Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới. Tuy nhiên, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới vẫn chưa thực sự tương xứng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; thậm chí có một số di sản đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức… Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19; quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam theo Công ước di sản thế giới”.
Đưa giáo dục di sản vào trường học là cách làm hay góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Quảng Nam
Di sản thế giới đối mặt nhiều nguy cơ
Việt Nam tham gia Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1987. Từ đó đến nay đã có 8 di sản tiêu biểu được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới.
Ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch – cho rằng, những di sản thế giới này đã được các địa phương quản lý, bảo vệ bền vững nhằm trao truyền lại cho thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước di sản thế giới, pháp luật về di sản văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới vẫn chưa thực sự tương xứng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, di sản hiện vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… Để từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế đòi hỏi công tác này phải được tiếp cận liên ngành và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.
Bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam – thừa nhận: “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ của hai thách thức, đó là: dung hòa giữa bảo tồn và phát triển; tác động của biến đổi khí hậu…”.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia – khẳng định, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là tài sản vô giá đối với mỗi dân tộc và cả nhân loại, ngày nay đang trở thành một nguồn lực cho phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để bảo vệ, gìn giữ lâu dài giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn của di sản và để thực hiện những cam kết của quốc gia thành viên đối với UNESCO thì Nhà nước giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành cơ chế, chính sách; huy động sự trợ giúp quốc tế; thành lập các tổ chức quản lý chuyên trách về bảo tồn di sản, tư vấn khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm…
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những cách bảo tồn, phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam đó là đưa giáo dục di sản vào trường học.
Đưa giáo dục di sản vào trường học
Hiện nay một số địa phương có di sản thế giới đã mạnh dạn đưa giáo dục di sản vào trường học.
Hội thảo này diễn ra tại TP.Hội An (Quảng Nam) do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch) phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức. Hội thảo là hoạt động kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO năm 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. |
Đơn cử như tại Quảng Nam, theo TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, gần 25 năm qua, điểm mới và thành công của Hội An trong việc gắn kết hài hòa giữa di sản vật thể và phi vật thể là đưa giáo dục di sản vào trường học. Người Hội An đã nhận thức được di sản phi vật thể của chính họ và có những hoạt động bảo vệ khá bài bản từ trước khi Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 ra đời. Hội An đã có điều tra di sản văn hóa phi vật thể từ rất sớm. Năm 2010, Hội An đăng cai tổ chức hội nghị tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể do Cục Di sản văn hóa triệu tập. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển TP.Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025”. Ngay sau đó Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã mời Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa lập đề án “Xây dựng chương trình học thông qua di sản ở Hội An”. Mục tiêu của đề án là nhận diện giá trị di sản và nội dung giáo dục của nhà trường, tìm cách liên kết với nhau tạo ra các chương trình trải nghiệm tại bảo tàng và di tích theo mô hình tích hợp. Phương pháp tiếp cận chính là căn cứ vào nhu cầu của giáo dục phổ thông, tìm kiếm những điểm phù hợp từ nội dung giáo dục ở trường học và nội dung di sản để kết nối, tích hợp, xây dựng chương trình giáo dục di sản. Đây là hình thức giáo dục thông qua trải nghiệm, phát triển tri thức, kỹ năng và không liên quan đến thi cử, kiểm tra.
“Hội An trong 10 năm qua đã có những bước đi vững chắc để thực hiện đề án của mình. Đề án sau đó được phê duyệt là “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An”. Đây là tầm nhìn có tính chiến lược gắn kết 2 công ước trong mục tiêu phát triển bền vững”, TS. Lý nhấn mạnh.
Ông Phan Hộ – Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) – cho rằng: “Ngoài các quy định của pháp luật thì giáo dục đóng vị trí quan trọng trong công tác bảo tồn di sản. Tại di sản Mỹ Sơn, trong nhiều năm qua, ngành giáo dục địa phương đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản. Trong đó, mô hình “giáo dục di sản trong trường học” đã góp phần lan tỏa, thấm lâu giá trị di sản toàn cầu Mỹ Sơn đến cộng đồng, được cộng đồng đón nhận, chung tay bảo vệ và cùng chia sẻ trách nhiệm, thụ hưởng quyền lợi…”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)