Với dự án đưa cồng chiêng vào trường học, các trường miền núi thuộc huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã từng bước góp phần bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số…
Đội cồng chiêng Trường PTDT Nội trú Nước Oa
Học sinh hóa thân thành nghệ nhân
Đầu năm học 2021-2022, khi huyện Bắc Trà My thành lập đề án bảo tồn phát triển các đội cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa là một trong những trường đã được chọn để thực hiện đề án.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa (huyện Bắc Trà My) chính thức đưa môn cồng chiêng vào trường học với sự tham gia giảng dạy của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm ở địa phương. Thầy Nguyễn Xuân Ảnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vừa qua, đội cồng chiêng học sinh của trường được thành lập với 20 học sinh. Đây là đội cồng chiêng biểu diễn các điệu múa của đồng bào dân tộc Cadong tại địa phương. “Khi thông báo thành lập CLB Cồng chiêng, hầu hết các em đều xung phong tham gia một cách rất hào hứng. Điều này là tín hiệu vui góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của dân tộc. Không ai khác, chính thế hệ trẻ là nòng cốt hướng đến bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa truyền thống”, thầy Ảnh bộc bạch.
Đều đặn mỗi tuần, CLB đều dành thời gian tập luyện cồng chiêng. “Toàn trường có hơn 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số như: dân tộc Cor, Ca Dong, Mường. Không phải đến bây giờ học sinh mới làm quen với cồng chiêng. Từ năm 2010, nhà trường đã đưa tiết học cồng chiêng vào chương trình ngoại khóa. Trong lễ khai giảng và các dịp lễ trong năm, tiết mục cồng chiêng đều được đưa vào buổi lễ. Với đề án của huyện, từ năm học 2021-2022, trong các hoạt động văn hóa dân gian, văn nghệ của trường đã chính thức được bố trí những tiết mục biểu diễn cồng chiêng do chính học sinh trong trường thể hiện. Cuối năm học này, nhà trường cũng sẽ tổ chức hội thi cồng chiêng giữa các lớp với nhau nhằm trao đổi và tạo nên một trường học đậm đà bản sắc dân tộc”, thầy Ảnh cho biết thêm.
Có 100% học sinh là con em đồng bào thiểu số, Trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) luôn chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Thầy Vũ Hoàng Tâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2019-2020, nhà trường đã thành lập 2 CLB cồng chiêng, gồm 8 chiêng và 2 trống. Trang phục như khố cho nam, váy yếm cho nữ và trang phục truyền thống của người đồng bào Ca Dong đều được trang bị đầy đủ. Mỗi đội cồng chiêng có khoảng gần 20 học sinh. Vào tối thứ 5 hằng tuần tại sân trường, Đoàn trường tổ chức sinh hoạt để các em học sinh cùng tham gia.
Học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đang tập các điệu múa cồng chiêng
Em Hồ Nguyễn Vân Kiều, học sinh lớp 8/1 – người đồng bào dân tộc Ca Dong chia sẻ: “Ở làng, em thường được cha mẹ dẫn đi xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại nhà rông. Vì thích nên về đến nhà, em cố gắng nhớ lại các nhịp trống, nhịp chiêng, những điệu múa rồi tự tập lại. Được cô giáo thông báo sẽ lập đội cồng chiêng là em tham gia ngay. Sau thời gian các thầy, nghệ nhân hướng dẫn, đến nay em đã thuộc hết các điệu múa này. Mỗi lúc được đi múa trong đội cồng chiêng em cảm thấy rất vui và tự hào, bởi vì em đã góp phần đưa văn hóa truyền thống của đồng bào mình đến với bạn bè”.
Anh Hồ Văn Dương – Bí thư Xã đoàn (xã Trà Bui) – người trực tiếp giảng dạy các điệu múa cồng chiêng cho học sinh trên địa bàn cho biết: “Nhìn chung các em học sinh rất thích các điệu múa cồng chiêng của đồng bào. Các em nắm bắt bài học rất nhanh và dễ dàng thuần thục các động tác. Đó là điều đáng mừng để thực hiện đề án bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống cồng chiêng của đồng bào ở Bắc Trà My”.
Bảo tồn bền vững
Nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã thành lập nhiều đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và phát triển du lịch như: Đội cồng chiêng Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), xã Trà Bui, xã Trà Giáp, xã Trà Kót, xã Trà Kót. Đặc biệt, sinh hoạt cồng chiêng còn được đưa vào trong trường học và thành lập 4 đội cồng chiêng dân tộc Cor, Ca Dong tại các trường. Đây được xem là một trong những bước tạo đà để chuẩn bị cho phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.
“Việc chính quyền đầu tư cho văn hóa, lồng ghép vào các tiết học, các buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp các em hiểu về cội rễ của mình, góp phần bảo tồn tốt hơn văn hóa truyền thống của dân tộc. Quan trọng hơn là từ sự đam mê của các thế hệ trẻ sẽ có thêm nguồn nhân lực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa trong tương lai. Đó là giải pháp bảo tồn bền vững”, ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh. |
Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bắc Trà My cho biết, với đặc thù là địa bàn miền núi, có đa phần là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của chính quyền, ngành giáo dục Bắc Trà My đã có những hoạt động lồng ghép các chương trình giáo dục nhằm đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin huyện thành lập 4 đội cồng chiêng tại 4 trường để bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần bảo tồn, phát huy điệu múa cồng chiêng trong thế hệ trẻ. Các cấp học, các nhà trường, trên địa bàn đã thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa và trên lớp như các tiết học trải nghiệm thực tế giáo dục lịch sử tại bảo tàng, đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử, tham gia các lễ hội truyền thống tại địa phương…
Thiên Phúc
Bình luận (0)