Bảo tàng là nơi hội tụ các giá trị di sản văn hóa, nơi khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. Thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật, hình ảnh, biểu tượng, bảo tàng được xem là một trường học lý tưởng ngoài nhà trường. Mỗi hiện vật, tư liệu, hình ảnh kể câu chuyện lịch sử, văn hóa theo một cách riêng, sinh động, tạo niềm hứng thú và để lại ấn tượng sâu sắc trong nhận thức của học sinh, sinh viên.
Cảm nhận một cách chân thực
Thời gian qua, hệ thống bảo tàng trên địa bàn TP.HCM đã có nhiều đổi mới để thu hút học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Các bảo tàng đầu tư trong các trưng bày chuyên đề với tư liệu, hiện vật sống động, được đầu tư về hình thức lẫn nội dung. Điển hình như trưng bày chuyên đề “Gia Lai – Sắc màu văn hóa” của Bảo tàng TP.HCM. Ngoài hình ảnh tư liệu, hiện vật về danh lam, thắng cảnh, văn hóa của Gia Lai, trưng bày còn tái hiện không gian đan lát, dệt thổ cẩm có người thật đang thực hiện thao tác đan lát, dệt vải. Với không gian như vậy, khách tham quan đặc biệt là học sinh, sinh viên có thể tận mắt nhìn thấy quá trình tạo ra thành phẩm của các nghệ nhân. Với mắt thấy tai nghe, học sinh, sinh viên có cái nhìn chân thực và sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống của người dân Gia Lai nói riêng và văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung.
Hay trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh – Tên Người sáng mãi” của Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM). Thay vì chỉ có hình ảnh, các tác phẩm còn được sáng tác từ nhiều chất liệu như: Sơn dầu, vẽ ngược kính, đá quý, nhựa, da, dây điện thoại, đá hoa cương. Với đa chất liệu, người xem như được nhìn thấy Bác Hồ đang hiện diện trong cuộc sống. Các tác phẩm nghệ thuật mang đến cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên cảm nhận sâu sắc hơn về cốt cách, bản lĩnh của Bác Hồ. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, quyến tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Trước đó, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM có chuyên đề “Cổ đổng kỳ quan – Nơi hội tụ các nền văn hóa” đã thu hút nhiều học sinh, sinh viên đến tham quan. Trưng bày được phân chia thành nhiều chuyên đề như: “Nghệ thuật Ấn Độ ở Đông Nam Á”; “Mỹ thuật Trung Quốc”; “Mỹ thuật Nhật Bản”. Trong đó có những hiện vật đã tồn tại hàng trăm năm tuổi. Học sinh, sinh viên đến đây đã được thuyết minh từng hiện vật sau đó chụp ảnh, check-in lan tỏa đến bạn bè.
Thu hút học sinh, sinh viên
Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, TP.HCM là nơi có nhiều bảo tàng công lập. Nơi đây có trách nhiệm đưa văn hóa, lịch sử đến gần công chúng, qua đó nâng cao nhận thức về việc bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại. “Thời gian qua, TP.HCM đã có chương trình hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn diện với các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, chúng tôi không chỉ chú trọng đến việc phát triển kinh tế mà còn chú trọng phát triển văn hóa. Đây cũng là nội dung then chốt vì TP.HCM xác định văn hóa vùng Tây Nguyên đã góp phần tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam chúng ta”, ông Thuận cho biết.
Cũng theo ông Thuận, TP.HCM cũng có chủ trương phát triển văn hóa, giáo dục học sinh, sinh viên về văn hóa, lịch sử qua bảo tàng. “Chúng tôi luôn nhận thức được rằng việc đưa không gian trưng bày ở các bảo tàng TP đến với học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các bảo tàng phải đổi mới cách trưng bày. Chính vì vậy trong thời gian qua bằng việc số hóa các bảo tàng đã đưa không gian trưng bày của mình đến với hàng triệu du khách và người dân trong đó có học sinh, sinh viên”, ông Thuận cho hay.
Trong vai trò là cơ quan quản lý, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã chỉ đạo ở các bảo tàng một năm tổ chức 5-6 trưng bày chuyên đề. “Trưng bày chuyên đề không chỉ dùng hiện vật, tư liệu, hình ảnh sẵn có mà phải có sự liên kết, phối hợp với các địa phương. Thông qua đó, các địa phương có cơ hội giới thiệu văn hóa, con người của tỉnh nhà đến với TP.HCM và ngược lại”, ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho hay. |
Song song với việc số hóa, các bảo tàng còn có chương trình miễn phí vé vào cửa cho người dân TP, đặc biệt các em thiếu nhi, diện gia đình chính sách, người khó khăn, học sinh, sinh viên. “Hiện nay số lượng học sinh, sinh viên đến các bảo tàng ngày càng đông, nhất là trong các dịp hè, hoạt động ngoại khóa… Sắp tới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tiếp tục trình HĐND đề án giảm phí vào cửa ở các bảo tàng để mở rộng hơn việc phục vụ người dân TP trong đó có học sinh, sinh viên”, ông Thuận thông tin.
Ông Thuận cho rằng, việc làm sao cho nội dung các cuộc trưng bày triển lãm trở nên sống động, đó là nhiệm vụ của những người chuyên môn ở công tác bảo tàng. “Chúng ta không chỉ thu hút du khách và người dân, thanh thiếu niên đến bảo tàng mà phải làm sao cho việc trưng bày hết sức hấp dẫn, sinh động, chân thực. Có như vậy, mỗi bản thân học sinh, sinh viên mới tự rút kết ra những bài học về văn hóa, lịch sử cho bản thân cũng như trong việc học, nghiên cứu và định hướng tương lai”, ông Thuận nói.
Thúy Kiều
Bình luận (0)