Hàng trăm nghệ nhân của các làng nghề truyền thống đặc sắc trên mọi miền đất nước quy tụ về với Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 tại Quảng Trị đã vẽ nên bức tranh đa sắc màu. Trải qua nhiều thăng trầm thời cuộc, những bài ca, điệu nhạc, những nghề truyền thống trăm năm vẫn được giữ gìn và phát triển…
Giữ nghề truyền thống cha ông
Gần 60 tuổi, nghệ nhân điêu khắc gỗ truyền thống Trần Văn Bảy đến từ thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) có thâm niên hơn 40 năm giữ nghề. Theo cha học nghề điêu khắc gỗ từ những ngày thiếu niên, khi đôi tay biết cầm cây búa, cây đục, ông Bảy luôn ghi nhớ lời cha: “Con trai Cơ Tu phải biết chạm khắc con chim, con thú trên rừng, con trâu trên nương và con cá dưới suối… để cháu con đời sau biết về nghề, biết về đời sống đa dạng chim muông của núi rừng. Nhìn các hình chạm khắc để ghi nhớ về cội nguồn mình sinh ra mà góp công gìn giữ, bảo vệ để bản làng ngày càng phát triển”.
Ông Bảy nói, nghề điêu khắc gỗ truyền thống không phổ biến do sản phẩm không bày bán nhiều trên thị trường nhưng đã là người Cơ Tu thì phải biết nghề. Biết để làm ra hình hài các linh vật núi rừng trưng bày ở nhà Gươl – nơi được coi là công trình kiến trúc quan trọng của đồng bào Cơ Tu.
“Dù nghề điêu khắc gỗ không mang lại nhiều thu nhập nhưng đó là niềm tự hào của người Cơ Tu. Vài năm trở lại đây, khi du lịch cộng đồng phát triển, nghề điêu khắc gỗ của bà con Cơ Tu có thêm điều kiện để hồi sinh và phát triển”, ông Bảy nói.
Hơn 60 tuổi, nghệ nhân Mai Thị Hợp, dân tộc Tà Ôi ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) bền bỉ giữ nghề dệt thổ cẩm (dệt zèng) truyền thống. Không chỉ tạo ra các sản phẩm tinh hoa, bà còn truyền nghề cho thế hệ trẻ và mang câu chuyện giữ nghề của mình đi nhiều nơi trong nước và trên thế giới: Nga, Nhật, Pháp, Thái Lan, Lào, Thụy Sĩ… để quảng bá, góp phần gìn giữ và phát triển nét truyền thống của dân tộc mình.
Với tâm nguyện giữ nghề, bà Hợp đã cùng các mẹ, các chị trong thôn, xã thành lập hợp tác xã dệt zèng. Ban đầu có 16 thành viên, đến nay con số ấy đã lên đến hơn 100 thành viên, trong đó có 50 thành viên tích cực và dệt thường xuyên. Sản phẩm làm ra được bán đi khắp nơi với đa dạng màu sắc, hoa văn.
Lan tỏa hương sắc đại ngàn
Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 quy tụ sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 16 tỉnh, thành phố trên cả nước: Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Trị.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – Trịnh Thị Thủy cho biết, nền văn hóa 54 dân tộc Việt Nam được hình thành và kết tinh trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Những giá trị văn hóa đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt, chất keo kết nối làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh giá trị văn hóa chung, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, được sản sinh từ truyền thống lịch sử, từ cảnh quan thiên nhiên, môi trường cư trú… từ đó, hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật dân gian… góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài được Đảng và Nhà nước ta xác định trong mọi thời kỳ. Đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới, hội nhập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nhìn nhận: “Qua ngày hội, các dân tộc hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của nhau, từ đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết. Đây là cơ hội để cùng nhìn nhận lại những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông để lại; ý thức hơn việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trong giai đoạn phát triển và hội nhập”.
Thiên Phúc
Bình luận (0)