Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bảo tồn giống lúa trời độc đáo ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

Tạp Chí Giáo Dục

Giống lúa trời quý hiếm đang được Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp bảo tồn và đưa vào chương trình du lịch trải nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết Vườn Quốc gia Tràm Chim hiện có thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, 6 kiểu quần xã đặc trưng, gồm: Sen, lúa trời, năng, mồm mốc, cỏ ống, rừng tràm.

Quần xã lúa trời hay còn gọi là "lúa ma" (có tên khoa học là Oryza rufipogon) hiện được lưu giữ và bảo tồn tại Vườn Tràm Chim với diện tích hơn 800ha. Hiện nay, lúa đã chín, đang vào mùa thu hoạch và đã được Vườn Quốc gia thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm thu hoạch lúa trời trên phạm vi khai thác là 134ha.

Thu hoạch lúa trời ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

(Nguồn: tramchim.com.vn)

Được Vườn Quốc gia Tràm Chim bảo tồn cho đến ngày nay, lúa trời nằm rải rác trong các khu và nhiều nhất là ở khu vực trạm Phú Hiệp, Phú Đức và Phú Thành B. Giống lúa trời xen lẫn phổ biến các loài quần xã khác trong vườn đất ngập nước như: Lúa trời xen lẫn cỏ ống, cỏ bắc, cỏ chỉ.

Giống lúa trời thường trổ bông vào tháng 10 và bắt đầu chín rộ vào tháng 11, tháng 12. Bông lúa trời hạt chín với vỏ trấu màu vàng đen, có chiếc đuôi dài. Giống lúa này mỗi lần chỉ chín vài hạt chứ không chín cả bông như những giống lúa khác. Lúa trời chín vào mùa nước nổi nên muốn thu hoạch phải dùng xuồng và người dân khi thu hoạch chỉ dùng cây để đập.

Lúa trời cũng là loại lúa chịu phèn tốt, vượt nước rất tốt, có thể vượt nước có độ sâu 3-5 mét. Khi nước lũ dâng cao, lúa ngoi lên khỏi mặt nước, mỗi ngày lúa trời vươn cao từ 0,1-0,15 mét và tồn tại được trên dòng nước dữ, làm thức ăn cho nhiều loài. Nhờ có lúa trời, chuỗi cung cấp thức ăn cho hệ sinh thái ngập nước không bị đứt gãy ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Gạo của giống lúa trời tuy nhỏ nhưng rất thơm ngon, dẻo, có vị ngọt.

Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Du lịch và giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: Vào mùa này, Vườn thường tổ chức cho du khách trải nghiệm thu hoạch lúa trời. Vườn đã có 5 chiếc xuồng chuyên đập (thu hoạch) lúa trời, phạm vi khai thác 134ha ở khu vực trạm Phú Hiệp, Phú Đức, chiếm hơn 16% diện tích lúa trời có trong Vườn.

Việc khai thác lúa trời trong phạm vi Vườn Tràm Chim vẫn đảm bảo môi trường sinh thái và tạo điều kiện cho du khách được trải nghiệm cách thu hoạch lúa trời, hiểu hơn về sinh kế mùa nước nổi của cư dân Đồng Tháp Mười.

Về Tràm Chim mùa nước nổi, không chỉ du khách mà ngay cả cư dân miệt vườn Nam Bộ cũng cảm thấy hào hứng, có cảm giác vừa quen, vừa lạ với thiên nhiên vùng đất ngập nước.

Diện tích lúa trời được Vườn Quốc gia Tràm Chim bảo tồn đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khảo sát, sưu tập quần thể lúa trời tại vùng ngập sâu và phèn nặng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở cho cán bộ kỹ thuật lai tạo những giống lúa thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay./.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)