Tạp chí Le Point (Pháp) số tuần trước đặc biệt quan tâm đến Việt Nam qua bài viết: “Việt Nam, ông hoàng mới của ngành cà phê”. Tuy nhiên, bên cạnh sự nổi lên về vị thế, ngành cà phê Việt Nam, theo tờ báo, đang phải đối mặt với nhiều thách thức mà không khéo giải quyết sẽ sớm rớt hạng.
Le Point ghi nhận, mới đây thôi, Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trên bản đồ các quốc gia sản xuất cà phê. Thế nhưng, hiện nay, đất nước này đã trở thành nơi sản xuất cà phê đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil và là nhà cung ứng hàng đầu cho Pháp.
Tạp chí cho biết, Việt Nam cung cấp 39% lượng cà phê robusta trên toàn thế giới. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Việt Nam thì hiện nay, diện tích canh tác cà phê là 571.000 hecta. Năm 2012, Việt Nam sản xuất 1.760.000 tấn cà phê và doanh thu lên đến 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo tờ báo, Việt Nam đang phải đối mặt với việc thanh niên ngày càng di cư lên thành phố, những thế hệ đi trước khó khăn để kiếm được người nối nghiệp.
Brazil đứng hàng đầu trong sản xuất cà phê arabica, một loại hạt cà phê khác có hương vị dịu hơn. Dân không chuyên thì yêu thích arabica còn các nhà công nghiệp thì chuộng robusta hơn. Thế mạnh của cà phê robusta là rẻ hơn arabica. Người dân châu Âu ngày càng chuộng loại cà phê robusta.
Ngày nay, các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu lo ngại một ngày nào đó, Việt Nam cũng sẽ lập lại kịch bản như các nước châu Phi. Trong những năm 1990, Bờ Biển Ngà hay Cameroun là những nhà cung cấp chính trên thế giới về cà phê robusta, nhưng sau đó, thanh niên đã rời bỏ nông thôn lên thành thị và làm cho sản xuất cà phê suy giảm.
Le Point nhận định, dường như hiện tượng này cũng chớm bắt đầu tại Việt Nam. Thanh niên ưu ái công xưởng hơn là đồng ruộng vì họ cho rằng làm việc trong công xưởng lương cao hơn và ít cực nhọc hơn.
Theo tạp chí này, một rào cản khác là "bọn gian thương" mua lại những hạt robusta từ những người trồng trọt rồi bán lại cho giới công nghiệp. Thành phần trung gian này sử dụng nhiều hình thức gièm pha, và chính là những người làm chủ cuộc chơi. Họ làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người nông dân. Thủ đoạn mà họ thích làm nhất là ứng trước tiền phân bón cho người trồng trọt và đến mùa thu hoạch, họ thu mua lại vụ mùa với giá mà họ ấn định.
Tờ báo này dẫn lời đại diện của các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp tại đây cho biết họ rất khó chịu về tình hình này. Giám đốc xưởng Ecom tại Bảo Lộc nhận định: “Cần phải xóa bỏ thái độ cố tình ăn trên đầu trên cổ người nông dân của các nhà thu mua”.
Để đáp trả, giới công nghiệp liên tục đưa ra những ý tưởng “giúp ích” cho người nông dân. Những “người thiện tâm” này giải thích cho người trồng trọt biết các kỹ thuật canh tác, cũng trên một diện tích cho phép nhưng có thể thu nhập nhiều hơn. Tập đoàn Mỹ Mondelez, Neslé, Ecom của Thụy Sĩ hay Ngân hàng Thế giới giúp đỡ về mặt tài chính cho người nông dân. Tập đoàn Mondelez đã mở một trung tâm đào tạo để dạy cho thực tập sinh cách trồng trọt, tưới tiêu, bón phân, và thương lượng trong thương mại… Ngoài ra, tập đoàn Mỹ cho biết sẵn sàng đầu tư 200 triệu USD từ nay đến năm 2020.
Giới công nghiệp biết rằng tương lai của ngành kinh doanh cà phê là tại Việt Nam. Họ biết rằng, ngoài quốc gia này, không một nơi nào có thể cung ứng một nhu cầu lớn về nguyên liệu cà phê robusta, trong lúc mà tiêu thụ loại cà phê này đang bùng nổ.
Nh.Thạch (Petrotimes)
(Le Point)
Bình luận (0)