Tròn 100 năm qua bao thăng trầm lịch sử, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn soi mình bên dòng Hàn giang với vẻ cổ kính, thâm nghiêm, chứa đựng hàng trăm hiện vật đầy giá trị. Sự hấp dẫn trong từng câu chuyện kể về mỗi hiện vật đầy hấp lực thu hút du khách thập phương…
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng du khách tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm nhân kỷ niệm bảo tàng tròn 100 tuổi
1.Những ngày đầu xuân, Bảo tàng điêu khắc Chăm vẫn đón rất đông du khách thập phương tìm về. Nhìn khung cảnh ấy, nhiều người như được gợi nhớ về những mùa xuân trong quá vãng, thời thanh xuân son trẻ của thế hệ 6x, 7x… cứ mỗi độ xuân sang là lại tìm về bảo tàng để vui chơi. Với giới trẻ bây giờ, Bảo tàng điêu khắc Chăm không chỉ là chốn du xuân mà còn là địa chỉ để học tập, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa. Bởi vậy, không có gì lạ khi nhìn du khách say sưa bật điện thoại thông minh, quét mã QR code để đọc thông tin về các hiện vật, hay chăm chú lắng nghe những thuyết minh viên kể chuyện hiện vật.
Không ai nhớ cột mốc cụ thể từ bao giờ Bảo tàng điêu khắc Chăm trở thành điểm đến yêu thích. Chỉ biết rằng, không chỉ du khách muôn nơi mà đối với người dân Đà Nẵng, nơi đây đã trở thành địa chỉ văn hóa đặc sắc khi nhắc đến Đà Nẵng. Theo dòng thời gian, tròn 100 năm kể từ ngày khánh thành và mở cửa đón khách đến nay, Bảo tàng điêu khắc Chăm đã 3 lần được mở rộng, nâng cấp và cải tạo không gian. Đó là vào những năm 1936, 2002 và gần đây nhất là năm 2016. Tuy vậy, kiến trúc của tòa nhà cũ vẫn được giữ nguyên để bảo tồn. Người làm công tác bảo tồn, bảo tàng và những ai yêu mến văn hóa Chăm đều nhớ và tri ân công lao của ông Charles Lemire – công sứ tỉnh Quảng Nam thời còn Pháp thuộc, nhà khảo cổ học Henri Parmentier (Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp) và hai kiến trúc sư Pháp là Delaval và Auclair – những người đã thiết kế nên thiết chế văn hóa đặc sắc để lưu giữ những tinh hoa quý báu của Vương quốc Chăm Pa xưa này.
2.Sử liệu ghi lại, từ những năm 1891-1892, ông Charles Lemire đã cho sưu tập những tác phẩm điêu khắc ở các đền tháp Chăm từ Trà Kiệu đến Khương Mỹ, Mỹ Sơn (Quảng Nam) đem về tập kết tại Công viên Tourane (Bảo tàng Chăm ngày nay). Suốt 13 năm ròng rã từ 1902 đến 1915, các nhà nghiên cứu tâm huyết về văn hóa Chăm Pa đến từ nước Pháp đã không nản lòng trong tìm kiếm nguồn kinh phí để xây dựng bảo tàng một cách quy mô.
Trong câu chuyện về Bảo tàng điêu khắc Chăm, ông Hồ Tấn Tuấn – Giám đốc bảo tàng – người có thâm niên gắn bó suốt 34 năm nay chia sẻ, trải qua trăm năm với bao thế hệ gắn với bảo tàng trong gìn giữ và phát triển, Bảo tàng Chăm được nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ học, đội ngũ các nhà quản lý, nhân viên… dành nhiều tâm huyết. Dường như họ làm việc bằng tình yêu và lấy tình yêu để gắn bó với nơi này. Chính nhờ vậy mà các hiện vật luôn phát huy được giá trị. Tiếng tăm bảo tàng từ đó lan xa, được khắp nơi biết đến. Năm 2011, Bảo tàng điêu khắc Chăm vinh dự được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 của Việt Nam. Đó không chỉ là niềm tự hào mà là cả một hành trình đầy nỗ lực của những người có công gầy dựng và làm công tác bảo tồn, gìn giữ nơi đây.
3.Sau ngày đất nước thống nhất 1975, ông Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà lúc bấy giờ đã lưu ý cán bộ, chiến sĩ khi tiếp quản Đà Nẵng phải có kế hoạch bảo vệ Bảo tàng Chăm. Ý thức gìn giữ ấy được nối tiếp liên tục cho đến nay. Cùng với đó bảo tàng đã được bổ sung thêm nhiều hiện vật quý giá. Nhất là thông qua các đợt khai quật, sưu tầm ở Đồng Dương, An Mỹ, Chiên Đàn, Quá Giáng, Phong Lệ, Cấm Mít, Khuê Trung… thu thập những tác phẩm điêu khắc có giá trị.
Các hiện vật quý được trưng bày tại bảo tàng “Với bề dày 100 năm tuổi, Bảo tàng điêu khắc Chăm hoàn toàn xứng đáng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật”, NSND Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng nhấn mạnh. |
Song hành với giới thiệu hiện vật tại các phòng trưng bày thường xuyên, bảo tàng còn đưa hiện vật đi triển lãm, trưng bày ở các địa phương trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá phát huy giá trị bộ sưu tập hiện vật. Đơn cử như hợp tác triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Vienne (Áo) và Bảo tàng lịch sử hoàng gia Brussels (Bỉ) với tên gọi “Việt Nam quá khứ và hiện tại”; triển lãm tại Bảo tàng Guimet (Paris) “Kho tàng nghệ thuật Việt Nam – Điêu khắc Chăm Pa”; hay tại Bảo tàng Houston – bang Texas và Bảo tàng Hội Châu Á – New York “Nghệ thuật cổ Việt Nam – Từ châu thổ ra biển lớn”… Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn và trưng bày, triển lãm mà các bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng phát huy được giá trị, thu hút công chúng, khách du lịch đến với bảo tàng ngày một đông. “Năm 1995, bảo tàng đón 45.000 lượt khách thì con số đó 13 năm sau (năm 2018) là 300.358 lượt, trong đó có đến 90% là khách quốc tế. Đặc biệt, Bảo tàng điêu khắc Chăm đã đón rất nhiều nguyên thủ, lãnh đạo của các quốc gia đến tham quan”, ông Tuấn dẫn chứng.
NSND Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng nhìn nhận, Bảo tàng điêu khắc Chăm là một viên ngọc quý, hiếm trên lĩnh vực văn hóa ở Đà Nẵng – là một viên ngọc đơn nhất. Đây là bảo tàng được xây dựng và khánh thành đầu tiên của cả nước. Mặt khác, đối với di sản văn hóa Chăm – một nền văn minh rực rỡ trong quá khứ, hiện nay có nhiều nơi có bộ hiện vật, nhưng bộ hiện vật mà Bảo tàng điêu khắc Chăm đang trưng bày, giữ gìn và bảo vệ có quy mô lớn nhất. Bảo tàng điêu khắc Chăm cũng đang là nơi cất giữ, trưng bày bốn bảo vật quốc gia…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Các hiện vật quý được trưng bày tại bảo tàng
“Với bề dày 100 năm tuổi, Bảo tàng điêu khắc Chăm hoàn toàn xứng đáng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật”, NSND Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng nhấn mạnh.
Bình luận (0)