Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bão số 12 mạnh lên, TP.HCM cấm tàu thuyền ra khơi

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 2-11 bão số 12 (bão Damrey) tiếp tục mạnh lên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11.

Bão số 12 mạnh lên, TP.HCM cấm tàu thuyền ra khơi - Ảnh 1.

Sơ đồ dự báo hướng đi báo số 12 – Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương phát lúc 14h30 ngày 2-11

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 13h ngày 2-11, tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 800 về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11.

Miền trung, miền nam mưa lớn 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Đến 13h ngày 3-11, tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 300km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/h), giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội.

Dự báo trong 24-48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 và yếu dần.

Đến 13h ngày 4-11, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 12.

Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên từ ngày mai ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.

Từ đêm nay ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Trong đêm nay và ngày mai, ở vùng biển ngoài khơi phía Nam các tỉnh từ Trà Vinh đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang tiếp tục có mưa dông, gió giật cấp 6-7.

Từ chiều và đêm mai 3-11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.

TP.HCM cấm tàu thuyền ra khơi

Bão số 12 mạnh lên, TP.HCM cấm tàu thuyền ra khơi - Ảnh 2.

TP.HCM ban hành lệnh cấm tàu, thuyền đánh bắt cũng như đò ngang, dọc trước diễn biến bão sô 12. Trong ảnh: tàu hoạt động trên khu vực biển Cần Giờ – Ảnh: QUANG KHẢI

Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến hoạt động trước diễn biến của bão số 12.

Công điện nêu rõ: áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp khu vực nam Trung bộ, Nam bộ. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 12 gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM yêu cầu:

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, UBND huyện Cần Giờ…thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Các chủ tàu thuyền chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động thủy sản.

Sở Giao thông vận tải TP, Cảng vụ Hàng hải Thành phố và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1h ngày 3-11 cho đến khi có lệnh mới.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP cũng đề nghị Công an TP và các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng còn đang hoạt động trên các tuyến hàng hải, đường thủy nội địa; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn gây ra.

Trước đó tại cuộc họp với 24 quận huyện, sở ngành về các phương án phòng tránh áp thấp, bão sáng 2-11, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhận định dù bão ít có khả năng vào TP nhưng các đơn vị không được chủ quan, triển khai các phương án 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng ứng phó với bão kết hợp với triều cường cao gây nguy cơ ngập úng.

UBND huyện Cần Giờ cho hay đã chuẩn bị phương án di dời hơn 6.000 người ở Cần Giờ nếu có bão, áp thấp đổ bộ, chằng chống hàng trăm căn nhà. Các phương án di dời, đảm bảo an toàn tàu thuyền đã được chuẩn bị chờ lệnh của thành phố.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết đã chỉ đạo các Đồn biên phòng cấm các phương tiện ra khơi đánh bắt hải sản, thời gian bắt đầu từ 10h ngày 2-11 và sẽ cho xuất bến trở lại khi điều kiện thời tiết trên biển đảm bảo an toàn.

Đơn vị cũng phối hợp cùng các lực lượng Cảnh sát biển, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 liên lạc được với hai tàu cá BV 95681 TS và BV 95124 TS (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) với 14 ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, bị mất liên lạc trước đó; đồng thời hướng dẫn hai tàu cá này thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Bình Dương cũng cho biết đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương lên phương án chủ động phòng tránh bão.

Tại Kiên Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương không chủ quan, theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão số 12.

Do ảnh hưởng của bão, ngày 2-11, tất cả các tuyến tàu cao tốc chở khách từ cảng Rạch Giá, Hà Tiên đi huyện đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải và ngược lại đều ngưng xuất bến…

 

Q.KHẢI – TT dự báo khí tượng thủy văn Trung ương – TTXVN/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)