổ trợ. Vì thế, biết một nghề cũng có thể làm nhiều việc và người học cần được tư vấn về sự phát triển đa dạng của nghề nghiệp thời kỹ thuật số. Có rất nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng thí sinh không biết hoặc hiểu lơ mơ. Trong khi chọn học khối ngành khoa học xã hội cũng có nhiều cơ hội việc làm nhưng nhiều thí sinh lại thiếu thông tin tư vấn. TS Bùi Anh Thủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động – Xã hội ở TPHCM, cho biết thêm: “Các ngành học mới như quản trị nhân sự, công tác xã hội, bảo hiểm (gồm bảo hiểm thương mại, bảo hiểm xã hội)… đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng thí sinh thiếu thông tin và chưa biết nhiều để lựa chọn”.
Để cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực không bị “lệch pha” dư thừa nhiều ngành nghề khối ngành nghề kinh tế, tài chính ngân hàng, y dược… thì rất cần sự định hướng, tạo cơ hội khám phá hành trình nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Khánh Bình

(SGGP)

Bình luận (0)