Y tế - Văn hóaThư giãn

Bảo tàng Văn học Việt Nam – điểm đến bổ ích với giáo viên, học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Bảo tàng Văn học Việt Nam khánh thành năm 2015 tại 275 Âu Cơ, quận Tây Hồ (Hà Nội) với diện tích 3.000m2, trưng bày gần 4.000 hiện vật, tư liệu phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam. Ở vị trí trung tâm bảo tàng là biểu tượng hòn đá hình ngọn bút được mang về từ Đền Hùng với dòng chữ mềm mại “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” của đại thi hào Nguyễn Du. Bảo tàng gồm 3 tầng. Tầng 1 trưng bày các hiện vật, tư liệu 10 thế kỷ văn học Việt Nam thời cổ, trung đại (từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX); nhiều không gian, nhóm tượng minh họa từ khung cảnh thầy đồ dạy học, đến khung cảnh sĩ tử lều chõng đi thi ngày xưa, giúp người xem cảm nhận được không khí đèn sách, khoa cử náo nhiệt một thời của cha ông. Tầng 2 và tầng 3 trưng bày về những nhân vật tiêu biểu của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Tản Đà… Có những hiện vật quý như chiếc bàn gỗ cách đây hơn 200 năm Nguyễn Du từng ngồi viết trong thời gian 10 năm sinh sống ở quê vợ Thái Bình, hay bộ bàn ghế gỗ gụ Bác Hồ từng tiếp vua Bảo Đại năm 1946, bút tích bài thơ Thề non nước của Tản Đà. Bên cạnh đó, người xem có dịp chiêm ngưỡng hiện vật, tư liệu về các nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh,  Giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật như Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Văn Cao, Lưu Quang Vũ…, các nhà văn theo các khuynh hướng hiện thực phê phán, cách mạng và lãng mạn.

Nhiều tiểu cảnh tái hiện hình ảnh trong các tác phẩm văn học như: Hình ảnh mẹ con chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, cảnh Chí Phèo – Thị Nở với bát cháo hành, khung cảnh Nguyễn Trãi ở Côn Sơn… Người xem cũng sẽ ngỡ ngàng trước góc trưng bày về Tự Lực văn đoàn, những nàng thơ thoảng qua cuộc đời thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử… Đặc biệt, những hiện vật như: chiếc ba-toong và cái áo dạ quen thuộc của nhà văn Nguyễn Tuân, chiếc xe đạp sinh thời nhà văn Xuân Diệu vẫn thường đi thực tế sáng tác, chiếc chum sành nhà thơ – liệt sĩ Lê Anh Xuân trú ẩn và hy sinh trong trận địch càn tại Long An năm 1968… đã gây ấn tượng sâu sắc đối với người xem.

Có thể nói, bảo tàng là điểm đến bổ ích đối với giáo viên, học sinh, du khách yêu văn chương; giúp mọi người hiểu hơn về cuộc sống và con người của các tác giả sau những trang văn.

Đ Thành Dương

 

Bình luận (0)