Hưởng ứng Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 8 năm 2022 với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, Bảo tàng Áo dài Việt Nam (TP. Thủ Đức) và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Q.3) triển khai nhiều hoạt động phục vụ khách tham quan. Đây cũng là sự chuẩn bị sẵn sàng của các bảo tàng để phục vụ khách du lịch quốc tế từ ngày 15-3 khi Chính phủ cho phép toàn ngành du lịch Việt Nam được mở cửa phục vụ thị trường du lịch quốc tế.
Các đại sứ Lễ hội Áo dài 2022
Giảm giá may áo dài
Xác định là điểm đến của khách du lịch và là một trong những điểm tổ chức hoạt động Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 8 năm 2022, thời gian qua, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tiến hành sửa chữa, mở rộng giúp không gian trưng bày của bảo tàng trở nên tươi mới tạo điểm nhấn cho khách tham quan. Ngoài ra, các bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang sức lan tỏa.
Bà Nguyễn Thị Thắm (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) cho biết, hiện bảo tàng đang trưng bày chuyên đề “Áo dài – Nhân vật và Sự kiện”. Phòng trưng bày giới thiệu những chiếc áo dài gắn với những nhân vật lịch sử. Như chiếc áo dài của bà Nguyễn Thị Bình trong những ngày bà mặc để đàm phán hiệp định Paris hay áo dài của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội) mặc tuyên thệ khi nhậm chức. Bên cạnh đó là những chiếc áo dài của phụ nữ mặc trong chiến tranh và áo dài trong các cuộc tuyên dương phụ nữ trên các lĩnh vực khoa học.
Bà Nguyễn Thị Thắm (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) chia sẻ về những hoạt động của bảo tàng
Ngoài ra, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng triển lãm ảnh “Áo dài xưa và nay” giới thiệu đến công chúng trên 60 ảnh tư liệu về áo dài Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 cho đến nay. “Đây là những hình ảnh mà bảo tàng đã sưu tầm hơn 30 năm qua để giới thiệu sự biến tấu của chiếc áo dài trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam. Bởi qua hơn một thế kỷ tồn tại, về cơ bản, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên hình mẫu ban đầu, nhưng cùng với thời gian chiếc áo được các nhà tạo mẫu tìm tòi sáng tạo, biến tấu ngày thêm phong phú và đẹp mắt. Áo dài mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống làm tăng thêm cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong không gian Việt qua các thời kỳ và nay càng tăng thêm sự tự tin và hấp dẫn khi bước vào thời kỳ hội nhập với thế giới”, bà Thắm chia sẻ.
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm. Tổ chức hai tiệm may áo dài truyền thống tại bảo tàng. Hai nhà may được chọn tham gia là hai nhà may đạt giải nhất cuộc thi may Áo dài truyền thống năm 2018 và 2019 do Bảo tàng tổ chức. “Khi khách đến may hoặc mua vải áo dài, bảo tàng có chương trình giảm giá từ ngày 7-3 đến ngày 11-3. Ưu tiên giảm thêm giá công may và vải may áo dài cho khách đoàn từ 10 người trở lên”, bà Thắm thông tin.
Tham quan trải nghiệm
Trong tháng và tháng 4, tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam cũng có các hoạt động triển lãm: “Áo dài và Cội Nguồn” của các nhân vật nữ có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, y tế, văn hóa. Triển lãm bộ sưu tập áo dài màu hồng chủ đề: “Hạnh phúc”.
Đồng thời, bảo tàng còn trưng bày áo dài với các chuyên đề “Lịch sử áo dài”; “Áo dài hội nhập” và nhiều hoạt động giao lưu, tham quan và trải nghiệm.
Bạn trẻ mặc áo dài chụp ảnh tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam
Khách tìm hiểu triển lãm áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Đặc biệt, bảo tàng còn tổ chức các hoạt động nhằm phát huy, khuyến khích duy trì nghề may áo dài truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá các nhà may áo dài truyền thống trên địa bàn khu phố, khu dân cư.
Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam) cho biết, bà vô cùng phấn khởi vì sau một năm tạm ngưng, Lễ hội Áo dài TP.HCM đã được diễn ra trong bối cảnh TP. HCM thích ứng với tình hình mới. “Ngoài các triển lãm, chuyên đề, bảo tàng còn tổ chức những buổi họp mặt với quy mô nhỏ, không quá đông để tạo điều kiện cho các anh hát cho các chị nghe. Đây là hoạt động ý nghĩa trong dịp 8-3”, bà Vân cho biết.
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 8 năm 2022 diễn ra từ ngày 5-3 đến ngày 15-4 do Sở Du lịch TP.HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP phối hợp tổ chức với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”. Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống, giới thiệu nét đẹp và sự tiện dụng của áo dài nhằm đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc của mọi giới, mọi ngành, được lựa chọn sử dụng thường xuyên trong công việc hàng ngày và trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng trong năm. Qua đó, góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. |
Bên cạnh cơ sở chính tại TP.Thủ Đức, Bảo tàng Áo dài Việt Nam cũng mở cửa lại chi nhánh Áo dài Exhibition (Q.1) đón các đoàn khách tham quan bảo tàng, đáp ứng nhu cầu cho du khách. “Bảo tàng tổ chức với quy mô vừa phải để không xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hướng đến mọi người mặc áo dài, hướng đến cội nguồn dân tộc”, bà Vân chia sẻ.
Cũng như các địa điểm khác, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 các bảo tàng cũng bị ảnh hưởng vì không đón được nhiều khách tham quan. Thậm chí có thời gian bảo tàng còn phải đóng cửa theo chỉ thị của TP và Chính phủ. Từ khi bước vào trạng thái bình thường mới, bảo tàng đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động phục vụ khách tham quan.
Kiều Trinh
Bình luận (0)