Hội nhậpThế giới 24h

Bảo tàng gặp khó đủ đường

Tạp Chí Giáo Dục

Một số bảo tàng vẫn cứ mãi nằm trên giấy, số khác lại khổ vì không gian hạn hẹp, cán bộ phải kiêm nhiệm đủ việc…

Khách muốn đến mà không kham nổi

Nhiều năm gần đây, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học – công nghệ Việt Nam) là một điểm đến thú vị cho cả người lớn lẫn trẻ em. Thu hút là thế nhưng bảo tàng cũng có nỗi buồn riêng – cho đến nay bảo tàng vẫn chưa được nâng cấp, cải tạo. Chính vì thế, họ phải làm việc rất ngược đời là… từ chối khách. “Không gian trưng bày của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam quá nhỏ, chỉ hơn 300 m2, không đảm bảo phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên của công chúng. Vào những ngày cuối tuần, lượng khách tham quan lớn nên không thể đáp ứng yêu cầu của khách. Ngay cả với lớp học có số lượng trên 30 học sinh, tham quan cũng phải chia thành 2 nhóm”, thông tin từ bảo tàng cho biết.

Bảo tàng gặp khó đủ đường - ảnh 1

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là nơi thu hút khách, nhưng lại không đáp ứng được số lượng lớn khách do quá chật. BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN VIỆT NAM

Báo cáo về Bộ VH-TT-DL, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết việc xây dựng, cải tạo và nâng cấp đòi hỏi khối lượng kinh phí lớn, tuy nhiên khả năng cung cấp vốn từ ngân sách nhà nước còn khá hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết hiện còn rất thiếu cán bộ chuyên môn, chuyên gia am hiểu hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Việc triển khai các hoạt động Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam chưa được đầu tư đầy đủ theo quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang gặp khó khi xây dựng Bảo tàng Tiền Việt Nam. Các nghiên cứu về tiền Việt Nam do giới khoa học thực hiện đã được in thành sách, các hiện vật cũng đã có phần nào. Theo Quy hoạch bảo tàng Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, Bảo tàng Tiền thuộc danh mục được xây mới trong giai đoạn 2010 – 2020. Tuy nhiên, đến nay bảo tàng chưa được thành lập mà chỉ mới hoạt động dưới dạng nhà trưng bày. Cán bộ chuyên trách về hoạt động bảo tàng còn phải kiêm nhiệm nhiều việc chuyên môn. Hiện tại phòng truyền thống này mới chỉ phục vụ người trong ngành và một số khách trong dịp lễ của ngành.

Ở cấp địa phương, các bảo tàng cũng rất khó khăn. Báo cáo của Sở VH-TT-DL Kiên Giang cho biết bảo tàng tỉnh cũng chỉ mới khởi công xây dựng cuối tháng 9.2020 do khó khăn kinh phí. Hoạt động nghiệp vụ cũng chỉ được đầu tư khoảng 200 triệu đồng/năm nên sưu tầm, bảo quản, trưng bày đều khó.

Quảng Ngãi lại bị vướng trong công tác kiểm kê hiện vật. Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh này, việc nhập số liệu cho tài liệu, hiện vật của bảo tàng còn chậm vì số lượng hiện vật tại kho thì nhiều mà viên chức làm công tác kiểm kê, bảo quản còn quá ít. Hiện nay, bảo tàng chủ yếu mới chỉ thực hiện được bảo quản phòng ngừa, chưa thực hiện bảo quản trị liệu cho tài liệu, hiện vật được vì thiếu công cụ, phương tiện và cán bộ bảo quản có chuyên môn cao.

Bảo tàng gặp khó đủ đường - ảnh 2

Bảo tàng hấp dẫn sẽ là người bạn của trẻ nhỏ

“Cảm giác bảo tàng như không được quan tâm”

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đề xuất với Bộ VH-TT-DL về việc cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo tàng. Chẳng hạn, có những quy định tạo điều kiện thuận lợi để các bảo tàng có thể linh hoạt chia sẻ các hiện vật quý phù hợp với từng ngành và lĩnh vực của mình.

Bảo tàng Báo chí cũng đề nghị tạo điều kiện để các bảo tàng mới thành lập được ưu tiên, hỗ trợ về cơ hội đào tạo, tiếp cận kiến thức mới, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động, mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, bổ sung các chính sách, chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bảo tàng trong đó có chính sách thu hút nhân tài.

Bảo tàng gặp khó đủ đường - ảnh 3

Đầu rồng đất nung ở Bảo tàng Hà Nội. NGỌC THẮNG

Một chuyên gia di sản cũng cho rằng cần rà soát liên tục để hỗ trợ các bảo tàng thay đổi nội dung trưng bày. Chuyên gia này cho biết các trưng bày cố định tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre đã trải qua hơn 20 năm triển lãm, nhưng vẫn chưa được đầu tư cải tạo, thay đổi nội dung cũng như phương pháp trưng bày phù hợp, hiện đại hơn. Điều đó khiến công chúng rất thiệt thòi vì không có câu chuyện mới, cách kể hay khi tới đây tham quan. “Các cơ quan như UBND tỉnh hay bộ chủ quản đừng để tình trạng như thế, cảm giác như bảo tàng không được quan tâm”, chuyên gia này nhận định.

Theo luật Di sản văn hóa, các địa phương đều phải có bảo tàng. Quy hoạch xây dựng hệ thống bảo tàng Việt Nam đến 2020 do Thủ tướng phê duyệt cũng thể hiện rất rõ tinh thần này. Các bảo tàng ngành cũng có mặt trong quy hoạch trên. Do đó, về mặt pháp lý, rất khó chấp nhận việc nhiều bảo tàng được sinh ra và duy trì trong tình trạng luôn “thiếu dưỡng khí” và trở nên “khó thở” như hiện tại. Nếu không quy hoạch này sẽ trở thành quy hoạch… treo.

Theo Trinh Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)