Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bảo quản lúa đúng cách để được lợi

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm, vựa lúa ĐBSCL bị tổn thất sau thu hoạch về số và chất lượng khoảng 235 triệu USD ( 12-14 % sản lượng lúa). Con số này sẽ lớn lên theo nhịp độ luân canh , tăng sản lượng các vụ lúa thu hoạch vào mùa mưa. Từ ngày 30-6 đến 1-7, các chuyên gia viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), các viện trường ở TP.HCM, ĐBSCL, các cơ quan phát triển nông nghiệp và các doanh nghiệp… một lần nữa đặt lại vấn đề bảo quản lúa gạo ở ĐBSCL với những góc nhìn khác nhau.

TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện Lúa ĐBSCL cho rằng, khi nông dân bỏ bồ chứa chuyển sang vô bao tồn trữ trong nhà thì bà con không thể tránh khỏi tổn thất. Tuy nhiên, bảo quản lúa gạo được đặt lên bàn cân giữa mức đầu tư từ lò sấy kiểu vườn tới si lô để giảm tổn thất sau thu hoạch và lợi ích thuộc về ai, quả thật không đơn giản khi phân tích chuỗi giá trị và phát triển mô hình kinh doanh. Do đó, câu hỏi muôn thủa là ai làm, ai đầu tư?
Mô hình silo ở Châu âu đã nhiều thay đổi. Lịch sử silo ở Đức ra đời cách nay 600 năm. Ảnh: Hoàng Lan.
Nhân công một thời, được khoe lao động giá rẻ chưa tới nửa đô la một ngày và ý thức lấy công làm lời bằng cách tự phơi lúa, tự tồn trữ là rào cản đầu tiên của ý tưởng phát triển si lô… Để thuyết phục nhà đầu tư, người ta so sánh chi phí bảo quản trong bao là 100 đ/kg, trong khi silô 270 đ/kg nhưng làm theo kiểu truyền thống phát sinh nhiều chi phí, như: tốn balet, cần nhân công nhiều khi chở hàng bán, dễ rơi vãi, tiền mua bao (4.000 đ/bao), mỗi bao là 130 gr rác thải khó phân hủy… Nếu lúa ẩm vàng giảm chất lượng 10% giá bán, tương đương 500 đ/kg. Bảo quản silô vẫn có lợi hơn
Tiến sĩ Martin Gummert , tổng giám đốc IRRI nói, khi triển khai dự án bảo quản sau thu hoạch với mục đích đóng góp cho an ninh lương thực và giảm nghèo tại Việt Nam, Campuchia và Philippines ông thấy có nhiều vấn đề về kỹ thuật, phân tích chuỗi giá trị lúa gạo, công nghệ và cách chuyển giao công nghệ, chính sách và vai trò của IRRI.
Si lô là phép thử kỹ thuật và tự động dẫn dắt những suy nghĩ tới điểm trùng khớp với sự thay đổi nhận thức của Bộ NN-PTNT về định hướng tổ chức cánh đồng mẫu lớn, cách tạo ra giá trị tăng thêm của lúa gạo Việt Nam chứ không thể chỉ chăm bẵm vào thị trường giá rẻ.
Cần chính sách Nhà nước
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết Vinafood II từng đầu tư silo, kể cả hệ thống sấy lạnh, sức chứa 12.000 đến 48.000 tấn. Những silo của Trung Quốc, Châu Âu được giới thiệu đều có ở Miền nam, nhưng ai sẽ chọn silo khi mức đầu tư tự động hóa quá cao so thủ công, vốn là chi phí xã hội chịu đựng được.
Giải quyết khâu bảo quản chỉ là phần ngọn, silo phải gắn với cánh đồng mẫu lớn để sấy lúa trong vòng 24 giờ, quy mô sản xuất lớn, có trang trại đồng dạng, lúa đồng vụ, đồng nhất một giống lúa…theo ông Dũng khi đã đầu tư silo, vận hành quy trình bảo quản lúa rất cực, tốn kém nên không thể làm vì thị trường giá rẻ.
GSTS Werner Muhlbauer, viện Kỹ thuật nông nghiệp, trường đại học Hohenheim (Đức), 71 tuổi, nhân chứng lịch sử ở CHLB Đức chia sẻ: Ở Đức quy mô trang trại dưới 150 ha là không sống được. Si lô thích hợp với việc tổ chức sản xuất quy mô tập trung, thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng tồn trữ…
Từ những năm đầu thế kỷ 21 có sự thay đổi rất lớn về kỹ thuật và giá cả. Những năm 1990, silô có giá 500USD/ tấn. 5-10 năm gần đây, mức đầu tư chỉ còn 300-400 USD/tấn kể cả thiết bị phụ trợ. Một số doanh nghiệp khác tính tất cả chi phí khoảng 200USD, nếu chia đều trong 20 năm, thời gian bảo quản trong năm khoảng 6 tháng: 10USD/tấn/ năm, tương đương 200 đ/kg/năm, bằng 100đ/kg/vụ. Nếu trong điều kiện bình thường, lãi suất ngân hàng 12%/ năm thì mỗi tấn lúa bảo quản gánh lãi suất 240.000 đ/ năm, tương đương 120 đ/kg/vụ. Ông Bùi Phong Lưu, giám đốc công ty TNHH cơ khí Bùi Văn Ngọ cho biết giá trong nước sản xuất khoảng 2,4 triệu/ tấn, tức 120USD/ tấn.
Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên gia cơ khí thuộc công ty Bùi Văn Ngọ cho rằng phải xay xát từ lúa khô để cải thiện chất lượng gạo, hiện nay trong nước đã làm máy sấy tháp, thùng chứa trong nhà kho, việc nghiên cứu cách sử dụng trấu để sấy lúa không còn là chuyện lạ. Trấu xay nhuyễn làm silic vô định hình, làm kính cách nhiệt… xuất sang Malaysia 60USD/ tấn, công nghệ nano cho phép trấu tham gia vào việc chế tạo vật liệu cho những con tàu không gian. Tuy nhiên, nguồn trấu trị giá 120 triệu USD/ năm ở ĐBSCL, vẫn chưa được coi trọng đúng mức.
TS Phạm Văn Tấn, phó giám đốc Phân Viện cơ điện nông nghiệp – Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN-PTNT cho biết, kỹ thuật không còn là vấn đề, người nước ngoài sẵn sàng chuyển giao hoặc đầu tư tại Việt Nam, vấn đề là chính sách khích lệ đầu tư như thế nào. Nhà nước phải nhảy vào thì mới có thể cải thiện được tình hình.
Theo Hoàng Lan
Sài Gòn Tiếp Thị

 

Bình luận (0)