Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bão số 3 vào vùng biển Hải Phòng – Quảng Ninh

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh khoảng 490km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km/h), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Như vậy đến 19 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển Hải Phòng – Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km/h), giật cấp 15, cấp 16. Ở vùng biển vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 8-9, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16, sóng biển cao 5-6m. Biển động dữ dội.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Vùng tâm bão có khả năng đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc bộ với cường độ cấp 10-11, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 7 giờ ngày 17-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực đất liền các tỉnh phía Đông Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/h), giật cấp 7.
Đây là một cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp.
Trường học chủ động cho học sinh nghỉ để tránh bão số 3
Chiều 16-9, Bộ GD-ĐT có công điện khẩn gửi các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, yêu cầu các đơn vị này chủ động đối phó với các diễn biến của bão.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chủ động đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, ngừng các hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão, mưa, lũ đang diễn ra.
Đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp, có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao, các trường cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm tránh những rủi ro cho học sinh, sinh viên khi đến trường.
Bộ cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão, mưa, lũ lụt, tổ chức bộ phận trực ban, phối hợp với lực lượng phòng chống bão địa phương để sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão gây ra.
Các trường rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dang dở, công trình trọng yếu, công trình có độ an toàn thấp.
Việc phòng tránh bão phải chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành, có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.
Nhóm P.V

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)